Hiểu đúng, hiểu đầy đủ về người có công
Trên thế giới, có lẽ ít dân tộc nào lại phải tiến hành những cuộc đấu tránh cách mạng dai dẳng và khốc liệt như dân tộc Việt Nam để đi tới độc lập, hòa bình, thống nhất đất nước. Để có được một nước Việt Nam như hiện nay, đã có rất nhiều người phải hi sinh xương máu của mình. Để ghi nhận công ơn và thực hiện chính sách “Đền ơn, đáp nghĩa”, Nhà nước và nhân dân ta có nhiều hoạt động quan tâm đến người có công.
Những người được Nhà nước ta công nhận là người có công khá đa dạng. Đó là người có công với cách mạng, bao gồm: Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945; Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng Tám năm 1945; Liệt sĩ; Mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động; Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; Bệnh binh; Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; Người có công giúp đỡ cách mạng; Thân nhân của người có công với cách mạng.
Hiện nay, toàn quốc có khoảng 9 triệu người có công. Chiến tranh càng lùi xa thì số lượng người có công cũng giảm dần. Quan tâm, chăm sóc người có công là một trong những ưu tiên hàng đầu của chúng ta. Ở đây có trách nhiệm và tình cảm, có pháp lý và đạo lý.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tới viếng nghĩa trang liệt sĩ tại Quảng Trị. Ảnh KT
Các chính sách về người có công được liên tục hoàn thiện
Cuộc sống luôn luôn thay đổi, đất nước đang trong thời kỳ phát triển, cuộc sống của người dân đang được cải thiện nhanh chóng. Vì vậy, những chính sách về người có công cũng cần phải thay đổi để phù hợp với tình hình, để người có công luôn luôn được quan tâm một cách thỏa đáng.
Những chủ trương quan trọng nhất được đưa ra trong Chỉ thị số14-CT/TW được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 19 tháng 7 năm 2017. Chỉ thị này yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác thương binh, liệt sĩ, người có công và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; Đối tượng chính sách người có công với cách mạng được mở rộng; Việc xây dựng, nâng cấp, tu bổ mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ được quan tâm đầu tư; Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được triển khai tích cực. Phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng” phải được đẩy mạnh; Đời sống của gia đình người có công với cách mạng cần không ngừng được cải thiện...
Sau 3 năm thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW, việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân được các cấp ủy, chính quyền quan tâm triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác người có công tiếp tục được nâng cao. Đến nay đã cơ bản hoàn thành việc xem xét, giải quyết hồ sơ xác nhận người có công còn tồn đọng và hỗ trợ người có công có khó khăn về nhà ở.
Phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng”, ủng hộ quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội đồng tình, hưởng ứng. Đời sống của gia đình người có công đã được cải thiện đáng kể. Điều đáng nói là nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ và người có công đã phát huy được truyền thống, có ý chí vươn lên, tiếp tục có nhiều đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn trăn trở khi thấy một số gia đình người có công vẫn gặp một số khó khăn trong cuộc sống, hoặc có mức sống thấp so với những gia đình xung quanh.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cùng đoàn công tác tới thăm và tặng quà thân nhân của liệt sĩ ở Tây Ninh. Ảnh KT
Thực hiện bằng được tư tưởng “Người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình”
Trong quá trình thực hiện chính sách ưu đãi người có công, tư tưởng “Đảm bảo người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình” đã xuất hiện. Đây là một tư tưởng nhân đạo, nhân văn cao cả vì những gia đình những người có công đã hi sinh rất nhiều trong chiến tranh nên trong hòa bình họ không có điều kiện để phát triển bình thường. Do đó, Đảng và Nhà nước phải có chính sách, phải tạo điều kiện thì người có công mới có thể có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình.
Nhiều người vẫn còn nhớ là vào ngày 26/7/2020, tại Hà Nội, Bộ LĐTBXH đã phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân Dân và Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội tổ chức Lễ biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc. Tại diễn đàn trang trọng này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ: “Với trách nhiệm lớn lao và nghĩa tình sâu nặng, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta nguyện tiếp tục chăm lo chu đáo để đời sống vật chất, tinh thần của người có công ngày càng đầy đủ và tốt đẹp hơn. Phấn đấu đến năm 2020, 100% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú”.
Cần phải hiểu thế này: Thu nhập bình quân đầu người của cả nước hiện nay vào khoảng 53 triệu đồng/người/năm. Do đó, gia đình người có công phải có thu nhập từ mức này trở lên. Tuy nhiên, mức thu nhập ở các địa phương khác nhau lại cao thấp khác nhau, cán bộ chính sách cần lưu ý tới điều này. Hơn thế nữa, Thủ tướng còn nói cụ thể đến “nơi cư trú”, nghĩa là trên địa bàn dân cư khu phố, xóm thôn, không được để gia đình người có công có mức sống thấp so với những gia đình xung quanh.
Để thực hiện được tư tưởng “Đảm bảo người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình” là việc khó nhưng nằm trong khả năng của chúng ta nếu toàn Đảng, toàn dân đều quyết tâm thực hiện. Hơn thế nữa, chúng ta muốn người có công được sống trên mức trung bình. Đây là nhu cầu về đạo lý.
Hồ Bất Khuất/GĐTE