Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tăng cường vai trò của người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án "Tăng cường vai trò của người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số".

 

Theo đó, người có uy tín là người nắm vững và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương nơi cư trú và thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ công dân; bản thân và gia đình gương mẫu, có đóng góp tích cực đối với cộng đồng; am hiểu về văn hóa, phong tục, tập quán, tiếng nói của dân tộc ở nơi cư trú; có cách ứng xử, giải quyết tốt mối quan hệ trong gia đình, cộng đồng; là người tiêu biểu, có mối liên hệ chặt chẽ, có ảnh hưởng lớn và khả năng tập hợp đồng bào dân tộc ở những phạm vi nhất định, được người dân trong cộng đồng tín nhiệm, tin tưởng, nghe và làm theo.

Việc lựa chọn người có uy tín phải đảm bảo nguyên tắc: Đúng tiêu chí, tự nguyện, bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giữa các dân tộc.

Về trách nhiệm của người có uy tín, bản thân và gia đình người có uy tín phải nắm vững, gương mẫu thực hiện và tích cực tuyên truyền, giải thích, vận động đồng bào các dân tộc trên địa bàn thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương; chủ động nắm tình hình dư luận xã hội, đời sống, sản xuất, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc, phản ánh kịp thời về các cơ quan chức năng có liên quan; tham gia ngăn ngừa, hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự ở địa phương; tích cực hưởng ứng, ủng hộ, tham gia xây dựng nông thôn mới và các cuộc vận động, phong trào thi đua tại địa phương.

Căn cứ tình hình và điều kiện cụ thể, các địa phương có thể điều chỉnh hoặc quy định bổ sung trách nhiệm của người có uy tín cho phù hợp.

 

Ảnh minh họa

Phân cấp quản lý, phân công vận động người có uy tín

Quyết định nêu rõ, cần tăng cường sự lãnh đạo, quản lý của cấp ủy Đảng, chính quyền, nâng cao vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên các cấp, tạo sự thống nhất về nhận thức, đồng thuận xã hội trong công tác vận động, phát huy vai trò và thực hiện chế độ, chính sách đối với người có uy tín.

Bên cạnh đó, thực hiện phân cấp quản lý, phân công vận động người có uy tín. Cụ thể, người có uy tín chịu sự lãnh đạo, quản lý trực tiếp của cấp ủy đảng, chính quyền và giữ mối quan hệ phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên cùng cấp.

Cấp Trung ương trực tiếp quản lý và hỗ trợ cấp tỉnh vận động những người có phạm vi ảnh hưởng từ một tỉnh trở lên hoặc phạm vi ảnh hưởng hẹp hơn nhưng là địa bàn trọng điểm, xung yếu; cấp tỉnh trực tiếp quản lý, vận động những người có phạm vi ảnh hưởng từ một huyện trở lên, hoặc phạm vi ảnh hưởng hẹp hơn nhưng là địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự; những người có uy tín còn lại do cấp huyện trực tiếp quản lý, vận động hoặc giao cho cấp xã thực hiện.

Hàng năm cơ quan có thẩm quyền công nhận người có uy tín thực hiện việc rà soát, bổ sung hoặc thay thế người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, nghiên cứu sửa đổi, thay thế hoặc ban hành mới các chế độ, chính sách đối với người có uy tín cho phù hợp, đảm bảo thống nhất về nội dung và các mức chi tương ứng đối với cùng một đối tượng thụ hưởng. Các ngành Quốc phòng, Công an thực hiện chế độ, chính sách riêng đối với người có uy tín do ngành quản lý.