Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tăng quyền cho trẻ em khuyết tật

So với các trẻ em dễ bị tổn thương khác, trẻ em khuyết tật gặp khó khăn nhiều hơn về tiếp cận giáo dục, chăm sóc sức khỏe, bảo trợ xã hội và sự tham gia. Trẻ em khuyết tật có nguy cơ bị lạm dụng, đặc biệt là xâm hại tình dục cao gấp 5 lần so với trẻ em không bị khuyết tật.

Ảnh: Save the Children

Ảnh: Save the Children

Trẻ khuyết tật phải đối mặt với rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quyền cơ bản của trẻ hoặc loại trừ sự tham gia của trẻ. Ðây là nhóm đối tượng dễ bị phân biệt đối xử kép do các yếu tố thể chất, khuyết tật, nghèo đói. Việt Nam xác định trẻ em khuyết tật là nhóm trẻ cần được chăm sóc nhiều hơn để thực hiện đầy đủ các quyền con người và xóa bỏ sự chênh lệch.

Theo Khảo sát Quốc gia về Người khuyết tật thực hiện năm 2016-2017, 2,79% trẻ em từ 2-17 tuổi bị khuyết tật và hình thức khuyết tật phổ biến nhất ở trẻ em là khuyết tật tâm lý xã hội, chiếm 2,21%. So với các trẻ em dễ bị tổn thương khác, trẻ em khuyết tật gặp khó khăn nhiều hơn về tiếp cận giáo dục, chăm sóc sức khỏe, bảo trợ xã hội và sự tham gia: “Trẻ em khuyết tật có nguy cơ bị lạm dụng, đặc biệt là xâm hại tình dục cao gấp 5 lần so với trẻ em không bị khuyết tật.” 

Có rất ít cơ hội để trẻ em khuyết tật tham dự các sự kiện chính thức do các cơ quan Nhà nước tổ chức để nêu lên tiếng nói của mình. Hơn nữa, có sự hạn chế trong hỗ trợ cho các gia đình trẻ em khuyết tật. Mặc dù Nhà nước ngày càng quan tâm tới người khuyết tật thông qua cải cách thể chế như ban hành Luật Người khuyết tật 2010, các chương trình đó vẫn chưa giải quyết được vấn đề về các mối quan hệ đan xen giữa các yếu tố như tình trạng khuyết tật, giới tính, dân tộc, trình độ học vấn.

Trước thực tế đó, Viện Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng (ACDC) phối hợp cùng Tổ chức Cứu trợ Trẻ em thực hiện dự án “Phòng chống Bạo lực thể chất, tinh thần và Phân biệt đối xử đối với Trẻ khuyết tật (AVAC)” nhằm cung cấp các biện pháp can thiệp cần thiết để tăng quyền cho trẻ em, bao gồm trẻ em khuyết tật, thuộc các bản dạng giới khác nhau, để các trẻ em tham gia vào quá trình ra quyết định và được bảo vệ khỏi mọi hình thức bạo lực.

Tham gia khóa tập huấn về quyền cho trẻ em khuyết tật tại Hà Nội (cuối tháng 6/2022), 14 trẻ với nhiều dạng khuyết tật khác nhau đến từ các hội/mạng lưới người khuyết tật trên địa bàn thành phố đã có cơ hội được nâng cao kiến thức và nhận thức về quyền trẻ em, đặc biệt là quyền được bảo vệ và quyền được tham gia. Em V.T.A (11 tuổi) tâm sự: “Nếu con chia sẻ với ông bà, bố mẹ về những gì con học ở lớp tập huấn, con sẽ chia sẻ nội dung về quyền trẻ em, đặc biệt là quyền được bảo vệ.”

Bên cạnh đó, khóa tập huấn còn giúp các em mạnh dạn, tự tin thể hiện tiếng nói của bản thân cũng như rèn luyện những kỹ năng giao tiếp và truyền thông. Em H.Ð.M (10 tuổi) cho biết: “Ðây là dịp hiếm có em được thuyết trình trước các bạn. Các bạn rất năng động khiến lớp học vô cùng sôi nổi”.

Trẻ em khuyết tật được nói lên tiếng nói của mình. Ảnh: ACDC

Trẻ em khuyết tật được nói lên tiếng nói của mình. Ảnh: ACDC

"Dự án này là một trong số các dự án làm về quyền của trẻ em khuyết tật ACDC đang thực hiện. Thông qua Dự án, chúng tôi mong đợi trẻ em khuyết tật có thể hiểu rõ hơn quyền của bản thân mình. Ngoài ra, dưới sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội, cha mẹ, người chăm sóc cũng sẽ hiểu và hành động bảo vệ con em mình khỏi bạo lực. Trong 3 năm (2022-2024), sẽ có rất nhiều hoạt động khác nhau dành cho các em khuyết tật, cha mẹ và các bên liên quan ở Hà Nội và Ðà Nẵng để đạt mong đợi trên", bà Trần Thị Minh, trưởng nhóm truyền thông, Viện ACDC cho biết.

Thực tế cho thấy, để bảo vệ trẻ em, đặc biệt là trẻ khuyết tật, cần nâng cao nhận thức về quyền trẻ em cho mọi cấp, mọi ngành, mọi người và mọi trẻ em bao gồm cả trẻ khuyết tật. Chú trọng đến việc thực hiện bình đẳng giữa trẻ khuyết tật và các trẻ em khác trong môi trường giáo dục và cộng đồng. Ðồng thời cần có các biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp vi phạm quyền của trẻ khuyết tật và đảm bảo các biện pháp khắc phục hậu quả này có thể dễ dàng tiếp cận và phù hợp với trẻ khuyết tật và cha mẹ trẻ khuyết tật. Bên cạnh đó, tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em khuyết tật để các em vươn lên tự khẳng định mình và biết tự bảo vệ mình trước mọi sự phân biệt đối xử.

Điều 35, Luật Trẻ em quy định: Trẻ em khuyết tật được hưởng đầy đủ các quyền của trẻ em và quyền của người khuyết tật theo quy định của pháp luật; được hỗ trợ, chăm sóc, giáo dục đặc biệt để phục hồi chức năng, phát triển khả năng tự lực và hòa nhập xã hội.