Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS, lao và sốt rét là một tổ chức gây quỹ đa dạng đứng đầu thế giới với mục tiêu chống lại 3 căn bệnh nguy hiểm xuyên quốc gia. Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, lao và sốt rét đã cứu sống hàng chục triệu người dựa vào sự cam kết đóng góp nguồn lực của các quốc gia giàu có.
AHF kêu gọi tăng cường viện trợ cho Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS, lao và sốt rét
Sự đầu tư của Quỹ đã mang lại những kết quả ấn tượng. Hơn 470 triệu người đã được xét nghiệm HIV; gần 3,3 triệu bà mẹ đã tiếp cận với điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Khoảng 8,6 triệu người đang được cứu sống bằng liệu pháp điều trị kháng vi-rút; 16 triệu người đồng nhiễm lao/HIV đã được điều trị; 560 triệu người mắc sốt rét được điều trị.
Tuy nhiên, những năm gần đây với sự giảm đáng kể về nguồn tài trợ từ các quốc gia có nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ làm ảnh hưởng rất lớn tới các chương trình phòng, chống HIV/AIDS, lao và sốt rét.
Theo Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), nếu tình trạng thiếu hụt kinh phí tiếp tục diễn ra và dịch vụ điều trị HIV không được mở rộng vào năm 2020 có thể dẫn đến tình trạng 21 triệu trường hợp tử vong và có thêm 28 triệu người bị nhiễm HIV đến năm 2030. Nếu điều này xảy ra, thế giới sẽ phải trả thêm 24 tỷ USD hàng năm để điều trị ARV đến năm 2030. Cùng với những chi phí gián tiếp liên quan đến giảm năng suất và chăm sóc y tế dài hạn cho những bệnh nghiêm trọng, cái giá phải trả trung và dài hạn cho sự không hành động kịp thời có thể sẽ rất kinh ngạc.
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Trưởng đại diện Quỹ Chăm sóc sức khỏe AIDS Hoa Kỳ (AHF) tại Việt Nam cho biết: Trước đó, tháng 10/2016, AHF đã tái khởi động Chiến dịch "Xin tiền cho quỹ - Fund and Fund" để kêu gọi các nhà tài trợ, đặc biệt là các cường quốc kinh tế (Trung Quốc, Đức, Nhật Bản) cam kết tăng cường viện trợ cho Quỹ toàn cầu phòng, chống AIDS, lao và sốt rét trong giai đoạn 2017-2019.
Theo bà Hằng: “Với cam kết hiện nay cho vòng bổ sung lần thứ 5 của Trung Quốc (18 triệu đô la Mỹ) rất nhỏ và không tương xứng với nước có nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Sự giảm đáng kể về nguồn tài trợ cho Quỹ toàn cầu của Trung Quốc sẽ làm ảnh hưởng rất lớn tới các chương trình phòng, chống HIV/AIDS, lao và sốt rét nói chung, và Việt Nam cũng sẽ là nước bị ảnh hưởng do sự cắt giảm viện trợ này.”
Với mong muốn chia sẻ trách nhiệm cho sự cải thiện và duy trì dịch vụ y tế công cộng toàn cầu, AHF kêu gọi các quốc gia gương mẫu trong việc viện trợ cho quỹ, đặc biệt là Trung Quốc cần đóng góp khoản viện trợ cho Quỹ Toàn cầu tương đương 1 tỷ đôla Mỹ cho tương xứng với sức mạnh kinh tế của họ.
Bảo Ngọc / GĐ&TE