Phước đức là gì?
Tất cả việc lành làm lợi cho người và ta hưởng được sự an lạc là phước. Bố thí, giúp đỡ người dưới nhiều hình thức… chính là làm phước, nhưng phước thường đi kèm với đức. Ðức chính là sự ẩn tàng bên trong phẩm hạnh của con người, nói dân dã là thái độ, cái tính nết của một người. Một người đi làm phước mà không bằng tất cả tấm lòng, không có sự khiêm cung, không có thái độ ân cần… thì không đi trọn bộ “phước đức”! Người có đức thì hay làm phước. Làm phước tức là gieo trồng hạt giống thiện lương để đến kỳ thì gặt hái quả ngọt. Ðời này ta đang sống là do nghiệp lực trong tiền kiếp, hưởng phước nhiều hay ít cũng do từ quá khứ, nên tạo phước trong hôm nay cũng chính là vun bồi quả ngọt cho ngày mai. Làm phước hôm nay chính là trồng cây, nên vun bón phước đức của mình, đến khi đủ duyên sẽ có quả ngọt, không thể đòi ngay tức khắc hay tính toán theo ý mình. Trong văn hóa Á Ðông, phước đứng hàng “số 1” vì có phước là có tất cả, hình ảnh “tam đa” gồm ba ông Phúc, Lộc, Thọ thì ông Phúc (Phước) là đứng vị trí số một.
Khi làm phước, chẳng hạn như bố thí, đừng nghĩ rằng mình là “nhất”, là “bề trên”, mà người có đức phải làm một cách chân thành và nhiệt tình, làm bằng tất cả tấm lòng. Ðó là bố thí Ba-la-mật, làm phước một cách vô tướng, không “kiếm lời” thì phước mới trọn vẹn. Bố thí ở đây không có nghĩa chỉ tài vật, mà có khi là một câu nói, một hành động nâng đỡ người cùng thế và muôn vàn cách giúp người khác. Bố thí phải đi với lòng từ bi vô lượng. Người được bố thí lại là người tạo cơ hội cho người tích phước! Ví dụ: Khi người mẹ nấu cơm cho con ăn mà nấu bằng tất cả tình thương, nâng niu từng món ăn, mong sao con mình được ngon miệng thì người mẹ đó vừa tạo phước mà có cả đức, đứa con chính là cơ hội cho người mẹ tạo phước. Còn nếu người mẹ đó vừa nấu vừa bực dọc thì đức không có và phước đức không song hành. Ðức còn là tuệ giác để biết tạo phước và hưởng phước. Ví dụ gia đình đang ấm êm người có đức sẽ biết nâng niu, gìn giữ, trân trọng người thân để hưởng phước.
Phước đức và Công đức
Sự kiện hơn 1.000 tu sĩ, tăng ni, Phật tử tình nguyện phục vụ chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại các bệnh viện dã chiến tại TP.HCM khi đại dịch bùng phát vừa qua chính là các Bồ Tát đầy phước đức. Dịch Covid rất nguy hiểm, tính mạng có thể bị đe đọa khi dấn thân, các vị này biết điều đó nhưng vì có đức nên họ hiểu sự cống hiến sức lực ngay lúc đó là tối cần thiết. Họ sẵn sàng đến nơi hiểm nguy với hạnh nguyện giúp đỡ bệnh nhân. Các vị Bồ Tát đức độ này đã làm phước mà không chút suy tính. Thiện căn đã có trong họ và họ làm một cách vô tư, không quản thân mình, không nghĩ mình đang làm phước. Ðiều đó cao hơn cả phước đức, chính là công đức.
Ðợt dịch vừa qua, không chỉ có hơn 1.000 vị tu sĩ, tăng ni, Phật tử mà còn rất nhiều đội nhóm thiện nguyện xả thân đi làm việc thiện nguyện. Có những bác sĩ như bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn - Trưởng trạm y tế xã Phước Lộc - Nhà Bè lẽ ra đến ngày nghỉ hưu nhưng “không nỡ bỏ bà con”, hay điều dưỡng Bệnh viện Nhân dân Gia Ðịnh Trần Thị Phương Hằng làm việc ngày đêm quên mình và đã nằm xuống. Rồi anh Vũ Mạnh Cường tuy không giàu nhưng tiên phong tặng cơm từ thiện và đã ra đi mãi mãi… Các vị chính là Bồ Tát giữa đời thường, công đức họ thầm lặng nhưng phước báu thì vô lượng.
