Kết quả từ một đánh giá nhanh mới được thực hiện gần đây cho thấy thực phẩm, khẩu trang và nước rửa tay là ba nhu yếu phẩm mà các nạn nhân bom mìn cần được hỗ trợ nhiều nhất để ứng phó với đại dịch COVID-19. Nhiều nạn nhân bom mìn ở hai tỉnh Quảng Bình và Bình Định đã tham gia khảo sát và chia sẻ những khó khăn của họ trong việc tiếp cận dịch vụ y tế và các vật dụng cơ bản như thực phẩm và đồ bảo hộ cá nhân. 66% nạn nhân bom mìn không có đủ tiền để mua nhu yếu phẩm, 59% chia sẻ thu nhập gia đình của họ giảm và 35% đang phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp tạm thời.
Bà Caitlin Wiesen, Đại diện Thường trú UNDP Việt Nam chia sẻ: "Chúng tôi mong muốn kịp thời đáp ứng một số nhu cầu cấp thiết của các nạn nhân bom mìn về phòng chống dịch COVID-19. Sự kiện diễn ra hôm nay là động thái tiếp nối kết quả khảo sát được công bố cách đây 10 hôm. Tôi hân hạnh được cùng với Giám đốc Quốc gia KOICA tham dự sự kiện và trao các phần quà là thực phẩm, khẩu trang, nước rửa tay đến hơn 9.100 nạn nhân bom mìn và gia đình các nạn nhân tại hai tỉnh Quảng Bình và Bình Định nhằm tiếp sức chống lại dịch bệnh COVID-19".
Theo Giám đốc quốc gia của KOICA Cho Han-Deog, có rất nhiều người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Trong cuộc chiến chống dịch, sự đoàn kết của các quốc gia rất quan trong. Những vật phẩm được dự án Việt Nam - Hàn quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh trao tặng cho nạn nhân bom mìn là tình cảm và sự đoàn kết của nhân dân Hàn Quốc đối với nhân dân Việt Nam.
Hỗ trợ nạn nhân bom mìn và gia đình các nạn nhân là một nội dung chính trong Dự án Việt Nam - Hàn Quốc Hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh do Trung tâm Hành động bom mìn Quốc gia Việt Nam (VNMAC), KOICA và UNDP phối hợp triển khai từ đầu năm 2018. Dự án nhằm tăng cường các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, hướng tới cộng đồng an toàn và phát triển bền vững. Cùng với Bộ LĐ-TB&XH, Dự án đã xây dựng cơ sở dữ liệu chính thức của 75.000 người khuyết tật, trong đó có 9.100 nạn nhân bom mìn. Cơ sở dữ liệu này còn bao gồm thông tin đánh giá nhu cầu hỗ trợ của người khuyết tật, qua đó cho phép Dự án cung cấp các hỗ trợ phù hợp đến các nhóm đối tượng đích.
"Dự án Việt Nam - Hàn Quốc Hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh" còn chú trọng tăng cường quản trị và quản lý các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn ở cấp quốc gia và giảm thiểu tai nạn trong tương lai bằng cách nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương về nguy cơ tiềm ẩn từ bom mìn vật nổ. Cho đến nay, Dự án đã khảo sát gần 17.000 ha và giải phóng hơn 4.000 ha đất bị ô nhiễm ở Quảng Bình và Bình Định, cung cấp thêm đất cho các dự án phát triển tại hai tỉnh này. Cùng với đó, hơn 150.000 học sinh và người dân địa phương đã được giáo dục về các hành vi an toàn khi sống trong môi trường bị ảnh hưởng bởi bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh.