Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tạo lá chắn pháp lý vững chắc bảo vệ trẻ em

Khẳng định trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là sự nghiệp có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, bảo đảm cho sự phát triển của đất nước.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Không để bất cứ trẻ em nào bị bỏ lại phía sau

Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là trách nhiệm của Ðảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các ngành, các địa phương và nhân dân mà trực tiếp là mỗi gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư. Ðiều đó được thể hiện nhất quán trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ðảng, trong các văn bản của Nhà nước đã thể chế hóa, tạo cơ sở chính trị, pháp lý cho công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ và phòng, chống bạo lực trẻ em.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, trong những năm qua, việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em đã đạt được những kết quả tích cực, đã kịp thời triển khai Quyết định số 23 ngày 7/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030 và Nghị định số 20 ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực trẻ em được quan tâm hơn. Việc xử lý tin báo, tố giác về các hành vi vi phạm pháp luật và các biện pháp hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em có nguy cơ bị bạo lực và bị bạo lực được chú trọng hơn. Các vụ việc, vụ án xâm hại trẻ em cơ bản được xử lý kịp thời, nghiêm minh. Lãnh đạo Quốc hội đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt, tinh thần trách nhiệm cao của các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan tư pháp và mạng lưới cán bộ, cộng tác viên làm công tác trẻ em từ trung ương đến địa phương, cơ sở.

Tuy nhiên, thời gian qua, dư luận xã hội rất bức xúc và đau lòng khi các phương tiện truyền thông liên tục đưa tin về các vụ việc bạo hành trẻ em gây hậu quả rất nghiêm trọng.

“Báo cáo của các cơ quan gửi tới Quốc hội cho thấy các vụ việc xâm hại, bạo lực trẻ em tuy đã giảm nhiều so với trước đây nhưng vẫn còn ở mức cao. Ðiều đó cho thấy, những việc chúng ta đã và đang thực hiện chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em vẫn là chưa đủ", Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý.

Tạo mọi điều kiện để trẻ em phát triển toàn diện.

Tạo mọi điều kiện để trẻ em phát triển toàn diện.

Bảo vệ trẻ em ngay từ gia đình

Trước tình trạng xâm hại, bạo lực đối với trẻ em vẫn đang là một vấn đề nhức nhối, nhiều đại biểu Quốc hội đã nhấn mạnh nguyên tắc xuyên suốt trong xây dựng hệ thống pháp luật là vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. Ðặc biệt, cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, tăng mạnh các chế tài hình sự đối với hành vi xâm hại trẻ em, nhằm tạo ra lá chắn pháp lý vững chắc để bảo vệ trẻ em.

Quan tâm đến phòng, chống bạo hành trẻ em trong môi trường gia đình, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nhấn mạnh các biện pháp bảo vệ trẻ em cần được quy định ở mức độ cao hơn và sớm hơn.

Ðại biểu nêu, thực tế thời gian qua, số vụ bạo hành trẻ em trong môi trường gia đình tăng cả về số vụ và mức độ nghiêm trọng. Ðặc điểm của bạo lực gia đình xảy ra đằng sau cánh cửa của mỗi gia đình, do đó rất khó phát hiện. Hơn thế nữa, nạn nhân bị bạo hành lại là trẻ em nên khó có khả năng phản ánh, phản ứng, dẫn đến nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng, trẻ bị bạo hành trong một thời gian dài và chỉ bị phát hiện khi các em đã được đưa đến viện trong tình trạng đã tử vong hoặc nguy kịch tính mạng.

Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội.

Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội.

Nhấn mạnh, một tiếng kêu cứu của trẻ em, dù ở bất cứ nơi đâu cũng đều thuộc trách nhiệm của tất cả chúng ta, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho rằng, để việc vào cuộc không bao giờ muộn, trước hết pháp luật phải rõ ràng về trách nhiệm, đầy đủ các biện pháp khả thi và các biện pháp bảo vệ trẻ em cần được quy định mức độ cao hơn và sớm hơn. Ðại biểu kiến nghị rà soát để khắc phục những khoảng trống bảo vệ trẻ em trong dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và trong Luật Trẻ em. Ðồng thời, bổ sung các biện pháp đặc thù để chủ động phòng ngừa bạo hành trẻ em trong môi trường gia đình ở những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt.

Ðại biểu Phạm Văn Hòa (Ðồng Tháp) nêu vấn đề, thời gian qua, đã có những vụ việc đau lòng xảy ra khi trẻ nhỏ bị xâm hại, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng.

Khẳng định đây là điều không thể chấp nhận được, đại biểu nhấn mạnh trách nhiệm của hệ thống chính trị, toàn xã hội và người dân là phải bảo vệ tuyệt đối trẻ em, để các em được học hành, có tâm sinh lý vững vàng, thể chất, tinh thần tốt.

Nêu rõ trẻ em sau này là một thành viên của gia đình và cao hơn nữa là yếu tố quyết định vận mệnh tương lai của đất nước, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, việc bảo vệ quyền lợi trên tất cả lĩnh vực đối với trẻ em phải là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó có những thành viên trong gia đình và người thân của trẻ.

 “Hiện nay, các cơ quan bảo vệ pháp luật vẫn đủ sức bảo vệ trẻ em, nhưng có điều đáng tiếc trong thời gian qua chúng ta vấp phải đó là khi trẻ em bị bạo hành không được gia đình báo tin, hay không được hỗ trợ kịp thời từ chính quyền địa phương. Ðây vẫn là vấn đề rất nhức nhối!”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói.

Từ đó, đại biểu kiến nghị chính quyền địa phương phải có trách nhiệm khi nhận được tin báo trẻ em bị bạo hành, cử cán bộ chính quyền hay công an tới ngay hiện trường để bảo vệ trẻ em kịp thời. Ðặc biệt, chính các thành viên trong gia đình (cha, mẹ, người thân của trẻ) nếu phát hiện các hành vi bạo hành phải can thiệp kịp thời ngay tại thời điểm bạo lực xảy ra, sau đó báo cáo với chính quyền địa phương. Có như vậy mới kịp thời ngăn chặn hành vi bạo lực, và cũng góp phần đưa bạo lực gia đình nói chung và bạo lực đối với trẻ em nói riêng giảm xuống mức thấp nhất có thể.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt hơn nữa chính sách pháp luật về công tác phòng, chống bạo lực trẻ em; tạo môi trường lành mạnh, an toàn, thân thiện, bình đẳng, công bằng, không để bất cứ trẻ em nào bị bỏ lại phía sau; đó cũng là thể hiện quan điểm nhất quán, trách nhiệm thường xuyên, liên tục của Việt Nam trong thực hiện các cam kết quốc tế về quyền trẻ em.