Theo báo cáo của lãnh đạo tỉnh, thời gian qua tỉnh Kiên Giang phát triển khá toàn diện, có tốc độ tăng trưởng cao, quý I/2017 đạt gần 7,4%. Tốc độ tăng trưởng thu ngân sách bình quân 5 năm khoảng 19%; tốc độ tăng thu nội địa 19%; cơ sở hạ tầng được quan tâm; đời sống nhân dân được cải thiện, có 28/118 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Kinh tế biển, nông nghiệp đều phát triển tốt, trong đó có tốc độ phát triển vượt trội của huyện đảo Phú Quốc.
Tỉnh Kiên Giang hiện đứng thứ 3 trong 13 địa phương ở ĐBSCL, tuy nhiên mới chỉ đáp ứng khoảng 70% nhu cầu chi, còn lại nhận trợ cấp từ Trung ương. Bên cạnh đó, địa phương còn đối diện nhiều khó khăn, thách thức chịu tác động bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng, trực tiếp là hạn hán, xâm nhập mặn, gặp nhiều khó khăn trong kết nối với các trung tâm kinh tế lớn, tiếp cận công nghệ, đào tạo nhân lực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý phát triển Phú Quốc cần hài hóa, chú trọng bảo vệ môi trường. Ảnh:VGP
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ đã 4 lần họp bàn trong những tháng vừa qua và đã chính thức trình Bộ Chính trị về mô hình phát triển ở Phú Quốc, Bộ Chính trị đã chấp thuận chủ trương và hiện Chính phủ đang xây dựng luật pháp triển khai. Đối với cả nước và với Kiên Giang, Phú Quốc đi trước một bước về phát triển, là ngọn cờ đi đầu trong phát triển về mô hình mới ở Việt Nam, là mô hình đi trước của 3 khu hành chính kinh tế đặc biệt.
Về tầm nhìn cho Kiên Giang, Thủ tướng gợi mở, trong tương lai gần, phải phấn đấu thành tỉnh đổi mới, giàu có toàn diện dựa trên lợi thế so sánh tự nhiên, được dẫn dắt bởi những mô thức đột phá về thể chế chính sách năng động và ứng dụng công nghệ trong phát triển dịch vụ du lịch, nông nghiệp, kinh tế biển và công nghiệp hỗ trợ, công nghệ chế biến. Gắn kinh tế biển với tầm nhìn mới về chuyển dịch cơ cấu kinh tế Kiên Giang, trong đó động lực trung tâm của sự phát triển bứt phá là mô hình hành chính kinh tế đặc biệt Phú Quốc.
“Tập trung cho Phú Quốc phát triển là thu hút nguồn lực và cơ hội phát triển để có khả năng cạnh tranh hiệu quả, sòng phẳng với các quốc gia khác; thu hút các nhà đầu tư, người giỏi, người thông minh, người giàu đến Phú Quốc, đến Kiên Giang và đến Việt Nam. Phú Quốc cạnh tranh quốc tế chứ không phải cạnh tranh với các khu hành chính kinh tế đặc biệt khác trong nước như Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa)….”- Thủ tướng nói.
Thủ tướng trò chuyện vớ lãnh đạo tỉnh Kiên Giang. Ảnh:VGP
Để xây dựng Phú Quốc thành viên ngọc quý, viên ngọc lớn, trù phú và thịnh vượng, là trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí độc đáo, đẳng cấp quốc tế, Thủ tướng cho rằng phát triển Phú Quốc không thể đơn điệu chỉ là du lịch, vui chơi giải trí, nhưng nếu trải ra quá nhiều lĩnh vực thì khó phát triển, cần chọn một số lĩnh vực, trước hết là một trung tâm du lịch, vui chơi giải trí nổi tiếng.
Hiện Phú Quốc có diện tích gần xấp xỉ nhưng dân số chỉ bằng khoảng 2% dân số Singapore, vì vậy Phú Quốc có cơ hội to lớn để quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại, có tính đón đầu tiềm năng phát triển to lớn trong tương lai. Quy hoạch này phải có tầm nhìn 30 năm, 50 năm chứ không chỉ cho nhu cầu phát triển trước mắt. Đất đai là nguồn lực quý báu, cần được sử dụng hiệu quả nhất. “Nếu đưa ra con số 20.000 phòng ở Phú Quốc thì chắc chắn vấn đề môi trường đặt ra thử thách rất lớn. Mất môi trường là mất tất cả…”-Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng thăm hỏi, động viện cán bộ, kỹ sư Tập đoàn Vingroup đang triển khai các dự án ở Phú Quốc. Ảnh:VGP
Cũng theo Thủ tướng, cần quan tâm đến lợi ích của người dân, nhất là sinh kế, không để người dân đứng bên lề của sự phát triển. Phải kết hợp xây dựng hạ tầng du lịch, công viên, khu giải trí, bệnh viện với việc phục vụ người dân huyện đảo. Đẩy mạnh du lịch dựa vào cộng đồng, có chính sách ưu đãi, miễn thuế cho nhà đầu tư thì nhà đầu tư phải tham gia đào tạo nghề, tạo việc làm cho người dân địa phương.
“Phát triển Phú Quốc phải tính tới tăng trưởng bao trùm. Sử dụng tài nguyên phải tạo phúc lợi và tương lai nghề nghiệp cho người dân địa phương. Mô hình phát triển của Phú Quốc phải có tính dung hợp, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa nhà đầu tư, người dân, Nhà nước….”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.