Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tăng tỷ lệ nữ Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Trung ương Đảng

Đây là những con số thống kê được nêu trong báo cáo thẩm tra của UB Các vấn đề xã hội về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2019 và giai đoạn 2011 – 2020.

Cơ quan thẩm tra nêu nhận định khái quát, trong tổng số 22 chỉ tiêu có 11 chỉ tiêu đã đạt được, 6 chỉ tiêu chưa đạt, 2 chỉ tiêu đạt được một phần và 3 chỉ tiêu chưa có số liệu.

11 chỉ tiêu về đích có chỉ tiêu tỷ lệ nữ thạc sỹ, nữ tiến sỹ. Sau nhiều năm không có số liệu, đến Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 đã thống kê được, trong đó tỷ lệ nữ tiến sỹ 28% vượt chỉ tiêu đề ra đến năm 2020 (là 25%).

Trong số 17 Uỷ viên Bộ Chính trị hiện nay, có 3 nữ Uỷ viên là bà Nguyễn Thị Kim Ngân (Chủ tịch Quốc hội),
Tòng Thị Phóng (Phó Chủ tịch Quốc hội), Trương Thị Mai (Trưởng Ban Dân vận Trung ương Đảng).


Kết quả thẩm tra cũng cho thấy, các chỉ tiêu về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị dù chưa đạt nhưng có bước tiến bộ. Nhiệm kỳ 2016-2021, tỷ lệ nữ ủy viên Bộ Chính trị là 15,8% (tăng 3,3% so với nhiệm kỳ trước), tỷ lệ nữ ủy viên Trung ương là 10% (tăng 1,5% so với nhiệm kỳ trước); tỷ lệ nữ ủy viên cấp tỉnh là 13,3%, cấp huyện là 14,3% và cấp cơ sở là 19,69% đều tăng so với nhiệm kỳ trước.

Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội , đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đều tăng. Nhiều cơ quan và địa phương có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Theo số liệu cập nhật, kết quả Đại hội đảng cấp cơ sở nhiệm kỳ 2020 - 2025 cho thấy, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy đạt 25,6% tăng 4,2% so với nhiệm kỳ trước ; cấp huyện đạt 20,1% cao hơn 1,9% so với nhiệm kỳ trước.

Cơ quan thẩm tra cũng chỉ ra một số hạn chế, như chỉ tiêu tỷ lệ bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ số liệu không đầy đủ và chưa đạt được mục tiêu đề ra. Chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2015 đạt 80% và đến năm 2020 đạt trên 95% Ủy ban nhân dân các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ không có số liệu vào năm 2019. Trong nhiều năm liền từ 2016-2018 và theo số liệu cập nhật đến 9/2020 tỷ lệ này là 30,1% đều không đạt được và kết quả rất thấp so với chỉ tiêu đề ra.

Ngoài ra, chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020 đạt 100% cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội có lãnh đạo chủ chốt là nữ nếu ở cơ quan, tổ chức có tỷ lệ 30% trở lên nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cũng chưa có số liệu đầy đủ và chưa đạt mục tiêu đề ra.

Cũng chưa về đích là tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt 30% vào năm 2015 và từ 35% trở lên vào năm 2020, khi chỉ đạt 24% vào năm 2019, chưa đạt mục tiêu đề ra, tuy nhiên có tăng so với năm 2011 là 20%.

Uỷ ban thẩm tra cho biết, Chính phủ đã ban hành một số chính sách cụ thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp này, tuy nhiên, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ phần lớn là doanh nghiệp nhỏ, gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn và nguồn lực. Chính phủ đã phê duyệt đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025 và giao cho Hội Liên hiệp phụ nữ chủ trì thực hiện Đề án. Tuy nhiên, việc thực hiện Đề án này các địa phương chủ yếu qua hình thức tuyên truyền, tập huấn, phổ biến kiến thức và đã có một số gói hỗ trợ nhưng chưa nhiều. Bên cạnh đó, thời gian thực hiện chưa dài nên chưa có đánh giá, sơ kết việc thực hiện.

Tỷ lệ nữ thạc sỹ trên tổng số thạc sỹ đạt 43% cũng chưa đạt được chỉ tiêu đề ra, theo báo cáo thẩm tra.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đánh giá tỷ lệ nữ thạc sỹ trên tổng số thạc sỹ trong ngành giáo dục đạt tỷ lệ cao ở các cấp học, cao nhất ở cấp mầm non (99,7%), cấp tiểu học (74,3%), cấp trung học sơ sở (70,73%) và cấp trung học phổ thông (62.2%).

Đáng chú ý, cơ quan thẩm tra cho rằng, chỉ tiêu số nạn nhân bị buôn bán trở về thông qua trao trả, được giải cứu, số nạn nhân bị buôn bán tự trở về được phát hiện được hưởng các dịch vụ hỗ trợ và tái hòa nhập cộng đồng đạt 100% chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, các số liệu này chưa hoàn toàn chính xác và đáng tin cậy.

Theo báo cáo số 362 của Chính phủ, từ tháng 6/2013 đến tháng 6/2019, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã tiếp nhận, hỗ trợ 2.961 nạn nhân bị buôn bán được cơ quan chức năng giải cứu, tự trở về đạt 100%. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Công an, từ 2011 - 2019 có 6.352 nạn nhân - cơ quan thẩm tra dẫn chứng.

Báo cáo hằng năm của Chính phủ chưa có số liệu đầy đủ, kịp thời về việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật và giải quyết khiếu nại tố cáo về bình đẳng giới… Điều này cho thấy cơ quan tham mưu, giúp Chính phủ quản lý nhà nước về bình đẳng giới chưa thực sự chỉ đạo quyết liệt việc thực nội dung này - cơ quan thẩm tra tiếp tục nêu hạn chế.

Theo Thái Anh/dantri.com.vn