Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tạo đời sống mới cho hát xẩm


“Thay vì những hình ảnh, quan niệm đã in đậm trong tâm trí của số đông công chúng về một hình thức đàn hát dân gian của người dân nghèo, xẩm từ chỗ là phương tiện mưu sinh nơi góc chợ, bến đò, bến xe, ga tàu…, nay đã tham gia vào không ít chương trình biểu diễn chuyên nghiệp lớn” - NSND Xuân Hoạch.
 
 
Chuyển mình để tự bảo tồn
 
Theo nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, giai đoạn xẩm suy thoái và các phường xẩm tan rã là từ thập niên 60 trở lại đây. Vì nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có những quan niệm sai lầm và một phần cũng do các nghệ nhân xẩm tài danh lần lượt khuất núi. Trong thời đại công nghệ số, nhiều người lo lắng xẩm sẽ bị quên lãng, lụi tàn. Nhưng may mắn, cùng với những nỗ lực, tâm huyết bảo tồn của nhiều nghệ nhân, tiếng hát và tình yêu môn nghệ thuật dân gian vẫn còn mãi trong lòng công chúng. Dòng chảy của xẩm không bị thất truyền, vẫn được lưu giữ và có thêm nhiều nhân tố mới.


Một tiết mục biểu diễn của NSND Xuân Hoạch, người được xem là "trưởng lão" của làng Xẩm Việt Nam đương đại. 
 
Hiện nay, đã có không ít tác phẩm xẩm cách tân do các nghệ sĩ và chính công chúng yêu xẩm sáng tác được phổ biến, tạo đời sống mới cho hát xẩm. Những sáng tác mới, cách tân có ca từ gần gũi, phản ánh cuộc sống và công việc của con người hiện đại như "Xẩm trà đá", "Xẩm chứng khoán"… Các MV Xẩm cũng được thực hiện theo phong cách nhạc trẻ hiện đại, cũng với mong muốn khoác cho xẩm một màu sắc mới, để phù hợp với khán giả ngày nay, đặc biệt là khán giả trẻ.
 
Là một trong những người tham gia công cuộc chấn hưng hát xẩm tại Việt Nam, NSND Xuân Hoạch đã nỗ lực tìm tòi tư liệu của các nghệ nhân cũ để làm sống lại bộ môn nghệ thuật này. Những vần thơ đậm chất dân gian như: “Mục hạ vô nhân” (Nguyễn Khuyến), “Trăng sáng vườn chè”, “Lỡ bước sang ngang” (Nguyễn Bính)… được ông và những đồng nghiệp cách tân bằng những điệu nhạc luyến láy để gần hơn với đời sống đương đại, khiến cho xẩm trở nên dễ tiếp nhận hơn với công chúng đương đại. Không chỉ khán giả Việt mà cả bạn bè quốc tế cũng tỏ ra thích thú với lời thơ hết sức “bình dân” như: “Lò mò Cấm Chỉ, Bắc Qua/Mà coi trai gái vặt quà như điên/Tiết canh Hàng Bút, Hàng Phèn/Bún xuôi Tô Tịch phở lên Hàng Đồng…”.
 

Nghệ nhân Bá Linh (Đào Bạch Linh), Chủ nhiệm chiếu Xẩm Hải Phòng biểu diễn hát xẩm.
 
Và đưa xẩm lên sân khấu 
 
Nghệ nhân dân gian Đào Bạch Linh (Linh Xẩm), Chủ nhiệm Chiếu xẩm Hải Phòng cho biết: Bên cạnh những giá trị đặc biệt trong quá khứ, ở giai đoạn hiện nay, môi trường trình diễn xưa đã không còn, thay vào đó là những môi trường trình diễn mới, sân khấu hóa, chuyên nghiệp hóa. Cùng với đó, nỗ lực của các nghệ nhân, nghệ sĩ, những người yêu thích và dành nhiều tâm huyết cho xẩm cũng được đền đáp xứng đáng qua số lượng chương trình hiện diện ngày càng dày hơn, chuyên nghiệp hơn. 
 
Nhiều nghệ nhân “cây đa cây đề” của xẩm như: cụ trùm Vũ Đức Sắc ở Bắc Giang, cụ trùm Khoản ở Hải Dương, cụ Lê Thị Tứ ở Thanh Hóa... Cụ Nguyễn Thị Lạt ở Hải Dương là một phát hiện mới thú vị của những người đam mê hát xẩm. Cụ Lạt sở hữu vốn lời ca về xẩm phong phú, dù đã 95 tuổi, cụ vẫn có thể vừa hát vừa đánh trống và sênh. Cụ Lạt là một trong không nhiều những “kho tư liệu sống” về nghệ thuật hát xẩm hiện nay. Và còn nhiều nghệ nhân "ẩn mình" ở các làng quê khác, cùng với khá nhiều tên tuổi khác như: NSƯT Thanh Ngoan, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, NSND Thanh Hoài, NSND Thanh Bình, NSƯT Thúy Đạt… Họ là những người vẫn miệt mài thực hành truyền dạy cho thế hệ trẻ và biểu diễn hát xẩm thường xuyên, nỗ lực đưa hát xẩm nói riêng, nghệ thuật truyền thống nói chung đến gần hơn với công chúng.
 

Xẩm Hà Thành tập hợp một đội ngũ nghệ sĩ chuyên nghiệp về biểu diễn lẫn sáng tác.
 
Cùng với đó là sự hiện diện và hoạt động khá đa dạng, sôi nổi của xẩm trong cộng đồng nhiều địa phương trên cả nước. Có thể kể đến các các hội, nhóm, câu lạc bộ đang thực hành truyền dạy hoặc biểu diễn hát xẩm tại nhiều tỉnh thành như: Chiếu xẩm Hải Thành (Hải Phòng); Chiếu xẩm Hà Thị Cầu (Ninh Bình); Trung tâm Âm nhạc truyền thống Thăng Long (Hà Nội); CLB Ca nhạc truyền thống UNESCO Hà Nội; các CLB Còn duyên (Vĩnh Phúc); CLB Sen Tây Hồ... 
 

Một buổi tập luyện, truyền dạy hát Xẩm được tổ chức thường xuyên, thu hút khá đông người tham gia.
 
Nghệ nhân Đào Bạch Linh chia sẻ, người quan tâm đến hát xẩm nói riêng, nghệ thuật truyền thống nói chung ngày càng nhiều hơn. Đây là xu hướng tất yếu của cuộc sống. Bởi lẽ, đời sống càng cao, người ta càng tìm về giá trị văn hóa truyền thống – những giá trị làm nên bản sắc riêng, giá trị riêng có của từng cộng đồng, địa phương và xa hơn nữa là dân tộc, đất nước. Trong dòng chảy chung này thì nhu cầu tìm về với hát xẩm, với giá trị của nghệ thuật truyền thống độc đáo cũng ngày càng cao hơn, đòi hỏi trình độ của người biểu diễn và người thưởng thức cũng phải cao hơn. 
 
 

Việt Cường/GĐTE