Theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể tại Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, trong điều kiện lao động bình thường, người lao động được hưởng lương hưu khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên và nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.
Tuy nhiên, theo Bộ luật Lao động 2019 vừa được thông qua, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, bắt đầu từ năm 2021, khi nghỉ hưu, lao động nam phải đủ 60 tuổi 3 tháng, lao động nữ phải đủ 55 tuổi 4 tháng; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.
Theo lộ trình này, lao động nam sẽ nghỉ hưu khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và lao động nữ nghỉ hưu khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.
Với những quy định nêu trên, cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có bất cứ thông tin nào về việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, trong đó tăng thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu.
Ngược lại, theo Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, tiến tới sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội.
Do vậy, trong những năm tới, chỉ cần đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm thì người lao động có thể lựa chọn nghỉ việc, chờ đủ tuổi để lĩnh lương hưu hoặc tiếp tục làm việc để hưởng lương từ người sử dụng lao động.