Trong khoảng 3 năm trở lại đây, tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản đã có xu hướng chậm rõ rệt.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cho biết, mức tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 5,1% trong giai đoạn từ 1/1/2021 tới 15/6/2021, cao hơn gần 2 lần so với con số được ghi nhận trong cùng giai đoạn của năm 2020.
Thế nhưng, tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản có xu hướng chậm lại, theo ông Nguyễn Tuấn Anh. Cụ thể, mức tăng trưởng tín dụng của lĩnh vực bất động sản là 4,84% tính tới hết tháng 4/2021. Con số này dự kiến đạt mức 5,5% tính đến hết tháng 6/2021.
Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN cho biết, các thị trường tiền tệ, chứng khoán và bất động sản có mối liên hệ theo nguyên lý thông nhau. Vì vậy, mục tiêu của cơ quan quản lý nhà nước là thúc đẩy các thị trường này phát triển lành mạnh, an toàn, không để xảy ra tình trạng "bong bóng".
Để đạt được mục tiêu này, ông Đào Minh Tú cho rằng cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý như NHNN, Bộ Tài chính.
Với NHNN, Phó thống đốc cho biết, cơ quan này sẽ tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với điều hành cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ. Đồng thời, tạo điều kiện để giảm chi phí vốn, qua đó tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
Ngoài ra, NHNN đề nghị các tổ chức tín dụng tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định pháp luật, tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát và hạn chế nợ xấu phát sinh nhằm đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng về mức an toàn.
Đặc biệt, ngành ngân hàng sẽ kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, gồm bất động sản, dự án giao thông theo phương thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) và BT (xây dựng - chuyển giao), chứng khoán.
"Tình hình tăng trưởng tín dụng khá mạnh, có khoảng 10 ngân hàng đang mong muốn nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng nhưng NHNN vẫn đang cân nhắc, bảo đảm tăng trưởng có chất lượng, hài hòa với nền kinh tế", Phó thống đốc Đào Minh Tú nói.
Theo số liệu từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản đang chậm lại, ước tính đến cuối tháng 6, mức tăng chỉ khoảng 5,5%.
Theo NHNN, lý do chính khiến tín dụng vào bất động sản năm vừa qua tăng chậm là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên các hoạt động đầu tư giảm mạnh.
Thậm chí, mức tăng kể trên còn thấp hơn đà tăng trưởng tín dụng bình quân cùng năm. Bên cạnh đó, đây là lĩnh vực mà cơ quan quản lý tiền tệ kiểm soát chặt chẽ về rủi ro.
Trong khoảng 3 năm trở lại đây, tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực này đã có xu hướng chậm lại rõ rệt. Trong đó, tín dụng vào lĩnh vực bất động sản năm 2018 tăng khoảng 26,76%. Số này đã giảm dần trong các năm sau đó là 21% năm 2019 và 11,89% năm 2020.