Phụ nữ mới chỉ quản lý những công ty nhỏ, siêu nhỏ
Việt Nam có khoảng 25% doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ. Doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ đã tạo việc làm cho hơn 1,63 triệu lao động (14,5% tổng việc làm trong doanh nghiệp nhỏ), đã nộp ngân sách nhà nước gần 33 ngàn tỷ đồng (chiếm khoảng 3,9% thu ngân sách nhà), tạo ra 4,8 ngàn tỷ đồng thu nhập cho người lao động, chiếm 24,2% tổng thu nhập của người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2013.
Hiện tại, doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ đang chiếm 1/4 số lượng các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại việt Nam, nhưng lại đang gặp phải rất nhiều khó khăn, có thể kể đến như thiếu các kĩ năng; thiếu thông tin thị trường, khả năng tiếp cận nguồn tài chính; khó tiếp cận các chính sách, chương trình hỗ trợ của nhà nước; khó khăn trong việc cân bằng giữ công việc gia đình và công việc điều hành doanh nghiệp.
Bà Mai Thị Thuỷ, Chủ tịch Hội nữ doanh nghiệp Nhỏ và Vừa TP.Hà Nội chia sẻ, trong giai đoạn trước đây vai trò của người phụ nữ chỉ đơn thuần là chăm lo gia đình và con cái. Ngày nay phần lớn phụ nữ đều tham gia nhiều công việc khác như nam giới, đặc biệt là việc kinh doanh. Do đó, ngoài việc gặp phải những thách thức chung mà doanh nghiệp nam cũng gặp phải thì các doanh nhân nữ cũng phải đối mặt với các rào cản về giới như tài chính, mạng lưới, thông tin....
Đồng quan điển, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC) nhận định, các doanh nghiệp do nữ làm chủ đã và đang có những đóng góp tích cực không chỉ cho ngân sách, tăng trưởng kinh tế mà còn đóng góp to lớn cho xã hội trong việc tạo ra việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Nhưng thực tế doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức từ khi khởi sự kinh doanh cho tới khi phát triển doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn, tiếp cận thị trường, công nghệ...
“Chính vì vậy, thời gian tới Chính phủ cần có các chính sách và chương trình hỗ trợ hiệu quả nhằm thu hút sự tham gia nhiều hơn của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế. Bên cạnh đó, Chính phủ cần tạo điều kiện và chuyển giao các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, xúc tiến thương mại và đầu tư cho VCCI cũng như các hiệp hội khác để họ phát huy hơn nữa vai trò là tổ chức cầu nối xúc tiến thương mại và đầu tư cho doanh nhân nữ" – bà Tuyết đề nghị.
Cần những giải pháp từ chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nữ
Theo TS. Lê Quang Cảnh, chuyên gia tư vấn của Sáng kiến Hỗ trợ Phát triển Khu vực Tư nhân Vùng Mekong (MBI), hiện tại mới chỉ có Nghị định 56/2009/NĐ-CP, ngày 30/06/2009 về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là đề cập đến việc trợ giúp doanh nghiệp do nữ làm chủ, nhưng mới chỉ dừng lại ở những quy định rất chung chung. “Chính vì vậy, phần lớn các doanh nghiệp không biết có quy định về hỗ trợ doanh nghiệp do nữ làm chủ và nếu có thì cũng không biết được hỗ trợ như thế nào và làm thế nào để được hưởng hỗ trợ”, TS. Cảnh cho biết.
Theo đó, TS. Cảnh kiến nghị, cần quy định doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ là đối tượng được hưởng hỗ trợ của Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó cần có các chính sách hỗ trợ về việc cung cấp thông tin chính sách, thị trường, nguồn lực, bồi dưỡng doanh nhân nữ...
Để thu hẹp khoảng cách giữa chính sách và thực thi các chính sách về bình đẳng giới, cũng như đảm quyền bình đẳng thực sự của phụ nữ trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng chỉ có sự nỗ lực của phụ nữ là chưa đủ, mà cần có sự “nỗ lực” của chính sách. Để trao quyền cho phụ nữ thực chất hơn, nhiều chuyên gia cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nữ tăng quy mô, tăng tính đại diện của doanh nghiệp nữ trong đó có việc tăng tỷ lệ doanh nghiệp nữ trong tổng số doanh nghiệp. Đồng thời, cần có chính sách tăng cường vai trò của các nữ doanh nhân trong các hiệp hội kinh doanh nhằm làm cho hoạt động của các hiệp hội này phù hợp hơn với phụ nữ. Bên cạnh đó cần có chính sách ưu tiên thực thi pháp luật các dịch vụ pháp lý nhằm hỗ trợ quyền về đất đai của phụ nữ và chính sách hỗ trợ sự tham gia thực chất của phụ nữ trong việc tham gia vào vị trí quản lý trong doanh nghiệp.
Bà Ngô Hồng Điệp, chuyên gia về giới của Sáng kiến Hỗ trợ Phát triển Khu vực Tư nhân Vùng Mekông (MBI) khẳng định, tháo gỡ những rào cản về giới cho doanh nhân nữ không chỉ phù hợp với mục tiêu về Bình Đẳng giới và thông lệ quốc tế, mà còn giúp nâng cao vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa, thực hiện mục tiêu trong phát triển chiến lược bền vững quốc gia là đến năm 2020 sẽ có 35% doanh nghiệp do nữ làm chủ, đóng góp cho tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam.