Các đại biểu cơ bản tán thành với tờ trình và dự thảo luật, nhất trí với sự cần thiết ban hành luật theo quy trình tại một kỳ họp, đồng thời lưu ý về việc rà soát, làm rõ nhiều nội dung cụ thể của Luật để bảo đảm tính đồng bộ, khả thi, phù hợp với định hướng, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi trong thực hiện nhiệm vụ của ngành CAND.
Bảo đảm phù hợp với Bộ luật Lao động, đặc điểm công tác của CAND
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản tán thành dự thảo luật, nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị và đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự "trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới", Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về cải cách chính sách BHXH.
Đồng thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc về hạn tuổi phục vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan CAND, tiêu chuẩn, tiêu chí thăng cấp bậc hàm cấp tướng trước thời hạn, cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan CAND.
Một trong những nội dung sửa đổi của Luật là về hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan CAND. Theo đại biểu Đỗ Huy Khánh (Đoàn tỉnh Đồng Nai), việc sửa đổi, bổ sung về hạn tuổi phục vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan CAND sẽ có tác động tích cực đối với công tác nghiệp vụ của lực lượng CAND, tận dụng được nguồn lực chuyên sâu có nhiều kinh nghiệm trong phòng ngừa và đấu tranh các loại tội phạm, đồng thời nâng cao hạn tuổi phục vụ của cán bộ, chiến sĩ CAND sẽ giúp cân đối, giảm gánh nặng cho Quỹ Bảo hiểm xã hội.
Bên cạnh đó, một số ý kiến bày tỏ băn khoăn, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định việc tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất cho nhiều nhóm đối tượng, với những cách thức, lộ trình thực hiện lại khác nhau.
Cụ thể, tại Điểm b, Khoản 4, Điều 1 dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Điều 30 (Luật CAND năm 2018) về hạn tuổi phục vụ theo hướng: CAND: Nam 62, nữ 60 (nam tăng 2 tuổi, nữ tăng 5 tuổi); Hạ sĩ quan: 47 (tăng 2 tuổi); Cấp úy: 55 (tăng 2 tuổi);
Thiếu tá, Trung tá: nam 57, nữ 55 (tăng 2 tuổi cả nam và nữ); Thượng tá: nam 60, nữ 58 (nam tăng 2 tuổi, nữ tăng 3 tuổi); Đại tá: nam 62, nữ 60 (nam tăng 2 tuổi, nữ tăng 5 tuổi); Cấp tướng: nam 62, nữ 60 (nam tăng 2 tuổi, nữ giữ nguyên).
Trong khi đó, lộ trình tăng hạn tuổi phục cao nhất là mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam CAND, đại tá và cấp tướng; và 4 tháng đối với nữ CAND, thượng tá, đại tá. Các trường hợp còn lại thực hiện tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất khi Luật này có hiệu lực thi hành…
Đề nghị cần làm rõ vì sao lại có sự khác nhau trong lộ trình tăng hạn tuổi phục cao nhất như nêu ở trên, đại biểu Quàng Thị Nguyệt (đoàn Điện Biên) đặt vấn đề liệu có bảo đảm tính công bằng và bình đẳng đối với đối tượng là nữ. Theo đại biểu QuàngThị Nguyệt, chỉ nên quy định lộ trình tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất là mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam, tăng 4 tháng đối với nữ và xác định thời điểm tăng hạn tuổi từ ngày mùng 1/1/2021 theo quy định của Bộ luật Lao động.
"Còn đối tượng cụ thể và lộ trình tăng tuổi cụ thể sẽ do Chính phủ quy định", nữ đại biểu nhấn mạnh.
Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên), đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu tiếp tục tiến hành rà soát để thiết kế, sắp xếp, bố trí tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất với những nhóm đối tượng, lộ trình, thời điểm thực hiện khoa học hơn, hợp lý hơn. “Các quy định cần bảo đảm thống nhất với quy định của Bộ luật Lao động, bảo đảm dễ hiểu, dễ áp dụng, thống nhất trong nhận thức và triển khai thực hiện”, ông Thắng lưu ý.
Tăng tuổi hưu, có thể có nữ Thứ trưởng Bộ Công an
Góp ý về nội dung này, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải cho rằng quy định của dự thảo Luật về mức tăng tuổi đối với từng chức danh, đối tượng đã phù hợp với Bộ luật Lao động, trong đó có chú trọng quy định đối với các đối tượng đặc thù lao động trong môi trường độc hại, nặng nhọc.
Dự thảo Luật quy định đảm bảo độ chênh lệch giữa tuổi nghỉ hưu của nhóm đặc thù với tuổi nghỉ hưu chung, đồng thời có tính đến các đối tượng đặc thù với cả nam và nữ như trước đây.
