Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tạo bước đột phá và chuyển biến nhanh

Năm học 2015 - 2016, ngành giáo dục cả nước thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục, đào tạo ở các cấp học và trình độ đào tạo, bước đầu đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, ngành còn đối mặt với những khó khăn cần được tháo gỡ.

 

Nhiều nỗ lực

Năm học qua, ngành giáo dục nỗ lực thực hiện hiệu quả nâng cao chất lượng giáo dục. Công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi cơ bản hoàn thành, nâng chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non. Công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, chất lượng phổ cập giáo dục THCS được duy trì; nâng chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh phổ thông, đào tạo học sinh giỏi đạt kết quả cao. Học sinh đạt nhiều kết quả cao trong các kỳ thi khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn được quan tâm đầu tư; công nghệ thông tin được ứng dụng nhiều hơn trong quản lý và dạy học… Qua đó xuất hiện nhiều điểm sáng trong giáo dục và đào tạo.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, TP Cần Thơ gặt hái nhiều kết quả đáng khích lệ. Học sinh tiểu học được khen thưởng ngày càng nhiều; tăng học sinh khá, giỏi THCS; học sinh giỏi THPT tăng 1,98%. Cần Thơ dẫn đầu số học sinh giỏi quốc gia khu vực ĐBSCL. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất được địa phương quan tâm đầu tư xây dựng. Đến tháng 8/2016, TP Cần Thơ có 202 trường đạt chuẩn quốc gia, phấn đấu đến cuối năm có thêm 46 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 55,37%; so với khu vực, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia cao hơn 25%. Năm 2016, thành phố có 112 công trình phục vụ giáo dục triển khai xây dựng cơ bản với kinh phí 500 tỉ đồng; riêng các trường đại học bằng các nguồn khác nhau đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy khoảng 470 tỉ đồng... Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ Lê Văn Tâm khẳng định, thời gian tới sẽ tiếp tục phát triển giáo dục phù hợp với tình hình địa phương.

Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng ngành giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc vẫn đạt thành công bước đầu. Địa phương đề ra cơ chế chính sách cụ thể hỗ trợ thu hút người dạy, người học, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển; làm tốt xã hội hóa giáo dục, phân luồng học sinh sau THPT… Năm 2016, UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt 6 nhiệm vụ trọng tâm tạo bước đột phá giáo dục. Các trường thực hiện sôi nổi các phong trào thi đua như: mỗi thầy cô giáo dạy 2 tiết/tuần; không nhận thù lao bồi dưỡng học sinh khá giỏi; phụ đạo học sinh yếu kém hay mỗi giáo viên khá giỏi giúp đỡ đồng nghiệp tiến bộ... Thời gian qua, ngành giáo dục tỉnh Đắk Nông chú trọng đổi mới phương pháp dạy và học; tăng cường giáo dục kỹ năng sống, chú trọng giáo dục trang bị kiến thức chuyển sang giáo dục phát triển năng lực, phẩm chất người học. Đắk Nông là một trong hai địa phương khu vực Tây Nguyên được công nhận đạt chuẩn phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi...

 

Đồng chí Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố trao bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố về thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2015-2016.


Còn nhiều vướng mắc

Theo báo cáo tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết năm học 2015-2016 và triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017 tổ chức đầu tháng 8/2016, năm học qua, ngành giáo dục vẫn còn nhiều yếu kém, hạn chế cần khắc phục. Công tác xây dựng và thực hiện chính sách còn nhiều bất cập; quản lý và chỉ đạo điều hành hiệu lực, hiệu quả chưa cao. Công tác quy hoạch hệ thống, phát triển đội ngũ, phân luồng học sinh, dạy và học ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện tự chủ, hội nhập quốc tế; phát triển cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế. Việc giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống chưa được quan tâm đúng mức…

Cụ thể, Hà Nội có 2.622 trường học, với trên 9.000 phòng học và 1,7 triệu học sinh, trung bình chưa đầy 20 học sinh/lớp. Tuy nhiên các trường phân bố không đồng đều, nội thành quá tải, ngoại thành nhiều trường không quá 20 học sinh/phòng. Chất lượng giáo dục nâng lên nhưng chất lượng dạy học ở các trường không đồng đều, còn tình trạng dạy thêm, học thêm. Đối với tỉnh Lạng Sơn, cơ sở vật chất giáo dục yếu kém, có 800 điểm trường lẻ. Tuy được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập mầm non cho trẻ em 5 tuổi, nhưng ở góc độ nào đó số trường chưa đạt yêu cầu; số học sinh/lớp còn đông… Tại Đắk Nông, năm học 2016-2017, số lượng học sinh vượt tăng ngoài kế hoạch gần 4.000 học sinh, do tăng đột biến lượng người nhập cư, dẫn đến tình trạng thiếu phòng học và giáo viên. Mặt khác, trẻ mầm non tăng 1.721 em, cần 398 giáo viên… Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, mong muốn Bộ quan tâm hỗ trợ địa phương giải quyết khó khăn trường lớp và giáo viên.

Theo thông tin tại hội nghị trực tuyến Tổng kết năm học 2015-2016 và triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017, thời gian tới, ngành giáo dục sẽ rà soát quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục trong toàn quốc; nâng cao chất lượng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; đẩy mạnh phân luồng và định hướng nghề nghiệp học sinh phổ thông; nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh các cấp học và trình độ đào tạo. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục… Đề xuất hướng phát triển giáo dục thời gian tới, ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ kiến nghị, ngành giáo dục cần nghiên cứu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, quản lý, có thể tập trung một số môn trước khi nhân rộng; tham mưu Chính phủ về phân cấp mạnh mẽ hơn nữa trong quản lý thực hiện tự chủ cho địa phương cũng như cơ sở giáo dục… Đồng thời tiếp tục nghiên cứu giao các tỉnh, thành quyền chủ động tổ chức thi và xét tốt nghiệp THPT theo hướng dẫn và chỉ đạo của Bộ.