Toàn cảnh buổi làm việc.
Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, hơn 10 năm qua, MTTQ Việt Nam đã tích cực phối hợp cùng Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo thông qua quỹ “Vì người nghèo” và các chương trình an sinh xã hội. Kết quả, các doanh nghiệp, cơ quan đơn vị, các tổ chức quốc tế, người Việt Nam ở nước ngoài đã ủng hộ hơn 49.000 tỷ đồng, trong đó, ủng hộ qua quỹ “Vì người nghèo” 4 cấp hơn 13.400 tỷ đồng và ủng hộ trực tiếp chương trình an sinh xã hội ở các địa phương được hơn 36.000 tỷ đồng.
Từ nguồn quỹ trên và sự vận động các tổ chức thành viên, MTTQ Việt Nam các cấp phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng 1.482.512 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Bên cạnh đó hỗ trợ hàng chục triệu lượt hộ nghèo về tư liệu sản xuất, hỗ trợ hàng ngàn công trình dân sinh với giá trị hơn 1.624 tỷ đồng.
Để tiếp tục có thêm nguồn lực chăm lo cho người nghèo, sau khi thống nhất với Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ban hành kế hoạch phối hợp tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp “Chung tay vì người nghèo” năm 2017. Chương trình được diễn ra vào ngày 15/10, tại hai điểm cầu Cung văn hóa hữu nghị Hà Nội và Nhà hát thành phố Hồ Chí Minh, được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo về việc tổ chức Chương trình truyền hình trực tiếp "Ngày vì người nghèo".
Theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, công tác chuẩn bị cho chương trình truyền hình trực tiếp “Chung tay vì người nghèo” năm 2017 cơ bản đã hoàn tất. Tại buổi truyền hình trực tiếp, bên cạnh chương trình nghệ thuật sẽ có phóng sự tổng hợp kết quả giúp đỡ người nghèo, cộng đồng nghèo, giới thiệu các mô hình chăm lo cho người nghèo ở các địa phương, giao lưu với các điển hình thoát nghèo và các mạnh thường quân ủng hộ người nghèo.
Song song với chương trình truyền hình trực tiếp sẽ có các hoạt động bên ngoài sân khấu, như tổ chức các gian hàng giới thiệu các sản phẩm của người nghèo tại điểm cầu Hà Nội và khu Hội chợ giới thiệu các các phẩm của người nghèo ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long ở điểm cầu TP. Hồ Chí Minh.
Điểm nhấn của chương trình sẽ là những người tham gia cùng đặt tay lên quả cầu đóng góp ủng hộ người nghèo thể hiện thông điệp “Chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn báo cáo công tác chuẩn bị
Tại buổi làm việc đại diện các Tập đoàn, doanh nghiệp đều bày tỏ đồng tình và khẳng định cam kết sẽ đồng hành ủng hộ quỹ “Vì người nghèo”, triển khai các chương trình an sinh xã hội để có thêm nguồn lực giảm nghèo bền vững.
Thay mặt Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định, trong hơn 10 năm qua, các hoạt động chung tay vì người nghèo đã nhận được sự quan tâm ủng hộ của toàn xã hội, các Tập đoàn, Tổng công ty qua đó góp phần vào mục tiêu giảm nghèo bền vững, giảm tỷ lệ hộ nghèo của cả nước. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, hiện nay tại nhiều vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức từ 35 - 40%, nên cần thêm rất nhiều nguồn lực để giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.
Để chương trình truyền hình trực tiếp “Chung tay vì người nghèo” năm 2017 có sức lan tỏa, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn mong muốn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự tại điểm cầu Hà Nội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tham dự tại điểm cầu TP. Hồ Chí Minh. Tại điểm cầu Hà Nội, Thủ tướng sẽ phát biểu kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, người Việt Nam ở nước ngoài ủng hộ nguồn lực giúp đỡ người nghèo, cộng đồng nghèo thoát nghèo bền vững để tạo sự lan tỏa và quan tâm của toàn xã hội chung tay chăm lo cho người nghèo.
“Đề nghị Thủ tướng Chính phủ có thư gửi tới các tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế ủng hộ người nghèo thông qua quỹ vì người nghèo và các chương trình an sinh xã hội để kết nối các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ người nghèo.”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh báo cáo công tác truyền hình trực tiếp “Chung tay vì người nghèo”
Đối với việc hỗ trợ người nghèo của các tập đoàn, tổng công ty, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị, việc tiếp cận hỗ trợ các đối tượng cần có địa chỉ cụ thể thông qua quỹ “Vì người nghèo”. Đặc biệt việc hỗ trợ cần hướng tới việc mở rộng đến các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, cộng đồng nghèo nhằm đảm bảo đúng nguyên tắc, đúng đối tượng, không để xảy ra sai sót trong việc thực hiện hỗ trợ.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn mong muốn, chương trình “Chung tay vì người nghèo” năm 2017 sẽ được tổ chức định kỳ hàng năm để tạo sự lan tỏa trong xã hội, hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Bày tỏ đồng tình với sự chủ động của MTTQ Việt Nam trong việc triển khai chương trình truyền hình trực tiếp “Chung tay vì người nghèo” năm 2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, để chung tay giúp đỡ người nghèo, Chính phủ và MTTQ Việt Nam đã phối hợp tổ chức chương trình “Nối vòng tay lớn”. Thành công của chương trình đã khơi dậy tinh thần tương thân tương ái của người Việt Nam cùng chung tay ủng hộ quỹ “Vì người nghèo”.
Với thành công của chương trình “Nối vòng tay lớn”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, cần có những chương trình tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ thông điệp “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đặc biệt cần đẩy mạnh công tác truyền thông trong tháng cao điểm “Vì người nghèo” với điểm nhấn là chương trình truyền hình trực tiếp “Chung tay vì người nghèo” năm 2017, trao giải báo chí về chương trình giảm nghèo bền vững, tổ chức Hội nghị các nhà tài trợ, tôn vinh các điển hình, cộng đồng thoát nghèo…để tạo hiệu ứng, thu hút sự quan tâm chung tay ủng hộ người nghèo của toàn xã hội.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các Bộ, ngành liên quan chung tay góp sức cùng MTTQ Việt Nam tổ chức thành công chương trình truyền hình trực tiếp “Chung tay vì người nghèo” năm 2017, từ đó tạo tiền đề để định kỳ hàng năm thực hiện chương trình này.