Cụ thể, theo Bộ luật Lao động mới, tuổi nghỉ hưu tăng theo lộ trình đến năm 2028 nam là 62 tuổi; 2035 nữ là 60. Bà Hải cho rằng, các đối tượng thuộc nhóm (thượng tá, đại tá) phải tăng tuổi nghỉ hưu tương ứng để đảm bảo đồng bộ với Bộ luật Lao động, vì thế đại biểu đề xuất phương án trung hòa theo hướng chia việc tăng tuổi phục vụ của sỹ quan cấp đại tá, thượng tá trong luật thành 2 bước.
Bước 1, tăng ngay khi luật có hiệu lực tuổi phục vụ của nam đại tá, thượng tá lên 60 tuổi 9 tháng và nữ thượng tá lên 1 năm (tương tự như việc tăng ngay 2 tuổi đối với cấp trung tá, thiếu tá, cấp úy, hạ sỹ quan...). Như vậy, sẽ đồng bộ hóa với độ tuổi về hưu năm 2023 là nam 60 tuổi 9 tháng và nữ là 56 tuổi;
Bước hai, từ các năm sau trở đi thì tăng theo lộ trình 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ.
“Theo phương án trên, sẽ không phải lùi mốc tính tuổi nghỉ hưu, nên không vi phạm luật và vẫn đạt được kết quả đồng bộ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động và có tính tới tuổi nghỉ hưu đối với các đối tượng đặc thù”, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên phân tích.
Liên quan đến bình đẳng giới trong dự thảo Luật, bà Hải cho hay, tỉnh Thái Nguyên, lực lượng công an có 5 đại tá nhưng không có nữ đại tá. Cấp bậc hàm thượng tá có 105 người, trong đó có 5 nữ thượng tá. “Tăng độ tuổi nghỉ hưu với nữ đại tá và thượng tá sẽ tạo cơ hội bình đẳng về thời gian, để các nữ lãnh đạo trong ngành công an có điều kiện phấn đấu sau khi luật ra đời”, đại biểu Nguyễn Thanh Hải nói và cho hay, đây cũng là tâm tư của chị em nữ cán bộ, chiến sĩ ngành công án tỉnh Thái Nguyên gửi đến đoàn đại biểu Quốc hội qua tiếp xúc cử tri.
Bà cho rằng, với quy định như dự thảo luật thì sau thời gian triển khai, số lượng nữ đại tá trên toàn quốc không phải chỉ là 67 người, số lượng cấp tướng không chỉ 6 người như hiện nay mà sẽ tăng lên. “Chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ rằng sẽ có một nữ thượng tướng là thứ trưởng Bộ Công an trong thời gian tới”, nữ Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho biết, Bộ luật Lao động 2019 ra đời nâng mức tuổi nghỉ hưu để vừa thu hẹp khoảng cách độ tuổi nghỉ hưu giữa 2 giới, vừa dự phòng sự thiếu hụt lao động trong tương lai do quá trình già hóa dân số, đồng thời đảm bảo nguồn lực trong một số quỹ an sinh xã hội.
Với tinh thần chung đó của bộ luật gốc, việc quy định nâng độ tuổi nghỉ hưu của lực lượng CAND là phù hợp. Dự thảo Luật cũng quy định sự chênh lệch 2 tuổi giữa nam và nữ làm việc trong lực lượng CAND để đảm bảo thống nhất với Bộ luật Lao động, góp phần thu hẹp khoảng cách giới.
"Tuy nhiên, việc nâng tuổi nghỉ hưu cần tính toán đến đặc thù công việc khác nhau của các lực lượng thuộc ngành công an và phải có lộ trình cụ thể", bà Nga lưu ý.
Theo nữ đại biểu, đối với các lực lượng thuộc các bộ phận trực chiến, cơ động, điều tra nên quy định tuổi nghỉ hưu thấp hơn đối với các bộ phận thuộc lĩnh vực quản lý hành chính, hậu cần, văn phòng, những vị trí không yêu cầu cao về thể lực và sức chiến đấu, điều này cũng phù hợp với quy định phân loại các nhóm lao động theo đặc thù công việc để áp dụng tuổi nghỉ hưu thấp hơn của pháp luật lao động.
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật, phát biểu tiếp thu các ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết các ý kiến góp ý xác đáng của các đại biểu không chỉ là sự chỉ đạo, sự quan tâm mà còn là sự động viên, biểu dương và chăm sóc rất kịp thời của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đối với lực lượng CAND.
Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với các cơ quan Quốc hội tổng hợp, tiếp thu, giải trình để báo cáo cấp có thẩm quyền, để hoàn thiện hồ sơ dự án luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này.
Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Công an nhân dân sẽ được Quốc hội bấm nút thông qua ngay tại kỳ họp 5 đang diễn ra, dự kiến ngày 22/6 tới.