Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tập huấn kiến thức về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho các nhà báo, phóng viên, biên tập viên


Toàn cảnh Hội nghị.
 
Hội nghị tập huấn là một trong các hoạt động thường niên, được BHXH Việt Nam tổ chức từ năm 2015 đến nay đã đạt được hiệu quả tích cực. Ngoài việc cập nhật những chính sách mới về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho đội ngũ nhà báo, phóng viên, biên tập viên chuyên trách thuộc các cơ quan thông tấn, báo chí, từ đó, tăng cường chất lượng các tác phẩm báo chí tuyên truyền về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; Hội nghị còn là một trong những diễn đàn để BHXH Việt Nam lắng nghe các ý kiến trao đổi, đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm của các nhà báo, phóng viên, biên tập viên trong công tác truyền thông chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và các hoạt động của Ngành. 
 

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh nhấn mạnh vai trò của các cơ quan thông tấn, báo chí đối với việc truyền thông các chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
 
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết: Thời gian qua, Ngành BHXH đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua những khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền lợi hợp pháp của người tham gia, hưởng chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Tính đến ngày 31/3/2019, số người tham gia BHXH bắt buộc là 14,6 triệu người; BHXH tự nguyện là 295 nghìn người; BH thất nghiệp là 12,78 triệu người; BHYT là 83,6 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 88,1% dân số. Trong 03 tháng đầu năm, đã có 44,4 triệu lượt người được hưởng các chế độ BHXH, BHYT. Trong đó có 2,7 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH và trên 41,7 triệu lượt người KCB BHYT.
 
Để đạt được những kết quả đó, bên cạnh sự nỗ lực phấn đấu của toàn Ngành, BHXH Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, cũng như sự ủng hộ, cộng đồng trách nhiệm của các cấp ủy và chính quyền địa phương và đặc biệt là sự phối hợp, đồng hành hết sức có hiệu quả của các cơ quan thông tấn, báo chí trên cả nước. Sự vào cuộc chủ động, tích cực của hệ thống báo chí đã góp phần quan trọng đưa chủ trương, chính sách, pháp luật BHXH, BHYT đến với doanh nghiệp, người dân và toàn xã hội. Đồng thời, từ thực tiễn hoạt động của mình, báo chí còn tích cực phản ánh nguyện vọng của nhân dân đến với Đảng, Nhà nước và Ngành BHXH, giúp cho quá trình xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. 
 
Năm 2018, đã có hơn 10.000 tin, bài về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp được thể hiện đa dạng dưới nhiều hình thức như phóng sự, tọa đàm, chính luận… trên tất cả các loại hình báo chí như phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử.
 

Ông Ngọ Duy Hiểu,  Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chia sẻ với các phóng viên, biên tập viên về những vấn đề nóng liên quan đến các chính sách BHXH BHYT, BH thất nghiệp.
 
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đang có rất nhiều vấn đề cần được các nhà báo, phóng viên quan tâm để tuyên truyền, định hướng, góp ý, tìm cách tháo gỡ và giải quyết. Đó là thực trạng trốn đóng, chậm đóng, chiếm đoạt BHXH của người lao động đang diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người lao động và sự bền vững của Quỹ BHXH. Bên cạnh đó là sự bất cập của hệ thống pháp luật liên quan đến quyền khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH của tổ chức công đoàn; việc các cơ quan tiến hành tố tụng chậm thụ lý, giải quyết các vụ việc liên quan đến hành vi trốn đóng, chậm đóng, chiếm đoạt BHXH…
 

Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ việc xử lý thông tin về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
 
Chia sẻ vai trò của báo chí trong việc truyền thông các chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp vì sự phát triển bền vững của chính sách an sinh xã hội, nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, trong những năm qua, BHXH, BHYT, BH thất nghiệp luôn là nguồn đề tài phong phú, đa dạng để báo chí khai thác và sáng tạo nhiều tác phẩm sinh động, từng bước nâng cao nhận thức, hiểu biết, chia sẻ và tạo sự đồng thuận của xã hội đối với các chính sách lớn về BHXH, BHYT nói chung, góp phần củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào hệ thống chính sách an sinh xã hội.
 
Theo nhà báo Hồ Quang Lợi, báo chí chính là một kênh tham mưu cho các nhà hoạch định chính sách, đóng góp quan trọng cho hệ thống chính sách, pháp luật BHXH, BHYT được vận hành một cách minh bạch, rõ ràng. Bên cạnh đó, báo chí trở thành “kênh” thông tin quan trọng trong việc phát hiện, cảnh tỉnh, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và phòng chống tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, quỹ BHYT, quỹ BH thất nghiệp thông qua hàng loạt các bài viết, phóng sự phản ánh về tình hình trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, lợi dụng quỹ khám, chữa bệnh BHYT, quỹ ốm đau, thai sản... Qua đó, giúp các cơ quan chức năng có thêm thông tin để xử lý kịp thời và mang lại hiệu ứng tích cực trong việc tổ chức, thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT; đồng thời, nâng cao uy tín, khẳng định vị thế của BHXH Việt Nam trong việc tổ chức thực hiện tốt các chính sách BHXH, BHYT, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, người lao động.
 
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh nhấn mạnh, năm 2019 được xác định là năm bản lề thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH; thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị và hướng tới kỷ niệm 25 năm ngày thành lập BHXH Việt Nam (ngày 16/02/1995-16/02/2020). Những nhiệm vụ đặt ra với việc hoàn thiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT cũng như công tác tổ chức thực hiện đòi hỏi chúng ta phải có định hướng tuyên truyền mới, đúng, trúng và hiệu quả. BHXH Việt Nam luôn mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành của các cơ quan thông tấn, báo chí, các nhà báo, phóng viên, biên tập viên để ngày càng có nhiều người dân hiểu đúng, hiểu sâu về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, từ đó chủ động tham gia BHXH, BHYT vì mục tiêu phát triển bền vững, xây dựng và hoàn thiện một hệ thống an sinh xã hội “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
 

Các nhà báo, phóng viên, biên tập viên tham dự Hội nghị.
 
Tại Hội nghị, các diễn giả đã lần lượt trình bày 05 chuyên đề: “Xử lý thông tin về BHXH, BHYT hướng tới phát triển chính sách bền vững” của Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; “Vai trò của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong việc bảo đảm quyền lợi cho NLĐ” của ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; “Những quy định mới về chính sách, pháp luật BHXH” của ông Điều Bá Được, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam; “Những quy định mới về chính sách, pháp luật BHYT” của ông Nguyễn Tất Thao, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam và chuyên đề “Ứng dụng CNTT trong các hoạt động nghiệp vụ của Ngành, hướng đến công khai, minh bạch, cải cách TTHC” của ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, BHXH Việt Nam.

 

Thanh Huyền/GĐ&TE