Việc tăng, giảm ngày, giờ, tuổi của người lao động là vấn đề rất lớn, phải tính toán kỹ để Việt Nam có thể bứt phá trong phát triển. Ảnh KT
Hai bên đều có lý, nhưng không thể đồng ý với cả hai
Hiện nay, việc tăng, giảm ngày giờ làm việc ở Việt Nam đang được bàn thảo rất sôi nổi và chia thành hai bên. Bên thứ nhất đại diện cho người lao động, cụ thể ở đây là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Bên thứ hai đại diện cho doanh nghiệp, cụ thể là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Bên thứ nhất muốn tăng thêm 2 đến 3 ngày nghỉ trong năm. Cụ thể là dịp 2/9 có thể nghỉ 4 ngày, từ ngày 2 đến ngày 5 tháng 9. Ngoài ra, dịp Tết Dương lịch tăng thêm một ngày nghỉ. Và đề nghị quan trọng nhất là rút giờ làm việc từ 48 giờ/tuần, xuống còn 44 giờ/tuần. Lý lẽ của bên thứ nhất là người lao động cần có thời gian nghỉ ngơi dài hơn để tái tạo sức lao động. Ngoài ra, việc tăng ngày, giờ nghỉ là dấu hiệu của một xã hội đang tiến tới văn minh.
Bên thứ hai ngược lại, đã không đồng ý giảm ngày giờ làm việc, cũng không giữ nguyên như hiện nay, mà muốn tăng thêm mỗi năm khoảng 400 - 450 giờ làm việc. Lý lẽ cũng đơn giản và dễ hiểu: Hiện nay năng suất lao động thấp, sản phẩm của một giờ làm việc chưa cao, trong khi đó các doanh nghiệp cần nhiều sản phẩm để cung cấp cho thị trường. Do vậy, tăng giờ làm việc đồng nghĩa với tăng thêm sản phẩm, tăng thu nhập, tăng lương. Còn nếu ngày giờ làm việc bị giảm, doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Ông Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc còn nhấn mạnh rằng, nếu giảm giờ làm/tuần sẽ khiến doanh nghiệp “chết hàng loạt” (hình ảnh này khá ghê rợn).
Bộ LĐTBXH được xem là “trọng tài”, có trách nhiệm điều tiết hài hòa quyền lợi của các bên và bảo đảm nền móng cho sự phát triển của đất nước.
Công nhân ngành da giày. Ảnh KT
“Trọng tài” phải đưa ra phán quyết có tình, có lý
Liên quan đến ngày, giờ, tuổi của người lao động, Bộ LĐTBXH cũng đang ở trung tâm của sự chú ý với lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu - vấn đề gây không ít tranh cãi. Tuy nhiên, như ông cha ta đã khẳng định: “Nói phải củ cải cũng phải nghe”. “Nói phải” ở đây chính là những phân tích, lập luận có tình, có lý, có sức thuyết phục.
Rõ ràng, việc các doanh nghiệp cũng như VCCI nói về ý nghĩa của ngày, giờ, tuổi làm việc rất đúng, là không thể bác bỏ. Đây chính là cơ sở để doanh nghiệp tồn tại và phát triển; quan trọng hơn, nó là nguồn gốc tạo ra của cải, vật chất, sự giàu có, thịnh vượng. Hiện nay, hầu hết ý kiến của các hiệp hội doanh nghiệp đều không muốn giảm giờ làm xuống 44 giờ/tuần, mà còn muốn tăng giờ làm thêm trong năm lên 400-450 giờ/năm. Đại diện Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam cho rằng, “Nếu giảm giờ làm việc từ 48 giờ như hiện hành xuống 44 giờ/tuần thì doanh nghiệp sẽ phải tuyển thêm lao động, và với tình hình hiện nay da giày sẽ khó tuyển được người”.
Tuy nhiên, nếu tăng giờ làm việc hiện nay là đi ngược lại sự tiến bộ xã hội, bào mòn sức khỏe của người lao động. Sau khi nghiên cứu ý kiến của các bên, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung nói rõ: “Quan điểm của Ban soạn thảo và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất Bộ luật Lao động sửa đổi thì phải tiến bộ, ổn định, và hài hòa vì người lao động nhưng cũng vì sự phát triển của đất nước, quan tâm đến sự phát triển của doanh nghiệp”. Giữ nguyên 48 giờ làm việc một tuần, không tăng giờ làm thêm, và đương nhiên cũng không thể giảm.
Cái gốc nằm ở chỗ tăng năng suất, hiệu quả lao động
Thật ra, việc tăng, giảm ngày giờ làm việc, tuổi nghỉ hưu là chuyện rất lớn mà nhiều người chưa nhận thức hết được. Trước sức nóng trong dư luận, Chính phủ đang muốn kiến nghị Quốc hội cho phép Chính phủ giải quyết vấn đề làm thêm giờ chỉ trong một số ngành nghề, lĩnh vực rất đặc biệt và phải điều chỉnh tiền lương theo lũy tiến.
Đây cũng là một mong muốn có cơ sở. Tuy nhiên, vấn đề này sẽ do Quốc hội quyết định. Quyết định thế nào thì chưa rõ (Quốc hội là cơ quan dân cử, phải bỏ phiếu mới thông qua được các quyết định). Nhưng quan điểm của Ủy ban thẩm tra là không đồng tình với việc tăng thời gian làm thêm. Quan điểm này được chia sẻ rộng rãi vì nó đúng xu thế.
Tuy nhiên, có một thực tế là các doanh nghiệp đang khó khăn, giờ siết thêm về thời gian làm việc, giờ làm thêm, trong khi năng suất lao động thấp thì doanh nghiệp sẽ gặp thêm khó khăn và có thể “chết hàng loạt” như ông Chủ tịch VCCI đã cảnh báo. Ông Vũ Tiến Lộc còn cụ thể hơn khi cho rằng, doanh nghiệp là “ân nhân” của Chính phủ khi tạo ra công ăn việc làm cho người lao động. Ông Lộc đúng ở chỗ xét theo hình thức. Còn trên thực tế, chuyện là ăn của người dân là chuyện sống còn của họ, không có doanh nghiệp này thì họ sẽ tạo ra doanh nghiệp khác. Vấn đề ở đây là làm ăn thế nào cho hiệu quả để chúng ta không bị tụt hậu.
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung rất chịu khó tìm hiểu vấn đề. Ông lăn lộn với công nhân; gặp, làm việc, ăn cơm với công nhân ngành may, giáo viên mầm non xem họ tâm tư gì, nói gì. Tuy nhiên, tâm tư của từng người, thậm chí là từng ngành là điều để chúng ta hiểu sâu thêm vấn đề rất lớn này.
Nhưng có một vấn đề rất trọng đại: Đó là Việt Nam Đang ở trong giai đoạn “cơ cấu dân số vàng”. Đây là cơ hội cả tiến trình lịch sử mỗi dân tộc chỉ có một lần. Vì vậy, Việt Nam phải tận dụng được để bứt phá. Muốn bứt phá thì phải nâng cao năng suất và hiệu quả lao động. Ở đây, cũng phải tính đến ngày, giờ, tuổi của người lao động. Do vậy, việc tăng, giảm ngày, giờ, tuổi của người lao động là vấn đề rất lớn, phải tính toán kỹ để Việt Nam có thể bứt phá trong phát triển.
Hồ Bất Khuất/TC GĐ&TE