Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tăng năng suất lao động: Phải làm từ gốc

Các chuyên gia cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đổi mới máy móc, công nghệ để tăng năng suất lao động (NSLĐ) như một dạng vốn... “mồi” để kích thích DN phát triển. Việc cải thiện NSLĐ đối với DN Việt Nam đang là một thách thức lớn, đặc biệt là trong thời điểm Việt Nam đang đẩy mạnh hội nhập.

Chưa phát huy hết năng suất lao động

Theo báo cáo của Chính phủ, 6 tháng đầu năm có 54.501 DN thành lập mới với số vốn đăng ký 427.762 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, số DN tăng 20% (cùng kỳ tăng 21,7%), số vốn đăng ký tăng 51,5% (cùng kỳ tăng 22,3%). Vốn đăng ký bình quân của một DN đạt 7,8 tỷ đồng, tăng 26,2% so với cùng kỳ. Có 14.902 DN trước đây gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động nay đã trở lại hoạt động, tăng 75,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 2,2%).

Theo các chuyên gia, có thể thấy rằng, đây chính là sự hưng phấn thể hiện niềm tin của cộng đồng DN với Chính phủ mới khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục cam kết xóa bỏ rào cản, phát triển mạnh DN, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trong đó nhấn mạnh đến việc tập trung hỗ trợ và phát triển DN, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn thiện pháp luật về đăng ký và hoạt động của DN, hộ kinh doanh. Đặc biệt là việc kiên quyết xóa bỏ các giấy phép con không còn phù hợp và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho kinh tế hộ gia đình, phát triển DN tư nhân trở thành một động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế.

Các chuyên gia cho rằng, theo diễn biến của cạnh tranh, chưa nói đến tác động của tăng lương, việc nâng cao NSLĐ cũng là một yêu cầu cấp bách cần được đáp ứng trong bối cảnh hiện nay. Một trong những chìa khóa để mở cánh cửa NSLĐ là áp dụng khoa học công nghệ (KHCN), tuy nhiên, hiện không nhiều DN sử dụng được chiếc chìa khóa này. Với những DN ứng dụng tốt KHCN vào lao động, NSLĐ sẽ tăng lên, từ đó, thu nhập của người lao động tăng lên theo hiệu suất công việc. Theo ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ, hiện nay công tác đào tạo lao động kỹ thuật cao ở nước ta còn hạn chế. Sản xuất nhỏ đi lên, kỷ luật lao động kém, tay nghề thấp... Tất cả làm cho NSLĐ doanh nghiệp tư nhân bị kìm hãm, cản trở nên NSLĐ không phát huy được hết. Đặc biệt là đất nước ta những năm gần đây bị tác động nhiều bởi kinh tế thế giới. DN vừa và nhỏ giảm rất nhanh. Đời sống người lao động do lạm phát không ổn định, lương dưới mức sống tối thiểu dẫn đến động lực tăng NSLĐ không có.

Theo ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn, trong những năm tới, theo lộ trình, tiền lương tối thiểu nhất thiết phải bằng nhu cầu sống tối thiểu. Hiện tại, Việt Nam vẫn là một trong những nước có mức lương tối thiểu thấp. Khi tiền lương đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động thì mới bàn đến NSLĐ. “Một số ý kiến cho rằng, nếu không bàn về NSLĐ, chúng ta khó có cơ hội để tăng lương. Có người còn đưa ra lý thuyết về quả trứng hay con gà có trước. Nhưng tôi nghĩ, ở một giai đoạn nào đó, nhu cầu của chúng ta còn thấp hơn mức sống tối thiểu thì nhất quyết chúng ta phải giải quyết vấn đề quả trứng trước”, ông Thọ nhấn mạnh.

Đào tạo nhiều lần từ chính dây chuyền của mình

Một nguyên nhân nữa theo ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty may Hưng Yên, đó chính là việc DN Việt Nam không được lựa chọn mặt hàng sản xuất. “Những mặt hàng “ngon” như ngành linh kiện điện tử đã bị các DN nước ngoài đầu tư vào làm, còn lại những mặt hàng “xương xẩu” để cho DN Việt. Một công nhân tại DN nước ngoài một ngày có thể làm ra 40 USD bởi các thao tác trên dây chuyền nhanh gọn. Còn công nhân Việt Nam giỏi lắm 25 USD, bởi những thao tác trong công việc của chúng ta phức tạp hơn. Tôi nghĩ có lẽ các nhà quản lý phải nhìn ra vấn đề này”.

Cũng theo ông Dương, Việt Nam muốn tăng NSLĐ thì cần phải cải tiến cách làm: “Như cách làm hiện nay, chúng ta mất đến 3 năm để đào tạo một người thợ nhưng sau đó không làm được gì và DN lại phải đào tạo lại từ đầu. Như thế sẽ gây lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức của cả DN lẫn NLĐ. Cách làm của chúng tôi đang áp dụng hiện nay là đầu tiên phải đào tạo đại trà, đào tạo 1 tháng để NLĐ có thể hoàn thiện các đường may cơ bản nhưng với tốc độ cao, sau đó đến quy trình chọn lọc với những bộ phận kĩ thuật khó hơn. Đào tạo nhiều lần từ chính dây chuyền của mình. Như vậy chỉ sau 1 năm người thợ có thể làm tốt công việc ở mọi vị trí. DN cần hướng tới mục tiêu thời gian đào tạo ngắn nhất nhưng hiệu quả cao nhất”.

Có rất nhiều vấn đề cần phải làm khi muốn cải thiện NSLĐ cho Việt Nam. Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, muốn làm được điều này, cả Nhà nước, DN lẫn NLĐ đều cần thay đổi. Phải làm từ “gốc đến ngọn” của vấn đề thì mới có kết quả như mong muốn. Cần ưu tiên đầu tư đổi mới, phải quản trị DN sao cho chi phí quản lý thấp, tạo điều kiện cho NLĐ được đào tạo tay nghề, có những động lực thúc đẩy, tạo điều kiện để NLĐ được cống hiến, tạo ra sức sáng tạo, từ đó tăng NSLĐ, cải thiện thu nhập cho NLĐ. Đồng thời Nhà nước cũng phải có những chính sách hỗ trợ DN cụ thể và sát sao hơn. Quan trọng hơn nữa, chính bản thân NLĐ cũng nên tự ý thức được việc phải nâng cao tay nghề cho chính mình. Như vậy mới đưa được chỉ số NSLĐ của Việt Nam ra khỏi vị trí “chót bảng”.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam đánh giá: Trong 3 năm 2011- 2013, tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam chỉ hơn 3%/năm, trong khi GDP vẫn tăng trưởng ở mức trên dưới 5%. Tức là NSLĐ còn tăng chậm hơn tăng GDP quốc gia. Đây cũng là một cảnh báo, nếu Việt Nam vẫn không có những điều chỉnh kịp thời thì tốc độ tăng chậm của NSLĐ sẽ kéo tăng trưởng GDP quốc gia xuống và Việt Nam sẽ rất khó đạt được mục tiêu của một nước công nghiệp hóa.