Theo kết quả một cuộc điều tra khác của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, sau khi bị sa thải, khoảng 43,1% công nhân làm công việc tự do, 17,2% làm công việc buôn bán, 15,3% về nhà làm công việc nội trợ, 13,3% làm ruộng và hơn 11% bán hàng rong. Đối với nữ, tập trung phần lớn (82,6%) là bán hàng rong và bán nước, 12,1% làm công việc tự do.
Kết quả khảo sát với nữ công nhân và phụ nữ nhập cư đang sinh sống tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh (Hà Nội) do các đơn vị triển khai dự án tiến hành vào tháng 11/2016, hơn 80% số người tham gia khảo sát cho biết công việc hiện nay mang tính thủ công không giúp họ có một nghề ổn định sau khi nghỉ việc; 53,3% số được hỏi cho biết không thích công việc hiện tại và mong muốn chuyển sang công việc bền vững hơn; 75% trong tổng số tham gia khảo sát bày tỏ mong muốn được bắt đầu công việc kinh doanh để ổn định thu nhập.
Dự án “Tạo cơ hội việc làm bền vững và cộng đồng an toàn cho nữ thanh niên nhập cư tại Hà Nội” mang đến các cơ hội tham gia các khóa đào tạo kỹ năng chuyên nghiệp, kỹ năng mềm và kỹ năng sẵn sàng làm việc, kết nối việc làm và tự kinh doanh, giúp các nữ thanh niên và phụ nữ nhập cư hiện đang sinh sống tại huyện Đông Anh có việc làm bền vững. Bên cạnh đó, các điểm tư vấn sẽ được thành lập để cung cấp thông tin, tư vấn cho nữ thanh niên và phụ nữ nhập cư giảm thiểu nguy cơ bạo lực giới và nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ về nhà ở an toàn, tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục.
Đồng thời, dự án còn thúc đẩy việc thành lập mạng lưới doanh nghiệp cam kết việc làm bền vững và bình đẳng giới cho nữ thanh niên và phụ nữ nhập cư. Dự án kêu gọi sự tham gia, ủng hộ của toàn thể người dân, các chủ nhà trọ tại huyện Đông Anh, các doanh nghiệp sử dụng lao động chung tay xây dựng môi trường sống, môi trường làm việc an toàn, bình đẳng, không kỳ thị với nữ thanh niên và phụ nữ nhập cư, từ đó vận động cho việc xây dựng và triển khai các chính sách tạo cơ hội việc làm bền vững và cộng đồng an toàn cho nữ thanh niên và phụ nữ nhập cư trên địa bàn thành phố.
Dự kiến sẽ có khoảng 2.000 nữ thanh niên và phụ nữ nhập cư được cung cấp thông tin và tư vấn về nơi ở, việc làm và cơ hội học tập; 800 được đào tạo tăng cường kỹ năng chuyên nghiệp, kỹ năng mềm và kỹ năng sẵn sàng làm việc; 590 được kết nối với các doanh nghiệp để có cơ hội thực tập và việc làm ổn định sau đào tạo; 100 được đào tạo và hỗ trợ tự kinh doanh từ những mô hình do chính họ lên kế hoạch thực hiện. Dự án sẽ do trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Thăng Long phối hợp với Hội LHPN huyện Đông Anh, Viện Phát triển sức khỏe, cộng đồng - Ánh sáng (LIGHT) và tổ chức Plan International Việt Nam triển khai tại huyện Đông Anh, Hà Nội từ tháng 12/2016 đến tháng 6/2019.
Một câu chuyện chân thực, điển hình về cuộc sống của nữ thanh niên nhập cư đến Hà Nội mang tên “Bạn tự làm nên số phận của mình”. Đó là câu chuyện về Nguyễn Thị Dung – một nữ thanh niên rời quê lên Hà Nội để kiếm sống: gia đình nghèo khó, phải từ bỏ giấc mơ theo học đại học và bắt đầu cuộc sống làm công nhân trong nhà máy, chuyển nhà trọ đến cả chục lần để thích ứng với công việc và chăm con, chồng mất và cũng chưa thể trở về quê hương, con đường mưu sinh thật gập ghềnh. Và rồi, cuộc sống của Dung bắt đầu có những sự thay đổi khi được tiếp cận với dự án “Tạo cơ hội việc làm bền vững và cộng đồng an toàn cho nữ thanh niên nhập cư tại Hà Nội". Chị được học nghề miễn phí và đang nỗ lực để mở một cửa hàng làm tóc của riêng mình trong tương lai.
Câu chuyện của chị Dung cũng là câu chuyện của hàng nghìn nữ thanh niên khác, đang tìm kiếm một cơ hội việc làm bền vững và nơi đến an toàn tại các thành phố, khu công nghiệp, trong đó có Hà Nội. Plan International Việt Nam cùng các đơn vị đối tác khởi xướng chiến dịch truyền thông “Chúng tôi cùng bạn tạo lên sự thay đổi” để cùng đồng hành với các bạn nữ thanh niên nhập cư, mong muốn được đồng hành để có được một cuộc sống an toàn hơn, việc làm bền vững hơn và một tương lai tươi sáng hơn.
Tổ chức Plan International là tổ chức quốc tế làm việc trên lĩnh vực quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái với mục đích xóa bỏ đói nghèo và vì sự phát triển toàn diện của các em. Tại Việt Nam, Plan International bắt đầu hoạt động từ năm 1993. Tính đến nay, Plan International Việt Nam đã và đang hỗ trợ cải thiện đời sống cho hơn 200,000 trẻ, các gia đình và cộng đồng trên 90 xã thuộc 9 tỉnh thành trên cả nước. Tại Việt Nam, Plan International hợp tác với cộng đồng địa phương, các tổ chức và cơ quan chính quyền các cấp. Trong 5 năm tới, từ 2017 đến 2021, Plan International Việt Nam tập trung hoạt động tại khu vực miền núi và cao nguyên bao gồm Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình, Quảng Trị, Kon Tum và các chương trình liên quan đến các vấn đề đô thị tại Hà Nội với mục tiêu “2 triệu trẻ em gái tại Việt Nam được học tập, lãnh đạo, quyết định và phát triển” |