Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tạo việc làm cho NKT – Còn nhiều nan giải

Đó là vấn đề chính được đặt ra tại Hội thảo Phục hồi chức năng nghề nghiệp cho người khuyết tật vừa được tổ chức tại TP. Ninh Bình do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp cùng tổ chức VNAH và một số đơn vị liên quan.

 

Toàn cảnh hội thảo Phục hồi chức năng nghề nghiêp cho NKT

Nhiều chính sách hòa nhập cuộc sống cho NKT

Theo thống kê, hiện nay, Việt Nam hiện có 7,5 triệu NKT do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó  có hơn nửa là những người đang trong độ tuổi lao động, trở thành gánh nặng cho bản thân và gia đình, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.  

các chuyên gia quốc tế và Việt Nam thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về CTXH đối với người khuyết tật

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến NKT thông qua việc không ngừng hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách trợ giúp họ hòa nhập cuộc sống và có thêm cơ hội phát triển khả năng của bản thân. Năm 2010, Quốc hội đã ban hành Luật Người Khuyết tật và cuối năm 2014 vừa qua đã chính thức phê duyệt tham gia Công ước quốc tế về NKT.

Hiện nay, xã hội Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực trong nhận thức, thái độ và hành động vì NKT. NKT không còn bị coi là gánh nặng của xã hội. Mọi vấn đề có liên quan đến NKT đang được xem xét dưới góc độ quyền con người, trong đó bao gồm các quyền bình đẳng, quyền được sống một cuộc sống đầy đủ và được tôn trọng phẩm giá. NKT cũng được tạo điều kiện thuận lợi, được hỗ trợ tham gia lao động, sản xuất, đóng góp cho sự phát triển xã hội theo khả năng và trình độ của mình.

NKT muốn được làm việc nhưng vẫn gặp khó khăn

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã thẳng thắn chỉ ra những thách thức đối với NKT và vấn đề phục hồi chức năng nghề nghiệp cho NKT. Mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng nghề nghiệp cho NKT còn lạc hậu; thiếu trang thiết bị y tế, phục hồi chức năng phù hợp cho họ; thiếu các dịch vụ trị liệu tâm lý, lao động trị liệu, phục hồi chức năng; mức chi hỗ trợ học nghề, tạo việc làm thấp; số lượng người khuyết tật được quản lý trường hợp, được tiếp cận các dịch vụ phục hồi chức năng nghề nghiệp còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu của người khuyết tật. Bên cạnh đó, việc tạo việc làm và thu nhập cho NKT còn nhiều rào cản. Hiện chỉ có khoảng 15% NKT còn khả năng lao động, có nhu cầu làm việc và tìm được việc, số còn lại gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là còn thiếu sự trợ giúp của cộng đồng.

Tiến sĩ Anna Scheyett Hiệu trưởng Trường Công tác xã hội – ĐH Nam Carolina (Hoa Kỳ) – người đã có nhiều đóng góp, giúp Việt Nam trong đào tạo nghề công tác xã hội nói chung và Phục hồi chức năng cho người khuyết tật nói riêng.

Thiếu các trung tâm hỗ trợ PHCN việc làm cho NKT

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm, hiện cả nước đã có 40 cơ sở đào tạo nghề CTXH nhưng chưa có trường nào đi sâu vào đào tạo cán bộ, giảng viên cho lĩnh vực phục hồi chức năng việc làm cho người khuyết tật. chúng ta chỉ đào tạo tư vấn một cách chung chung, cho mọi người. Hiện chúng ta còn thiếu các cơ sở, các trung tâm thực hiện việc hỗ trợ PHCN việc làm, mà chỉ có các trung tâm thiên về y tế, ở đó có các bác sĩ, nhân viên y tế, bệnh viện chỉnh hình chứ chúng ta không có các chuyên gia về mặt xã hội, thiếu hẳn và chưa có đào tạo sâu cho từng chuyên ngành và thậm chí là cho từng dạng khuyết tật, đó là những khoảng trống trong đào tạo. “Việc đào tạo của các trường tới đây phải bám sát yêu cầu thực tế. Ngoài việc coi trọng lý thuyết trong đào tạo, cần đặc biệt lưu ý vấn đề thực hành. Phải đảm bảo chất lượng tiêu chuẩn nhất định, đào tạo thành những cán bộ chuyên nghiệp. Các cán bộ kiểm định, đánh giá phải được quan tâm…” – Thứ trưởng Đàm nhấn mạnh.