Khó cạnh tranh trong thị trường lao động khu vực
Cộng đồng DN với tư cách là chủ sử dụng lao động, có tiếng nói rất quan trọng trong quá trình đào tạo dạy nghề. Họ có thể “đặt hàng” đào tạo tay nghề lĩnh vực họ cần, nhưng từ trước đến nay, việc dạy nghề chủ yếu là do các trường thực hiện, kiến thức học ra trường không đáp ứng được với thực tế DN.
Các nhà đầu tư quốc tế hiện rất quan tâm đến môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam. Họ muốn đầu tư vào Việt Nam ở những lĩnh vực công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, tuy nhiên, cản trở lớn nhất là đang thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Ông Vũ Tiến Lộc phân tích:
“Khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) ra đời vào cuối năm 2015, nếu Việt Nam vẫn tiếp tục không đầu tư bài bản cho việc đào tạo kỹ năng lao động, nâng cao chất lượng cho nhóm lao động kỹ năng trung bình, thì khó đạt được tốc độ tăng trưởng việc làm trong quá trình hội nhập.
Trong đó, nhu cầu đối với trình độ kỹ năng trung bình sẽ tăng nhanh nhất, theo sau là các công việc có kỹ năng thấp. Phát triển kỹ năng lao động là yếu tố then chốt để chuyển đổi thành công cơ cấu kinh tế, để DN tạo được nhiều giá trị gia tăng trong chuỗi sản xuất toàn cầu cũng như tạo ra lực hút mới cho đầu tư nước ngoài”.
Trong Dự án “Xây dựng báo cáo thường niên về thị trường lao động” của VCCI đã đưa ra dự báo về nhu cầu sử dụng lao động của DN, trên cơ sở đó, kiến nghị Chính phủ xây dựng chiến lược đào tạo dạy nghề. Theo đó, các DN cần chủ động “đặt hàng” đối với các cơ sở đào tạo nghề.
“Ngoài việc có thể trực tiếp đầu tư vào hệ thống các trường dạy nghề, các DN có thể hợp tác với cơ sở dạy nghề trong đào tạo. Sự gắn bó chặt chẽ giữa các cơ sở dạy nghề và DN có ý nghĩa quan trọng đến chất lượng dạy nghề bên cạnh định hướng chiến lược của Chính phủ...”- ông Lộc cho biết.Theo ông Lộc, các DN chưa nhận thức đầy đủ về những thách thức của AEC cũng như chưa sẵn sàng để tận dụng những cơ hội của nó.
DN khá lạc quan rằng sự dịch chuyển ngày càng tăng của lao động, rào cản thương mại giảm và dòng vốn đầu tư tự do hơn sẽ tăng cường khả năng cạnh tranh - đặc biệt khi kết hợp đầu tư trong giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, thực tế là DN chưa chuẩn bị để cạnh tranh trong thị trường lao động đang ngày càng hội nhập của khu vực.
Loay hoay cung - cầu lao động vừa thừa vừa thiếu
Tại các khu công nghiệp trên cả nước, nhu cầu tuyển dụng lao động vẫn ở mức cao. Số lượng lao động cần tuyển có khi lên đến hàng ngàn người, thế nhưng để tuyển được lao động có tay nghề ổn vẫn rất khó.
Do lực lượng lao động vừa thừa vừa thiếu nên thị trường lao động luôn diễn ra tình trạng thiếu hụt lao động chất lượng cao. Ông Chris Harvey, Giám đốc điều hành Cty ITviec.com cho biết, hầu hết các khách hàng đều có nhu cầu tuyển dụng thêm trong năm 2015, mức tuyển thêm là 10- 25%, thậm chí 50% số lượng nhân viên mới.
Trong đó, lực lượng lao động chất lượng cao vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu tuyển dụng. Ngay như ngành công nghệ thông tin, theo Bộ TT&TT, trong giai đoạn từ năm 2013 đến 2018, các DN trong nước cần tuyển hơn 400.000 lao động ngành công nghệ, nhưng mỗi năm cả nước chỉ đào tạo được khoảng 60.000 nhân lực.
Trong khi nhiều lao động tranh nhau nộp hồ sơ tại các DN lớn với mức lương hấp dẫn, thì tại những DN vừa và nhỏ với mức lương thấp hơn lại ít người đến xin tuyển dụng.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu lao động xảy ra trầm trọng nhất ở các DN, Cty sản xuất có quy mô nhỏ. Như ghi nhận của ông Lê Anh Tri, Giám đốc Cty cổ phần xây dựng Anh Vinh (Cụm công nghiệp vừa và nhỏ Từ Liêm, Hà Nội):
“Cty hiện có khoảng 190 lao động, thời điểm hiện tại cần khoảng 40 lao động nữa nhưng tuyển rất khó, người cần việc đến thử việc thì nhiều, nhưng số lao động thạo việc lại rất ít và rất khó tuyển”.