Lương tối thiểu vùng sẽ tăng từ ngày 1/1/2016, với mức tăng trung bình 12,4%
Mối lo này phần nào được giải tỏa khi Nghị định 122/2015 (vừa được Chính phủ ban hành về tăng LTT vùng từ ngày 1/1/2016, với mức tăng trung bình 12,4%) quy định: Khi thực hiện mức LTT vùng, doanh nghiệp (DN) không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi NLĐ làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại; chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.
Nghị định 122/2015 của Chính phủ cũng nêu rõ: Khi tăng lương tối thiểu vùng, các khoản phụ cấp, bổ sung khác, trợ cấp, tiền thưởng do doanh nghiệp quy định được thực hiện theo thỏa thuận trong HĐLĐ, thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của doanh nghiệp.
Mức tăng cao nhất là 12,9%
Nghị định trên của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng (LTT) đối với người lao động (NLĐ) làm việc ở doanh nghiệp, liên hiệp HTX, HTX, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động (HĐLĐ). Theo nghị định này, Chính phủ đồng ý với mức tăng do Hội đồng Tiền lương Quốc gia (HĐTLQG) thống nhất đề xuất trong cuộc họp vào đầu tháng 9 vừa qua. Mức LTT vùng mới năm 2016 cao hơn so với mức LTT vùng hiện nay từ 250.000 đồng (áp dụng cho vùng IV) tới mức cao nhất là 400.000 đồng (áp dụng cho vùng I).
NLĐ lo lắng nhất khi tăng lương tối thiểu vùng là DN tìm mọi cách cắt giảm các chế độ khác của họ (ảnh Vneconomy)
Theo Nghị định 122/2015 vừa được Chính phủ ban hành, LTT vùng sẽ tăng từ ngày 1.1.2016 với mức tăng trung bình 12,4%. Cụ thể, LTT vùng I sẽ tăng 400.000 đồng so với năm 2015 lên 3.500.000 đồng/tháng; LTT vùng II tăng 350.000 đồng lên 3.100.000 đồng/tháng; LTT vùng III tăng 300.000 đồng lên 2.700.000 đồng/tháng và LTT vùng IV tăng 250.000 đồng lên 2.400.000 đồng/tháng.
Chỉ đáp ứng khoảng 80% mức sống tối thiểu
Trước đó, ngày 5/8/2015, phiên họp lần thứ nhất HĐTLQG bàn về mức tăng LTT vùng năm 2016 diễn ra căng thẳng nhưng “đổ bể” khi đại diện người sử dụng lao động xin dừng, do mức đề xuất giữa hai bên quá chênh lệch. Tổng LĐLĐVN khi đó đề xuất mức tăng 350.000 - 550.000 đồng tùy từng vùng, với mức tăng bình quân là 16,8% so với năm 2015, nhưng đại diện người sử dụng lao động chỉ chấp nhận tăng 10%. Ngày 25.8, tại phiên họp lần thứ hai, do hai bên vẫn giữ nguyên mức tăng như trên, không tìm được tiếng nói chung nên Tổng LĐLĐVN xin dừng cuộc họp. Tại phiên họp lần thứ ba vào đầu tháng 9, các bên bỏ phiếu thống nhất mức tăng LTT vùng năm 2016
là 12,4%.
Sau phiên họp, khi được hỏi với việc tăng 12,4%, mức LTT sẽ đáp ứng bao nhiêu phần trăm mức sống tối thiểu của NLĐ, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH - Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia Phạm Minh Huân cho biết, mức tăng LTT đáp ứng khoảng trên 80% mức sống tối thiểu của NLĐ. Khi LTT tăng, lương trung bình tác động như thế nào sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào cơ chế thương lượng.
Vẫn theo Thứ trưởng Huân, kinh nghiệm của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy mức LTT bằng khoảng 40-60% mức lương trung bình, còn lại một khoảng cách để hai bên thương lượng. Nếu quy định mức LTT quá cao, sát với mức lương trung bình sẽ không có cơ chế thương lượng, lúc đó người sử dụng lao động và NLĐ chỉ cần lấy mức LTT để áp vào. HĐTLQG theo đó chỉ đạo bộ phận kỹ thuật đến cuối năm 2015, đầu năm 2016 sẽ chuẩn bị lại các số liệu tính toán, kể cả nhu cầu, yếu tố để xác định lại mặt bằng mới thực hiện lộ trình tăng LTT.
NLĐ lo lắng nhất khi tăng lương tối thiểu vùng là DN tìm mọi cách cắt giảm các chế độ khác của họ (ảnh Vneconomy)
Theo Tổng LĐLĐVN, khi đề xuất mức LTT năm 2016, Tổng LĐLĐVN có những nghiên cứu rất khoa học và thực tiễn về đời sống NLĐ. Qua khảo sát cũng như các lần đi thực tế tại các KCN của Tổng LĐLĐVN cho thấy, cuộc sống của NLĐ hết sức khó khăn. Hơn nữa, điều căn bản nhất là mức LTT phải tuân thủ pháp luật. Cụ thể theo Điều 91, Bộ luật Lao động, mức LTT là mức thấp nhất trả cho NLĐ làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ dựa trên các điều kiện về kinh tế và xã hội của địa phương cũng như mức lương bình quân trên thị trường lao động. Và lẽ ra quy định này phải được thực hiện từ 1.5.2013.
Dù đồng ý là hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn nên phải có lộ trình, tuy nhiên việc thực hiện quy định này phải có thời gian kết thúc chứ không thể kéo dài mãi được. Kết luận 23 của Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư Đảng lần thứ 5 lấy mốc điều chỉnh LTT đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu vào năm 2015. Nhưng do tình hình kinh tế khó khăn, Kết luận 63 của Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư lần thứ 7 kết luận tùy theo tình hình kinh tế xã hội và nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ để điều chỉnh tiền LTT.