Những ai làm phước mà không nghĩ ngợi hay có một chút vụ lợi gì cho mình, không mong được hưởng quả ngọt cho chính bản thân, họ làm một cách Ba-la-mật, để người khác hưởng lợi và họ hoan hỉ, đó chính là công đức. Người làm phước vì công đức vượt khỏi tính ích kỷ, bỏn xẻn thường tình để đến cái cao cả và lợi ích chung. Từ phước đức qua công đức nhẹ nhàng nhờ sự chuyển hóa và tu tập, hiểu biết, quán chiếu của người làm phước.
Khi gặp việc không may hoặc nghịch cảnh thì người đời thường dùng từ “vô phước”. Lúc đó, chúng ta không nên buồn phiền mà nên biết chuyển nghiệp bằng cách tạo công đức giúp người một cách hồn nhiên. Nên học hạnh nhẫn nhịn, từ bi của Ðức Quan Âm để trải lòng ra mà bố thí. Người đời hay dùng chữ “phước điền” tức ruộng phước (các tăng hay mặc y có từng ô vuông tức ruộng phước, gọi là phước điền y). Phật tử cúng dường tức cúng vào ruộng phước. Các thầy nhận có nhiệm vụ chăm sóc, gìn giữ hạt giống đó. Ruộng phước phải luôn được vun bồi, nếu không sẽ cạn.
Làm phước không nên… đánh trống la làng!
Trong phước đức bàng bạc công đức và ngược lại, vì vậy khi làm phước không nên nghĩ đó là làm phước, không phô trương, không khoe khoang thì phước mới vô lượng.
Người có tính hay ganh tị, nếu làm phước thì thường ít đức mà làm để khoe khoang, chứng tỏ ta “hơn” người kia chứ không phải xuất phát từ tình thương bao la thì phước sẽ giảm. Chỉ khi hoan hỉ bố thí, dẹp tâm tị hiềm, tùy hỉ với người và như vậy thiện nghiệp sẽ sinh ra, đức có. Khi khởi tâm làm phước thì đừng nghĩ mình đang làm phước cho ai đó, mà làm bằng tất cả tình thương yêu, làm bằng cái hạnh, khi công hạnh đủ đầy thì phước báu tự nhiên đến, chúng sinh tự nhiên có phước.
Từ câu chuyện xưa: Vua Lương Võ Ðế xây cất hằng trăm ngôi chùa, độ tăng chúng tu hành rất đông, thiết trai bố thí, cúng dường, đúc chuông, tạo tượng, ấn tống kinh sách nhiều vô số kể, khi gặp Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma, vua hỏi vậy ta có công đức không? Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma trả lời một cách rõ ràng rằng: "Những việc làm ấy thực không có công đức gì cả!" vua rất buồn. Sau đó, Tổ Ðạt Ma cho biết, khi vua làm công đức thì không nên “vinh danh” mình đã làm được bao nhiêu chuông, chùa…, vua cứ im lặng làm thì công đức mới viên mãn, bởi bản thân vua phước đức rất dày nên kiếp này mới ở ngôi thiên tử.
Thượng toạ Thích Chân Tuệ cho biết: “Nếu như bố thí, cúng dường mà tâm không mong cầu gì cả, thi ân bất cầu báo đáp, cúng chùa để chùa có thêm phương tiện sinh hoạt ích lợi cho mọi người, giúp người để cho người qua cơn khó khăn, túng thiếu, không đắn đo, không suy nghĩ, không tính toán gì thêm nữa, chúng ta sẽ bớt đi tâm tham lam, bỏn sẻn, tăng trưởng tứ vô lượng tâm: từ, bi, hỷ, xả. Như vậy, những việc làm đó vừa ích lợi cho người, vừa ích lợi cho mình. Nghĩa là vừa được phước đức vừa được công đức”!