Sáng 19/1, Viện Kinh tế (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức hội thảo công bố “Báo cáo Kinh tế Việt Nam 2020: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo”.
Theo đó, báo cáo nhận định, mặc dù dịch bệnh COVID-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến khó lường, nhưng những dấu hiệu tích cực đang dần sáng rõ.
TS. Lý Đại Hùng, Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, theo mô hình dự báo của Viện Kinh tế Việt Nam, tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam dự báo đạt 5,49% (kịch bản cơ sở), 6,9% (kịch bản cao) và 3,48% (kịch bản thấp).
Khả năng đạt được mỗi kịch bản trong thực tế phụ thuộc vào tình hình kinh tế thế giới và sự tăng cường năng lực hấp thụ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Các dự báo của tổ chức quốc tế và chỉ tiêu tăng trưởng mà Chính phủ Việt Nam đã đề ra sẽ đạt được chỉ trong kịch bản cao khi mà kinh tế thế giới tăng trưởng mạnh, giá dầu ổn định hỗ trợ tăng trưởng và nền kinh tế nội địa cải thiện được khả năng hấp thụ vốn FDI.
Về đáng giá nền kinh tế Việt Nam và thế giới trong năm 2020, TS. Phạm Sỹ An, Trưởng phòng Kinh tế vĩ mô và thể chế kinh tế (Viện Kinh tế Việt Nam) cho hay, Báo cáo Kinh tế Việt Nam năm 2020 đã nhấn mạnh đến cú sốc COVID-19 và kinh tế Việt Nam năm 2020 đạt “mục tiêu kép”.
Cụ thể, năm 2020, nền kinh tế thế giới bị phủ bóng bởi dịch Covid-19, đã tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2020, làm cho tăng trưởng ở mức âm -3%. Hầu hết các nền kinh tế lớn – ngoại trừ Trung Quốc - có tốc độ tăng trưởng âm: Mỹ: -5,9%; Anh: -6,5%; EU: -7,5%.
Báo cáo Kinh tế Việt Nam 2020 chỉ ra rằng, đại dịch có tác động khác nhau theo nhóm ngành. Những ngành có sự tiếp xúc giữa người với người lớn – ngoại trừ các ngành sản xuất vật tư, thiết bị y tế phòng chống, chữa bệnh - có tăng trưởng GDP giảm mạnh, nặng nhất là dịch vụ, đặc biệt là du lịch, vận tải, nhà hàng...
Ngoài ra, tác động đối với lao động/nhân lực theo lĩnh vực hoạt động và kỹ năng là khác nhau.
Dịch bệnh đã ảnh hưởng đến người lao động đang làm việc trong hầu hết các ngành, trong đó một số ngành có tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng lớn nhất là ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí, dịch vụ lưu trú và ăn uống (81,7%), vận tải kho bãi, hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ,..
Trình độ chuyên môn kỹ thuật càng cao, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm càng thấp.
Lao động mất việc sụt giảm mạnh nhất ở những ngành dịch vụ có liên quan tới du lịch quốc tế, bao gồm ngành vận tải hàng không và ngành du lịch; ngành dịch vụ lưu trú giảm 29,9%; ngành hoạt động thể thao, vui chơi và giải trí,…
Tuy nhiên, Báo cáo Kinh tế Việt Nam 2020 cũng cho rằng mặc dù có nhiều ngành bị tác động tiêu cực bởi dịch bệnh Covid-19 song cũng có nhiều nhóm ngành được hưởng lợi.
Đây là điểm rất khác biệt với nền kinh tế khi bị khủng hoảng tài chính, khi hầu hết các ngành bị ảnh hưởng, hoặc có ít ngành hưởng lợi hơn.
Nói chung, Covid-19 đặt nền kinh tế nước ta dưới nhiều thách thức, nhưng đồng thời cũng tạo cơ hội to lớn trong thúc đẩy nền kinh tế chuyển đổi số.
Nhóm nghiên cứu cũng khuyến nghị, để thúc đẩy tái cơ cấu và huy động vốn cho nền kinh tế, doanh nghiệp (khi thị trường chứng khoán đang rất thuận lợi), cần đẩy mạnh việc IPO, thoái vốn các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhà nước.