Theo báo cáo của Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), trong quý 2/2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,…
Đáng chú ý, sự bùng phát nhanh, mạnh, khó kiểm soát hơn của dịch Covid-19 lần này đã làm tỷ lệ thiếu việc làm, thất nghiệp của lao động ở khu vực thành thị tăng cao hơn so với khu vực nông thôn. Có 21,9% lao động khu vực thành thị bị ảnh hưởng xấu, trong khi đó con số này ở nông thôn là 14,3%. Xu hướng này khác biệt với xu hướng thường thấy qua các năm trước, với tình trạng thiếu việc làm ở khu vực nông thôn thường cao hơn so với khu vực thành thị.
Tính riêng tại TP. HCM, trong 6 tháng đầu năm 2021, Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực thực hiện khảo sát 4.140 doanh nghiệp, với tổng số 332.301 người lao động. Kết quả, 125.277 người lao động bị mất việc, tạm nghỉ, giãn việc,…
Ngoài ra, theo các đợt thống kê hỗ trợ từ Sở LĐ-TB&XH TP. HCM, đến nay thành phố có gần 590.000 người lao động, lao động tự do, hộ kinh doanh trong diện hỗ trợ vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Bình Dương hiện có 50.000 doanh nghiệp với hơn 1,2 triệu lao động đến từ hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước. Do ảnh hưởng của dịch, số lượng lao động thất nghiệp đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trong quý 2/2021 là 28.364 người, tăng 15.938 người so với quý 1/2021. Lượng lao động thất nghiệp có sự gia tăng do đây là thời điểm lao động chuyển đổi công việc nhưng gặp phải tình hình dịch bệnh bùng phát trở lại, các doanh nghiệp tạm thời giảm số lượng tuyển dụng, lao động gặp khó khăn hơn trong việc tìm kiếm việc làm.
Người lao động phía Nam đa số là người miền Trung, Tây Nguyên và miền Tây. Thực tế hiện các tỉnh này cũng đang phát triển kinh tế mạnh mẽ, khu công nghiệp, doanh nghiệp sản xuất mọc lên nhiều, cần người lao động. Đặc biệt, sau khi đón người dân về quê, các địa phương đều khẳng định sẽ tạo điều kiện việc làm cho người lao động.
Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, sau khi người dân hoàn thành việc cách ly, ổn định lại đời sống, tỉnh sẽ đánh giá lại, xem nguyện vọng của người dân. Những người trong độ tuổi lao động, có các ngành nghề phù hợp có thể chuyển đổi được thì thực hiện việc chuyển đổi. Những ngành nghề nào có thể vào được các nhà máy, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, dịch vụ ở tỉnh phù hợp thì tỉnh sẽ xem xét làm việc với các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho người lao động vào làm việc. Hiện, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam đang yêu cầu các Phòng LĐ-TB&XH trên địa bàn nơi người dân đăng ký hộ khẩu thường trú tổng hợp danh sách, nhu cầu để Sở có phương án cuối cùng trong thời gian sớm nhất.
Tại Kỳ họp thứ hai, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, diễn ra chiều 12/8, các đại biểu của tỉnh Nghệ An cũng đề xuất phải tạo việc làm lâu dài cho người lao động hồi hương, đặc biệt là người dân miền núi. Được biết, theo đề án 5 năm tới, tỉnh Nghệ An sẽ tăng lao động nội tỉnh từ 37% lên 66%, giảm lao động ngoại tỉnh; xuất khẩu lao động giảm một phần, tăng cường giải quyết việc làm tại chỗ. Như vậy, tỉnh Nghệ An cũng đang chú trọng việc giữ chân người lao động ở lại quê hương.
Cùng với tạo việc làm, việc hỗ trợ cho người lao động cũng được các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
UBND TP.HCM đã quyết định hỗ trợ đợt 2 với tổng kinh phí hơn 900 tỷ đồng từ ngân sách. Các đối tượng được thụ hưởng gồm: Người lao động tự do, hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ lao động nghèo sống trong nhà trọ, khu lưu trú công nhân... được nhận 1,5 triệu đồng hoặc phần quà tương đương.
UBND tỉnh Bình Dương có văn bản yêu cầu giảm tiền nước cho toàn bộ người dân đang sử dụng nước sạch trên địa bàn trong tháng 8 và tháng 9/2021. Trước đó, tỉnh cũng triển khai gói hỗ trợ 260 tỷ đồng cho khoảng 500.000 công nhân nhà trọ ở lại Bình Dương trong thời gian giãn cách xã hội.Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cũng chi tiền hỗ trợ cho công nhân bị F0 1,5 triệu đồng/người, công nhân F1 là 1 triệu đồng/người và F2 là 500.000 đồng/người. Sở LĐ-TB&XH Bình Dương cũng chi tiền hỗ trợ cho 93.825 người theo Nghị quyết 68 của Chính phủ.
Còn tại Đồng Nai, Liên đoàn Lao động tỉnh đã triển khai chương trình "Nghĩa tình công đoàn" để hỗ trợ miễn phí thực phẩm thiết yếu cho công nhân trong các khu vực bị phong tỏa. Mỗi phòng một phần thực phẩm gồm 5 kg gạo, 1 thùng mì và thực phẩm.
Tại Hà Nội, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, đến cuối ngày 12/8, toàn thành phố đã có quyết định hỗ trợ an sinh xã hội cho 1,5 triệu người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với tổng số tiền hơn 174 tỷ đồng. Trong đó, đại đa số người có quyết định hỗ trợ đã nhận được kính phí.