Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tăng cường tuyên truyền không sử dụng thuốc lá trong trường học

Hút thuốc lá truyền thống và thuốc lá thế hệ mới ảnh hưởng xấu tới thanh thiếu niên và cả những người hút thuốc lá. Đặc biệt, nguy cơ tiềm ẩn sử dụng ma túy và các chất kích khác đồng thời với thuốc lá điện tử nghiêm trọng hơn rất nhiều so với thuốc lá điếu thông thường. Do đó, cần phòng ngừa việc sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá ở những người chưa hút, đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên trong trường học.

Theo Kết quả Điều tra sức khỏe học sinh (từ 13 - 17 tuổi) toàn quốc năm 2019 và Khảo sát thực trạng phòng chống bệnh không lây nhiễm hơn 330 thanh thiếu niên Hà Nội năm 2019 của Bộ Y tế, tỷ lệ học sinh, thanh thiếu niên đã từng hút thuốc lá khoảng 8,3% (năm 2013 là 12,1%); có 2,6% học sinh sử dụng thuốc lá điện tử, tỷ lệ này ở học sinh thành thị là 3,4%.

Việc phòng chống tác hại thuốc lá trong trường học, góp phần quan trọng bảo vệ sức khỏe của các thế hệ tương lai của đất nước. Ảnh mang tính minh hoạ. Ảnh: K.Tiến

Việc phòng chống tác hại thuốc lá trong trường học, góp phần quan trọng bảo vệ sức khỏe của các thế hệ tương lai của đất nước. Ảnh mang tính minh hoạ. Ảnh: K.Tiến

Nên lồng ghép nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá trong dạy học chính khóa

Nhận thức rõ mối nguy hại của thuốc là đối với sức khỏe con người và ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phòng chống tác hại của thuốc lá, Đảng và Chính phủ đã ban hành các chủ trương, pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành nhiều văn bản quy định về phòng, chống tác hại của thuốc lá, xây dựng môi trường không khói thuốc, và chỉ đạo triển khai nhiều hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá cho cán bộ công chức, người lao động của ngành và học sinh, sinh viên.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh khẳng định: Hút thuốc lá tại trường học tác động xấu tới môi trường giáo dục và gây ô nhiễm khói thuốc thụ động. Bên cạnh đó, ảnh hưởng đến việc giáo dục, rèn luyện nhân cách và tác động xấu đến sức khỏe học sinh. Hút thuốc lá trong trường là hình ảnh xấu, làm học sinh bắt chước, thử hút thuốc lá và dẫn đến nghiện thuốc lá.

Năm 2019, Luật Giáo dục đã được thông qua tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV có hiệu lực từ 1/7/ 2019 quy định rõ “cấm các hành vi hút thuốc, uống rượu bia tại trường học”.

Bộ GD&ĐT đã ban hành Chương trình Giáo dục phổ thông, trong đó nội dung giáo dục về phòng, chống tác hại thuốc lá được tích hợp, lồng ghép trong một số môn học ở cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông. Bộ GD&ĐT đã ban hành Điều lệ trường THCS, THPT (Thông tư số 32/2020/TT – BGDĐT ngày 15/9/2020), trong đó quy định cụ thể về việc cấm sử dụng thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, nung nóng, shisha,…) đối với cán bộ, giáo viên và học sinh trong các hoạt động giáo dục.

Ngày 23/8/2019, Bộ GD&ĐT đã có Công văn số 3833/BGDĐT-GDTC về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục thể chất, thể thao và y tế trường học, đưa nội dung tăng cường thực thi Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá là một nhiệm vụ năm học thuộc lĩnh vực giáo dục thể chất, thể thao và y tế trường học năm 2019 - 2020.

Ngày 20/5/2020, Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn số 1758/BGDĐT-GDTC chỉ đạo các sở GD&ĐT, các Đại học, Học viện, Trường Đại học, Trường Cao đẳng Sư phạm và Trường Trung cấp sư phạm tăng cường thực thi Luật phòng, chống tác hại thuốc lá và tổ chức hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá, Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá năm 2020.

Theo đó, công tác thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã được đẩy mạnh thông qua việc tăng cường lồng ghép nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá trong dạy học chính khóa và các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp; thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục sức khỏe và nâng cao nhận thức về tác hại của việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá trong các cơ quan và trường học, trong đó, đặc biệt chú trọng thực hiện chương trình giáo dục và ngăn ngừa học sinh sử dụng các sản phẩm thuốc lá; tuyên truyền, vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên gương mẫu không hút thuốc lá; Các cơ sở giáo dục đã phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương tổ chức các hoạt động truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá như: mít tinh, treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề, thi tìm hiểu về tác hại của thuốc lá, thi vẽ tranh, thi hùng biện, chạy khẩu hiệu trên bảng thông tin điện tử của đơn vị, sinh hoạt lớp định kỳ, tọa đàm, diễn đàn, chương trình phát thanh học đường, Zalo, fanpage của nhà trường, của Đoàn thanh niên, trong buổi sinh hoạt lớp…; tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định về  phòng, chống tác hại của thuốc lá; tổ chức dẹp bỏ các hàng quán xung quanh khu vực trường và vận động các hàng quán không bán thuốc lá cho học sinh sinh viên.

Học sinh nói không với thuốc lá. Ảnh: K Tiến

Học sinh nói không với thuốc lá. Ảnh: K Tiến

Tăng nhận thức, khả năng tự phòng vệ cho học sinh

Thứ trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh cho biết, trong thời gian tới, cần chú trọng đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức, theo cách hướng dẫn các em học sinh tìm hiểu, đánh giá, hiểu rõ tác hại, cũng như trang bị kiến thức và kỹ năng nhận diện, phòng tránh tác hại của thuốc lá.

Thứ trưởng đề nghị các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ, làm rõ đầu mối, trách nhiệm của bên, của địa phương, cũng như sự phối hợp của Sở GD&ĐT với địa phương cấp huyện, xã trong công tác này. Sự phối hợp của nhà trường với công an, y tế địa phương cũng hết sức quan trọng.

“Nếu thiếu kiến thức, phương pháp, mối quan hệ gia đình - nhà trường - xã hội thì chúng ta không thể bảo vệ các em”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Còn về phía gia đình thì thường xuyên quan tâm, quản lý chặt trong sinh hoạt hàng ngày của con cái về thời gian, tiền bạc và các mối quan hệ bạn bè. Ngăn chặn không để các em tập hút, hút thuốc lá tại gia đình cũng như ở trường.

Việc phòng chống tác hại thuốc lá trong trường học giúp các em học sinh không hút thuốc, góp phần quan trọng bảo vệ sức khỏe của các thế hệ tương lai của đất nước.