Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tập luyện, vận động gắng sức rất dễ gây ra tình trạng đột tử

Đột tử rất dễ xảy ra khi khi tập luyện, hoạt động gắng sức ở người trẻ, người có các bệnh nền mạn tính, nhất là bệnh lý về tim mạch. Bệnh ít dấu hiệu báo trước, khó phát hiện, do đó việc phòng ngừa rất quan trọng.

ThS. BS Phạm Xuân Hiếu, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Trưởng nhóm cấp cứu đột quỵ - Bệnh viện E cho biết: Bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp đột tử liên quan việc chơi thể thao (phần lớn ở người trẻ); do hoạt động gắng sức ở người lớn tuổi … Điều đáng nói là do hiểu biết của người dân về những sơ cứu ban đầu còn hạn chế nên những trường hợp này khi đưa vào bệnh viện đã qua thời gian vàng để cứu chữa.

Tập luyện, vận động gắng sức rất dễ gây ra tình trạng đột tử - Ảnh 1.

Bác sĩ Hiếu cho biết, đột tử do tập luyện, hoạt động gắng sức đa số liên quan đến vấn đề tim mạch. Có 3 nguyên nhân cơ bản gây đột tử:

Bệnh cơ tim: Bệnh phì đại cơ tim, chủ yếu là bệnh phì đại thất trái gây ra những rối loạn dẫn truyền trong tim. Thông thường khi hoạt động gắng sức, tim hoạt động mạnh gây ra hiện tượng rối loạn nhịp lên rung thất và ngừng tim. Theo nhiều nghiên cứu, người trẻ, vận động viên đột tử liên quan đến bệnh phì đại cơ tim, các triệu chứng không phát hiện ra từ trước.

Rối loạn dẫn truyền trong tim: Những cơn nhịp nhanh, đột nhiên cảm thất nhịp tim đập nhanh 150-200 nhịp/phút mà không để ý, cơn xảy ra rất nhanh và thoáng qua. Những người trên nền bệnh đó, nguy cơ chuyển từ nhanh thất sang rung thất và ngừng tim khi hoạt động gắng sức là rất dễ xảy ra.

Rối loạn dẫn truyền trong tim, tắc nghẽn dẫn truyền, block nhĩ thất cấp 3, những người hay bị choáng ngất… không để ý, không tầm soát thì cũng gây ra hiện tượng ngừng tim.

Đột tử do hoạt động, vận động gắng sức tiềm ẩn ở người trẻ đa số do bệnh tim mạch là chính. Từ tim mạch có thể tại tim gây ra ngừng tim, hay các rối loạn nhịp đó gây ra các bệnh lý khác như cục máu đông bắn lên phổi gây tắc mạch phổi, có thể gây đột tử ngay nếu tắc mạch lớn của phổi.

Bệnh mạch vành (mạch cung cấp máu cho tim): Đối với người trẻ khi hoạt động gắng sức hay cả với người cao tuổi tiền sử đã hẹp mạch vành do mảng xơ vữa hoặc do dị dạng từ trước mà không phát hiện ra, khi tim hoạt động mạnh, nhu cầu máu cơ tim lớn có thể làm tắc nghẽn mạch (nhồi máu cơ tim cấp) gây ra ngừng tim đột ngột.

BS. Phạm Xuân Hiếu cho biết, thông thường những đột tử do hoạt động, tập luyện gắng sức, đa số không có triệu chứng. Bệnh cơ tim phì đại do bất thường di truyền, diễn tiến rất âm thầm, đôi khi chỉ là choáng ngất. Những người có nhịp chậm dưới 50, 60 nhịp/phút (block nhĩ thất cấp 3), có những cơn ngất sau đó lại trở lại bình thường hoặc khi có cơn nhịp nhanh trên thất, đột nhiên thấy ứ trên cổ, nhịp tim đập rất nhanh trong một lúc khoảng 5-10 phút sau đó hít thở sâu nhịp lại trở lại bình thường.

Với những người lớn tuổi hơn hoặc những người có dị dạng mạch vành có thể có những cơn đau ngực hoặc khó thở nhẹ, đau ngực không ổn định.

Với những người trẻ tuổi, người có bệnh tim bẩm sinh, phì đại cơ tim… thì triệu chứng gợi ý hầu như không có. Rất khó để phát hiện được.

Phần lớn các bệnh tim mạch tiến triển âm thầm, đa số không triệu chứng cho đến khi gắng sức. Những vận động viên tập luyện quá sức, người lớn tuổi hoạt động gắng sức, hay sinh hoạt vợ chồng quá mức… cũng có thể gây rối loạn nhịp, dẫn đến hiện tượng nhanh thất, rung thất là đột tử ngay.

Theo BS. Hiếu, để phòng tránh đột tử, phải tầm soát sớm. Với bệnh tim bẩm sinh tầm soát sớm trong bào thai, nhỏ tuổi siêu âm tim để phát hiện. Các bệnh lý về tim đang trẻ hóa, do đó những người trên 35 tuổi nên kiểm tra tim mạch thường xuyên để phát hiện sớm các nguy cơ tiềm ẩn gây các bệnh lý về tim mạch.

Chuyên gia tim mạch khuyến cáo, những vận động viên tập luyện cường độ cao phải kiểm tra sức khỏe thường xuyên, đánh giá chức năng tim tốt… bởi rất nhiều các trường hợp cầu thủ bóng đá, vận động viên điền kinh đã bị đột tử khi đang tập luyện, thi đấu… Đột tử ở những vận động viên tập luyện cường độ cao còn liên quan đến sử dụng chất dopping. Với những người bình thường cần tập luyện phù hợp với lứa tuổi, sức khỏe, lắng nghe cơ thể mình trong quá trình tập luyện, trong ăn uống, sinh hoạt hàng ngày. Và đặc biệt không sử dụng chất kích thích trước khi tập luyện, hoặc khi đã uống bia rượu thì không nên tập thể dục, thể thao, bởi các chất kích thích làm tăng nguy cơ rối loạn dẫn truyền rất nguy hiểm.

Trong quá trình tập luyện cần bù nước, điện giải tốt bởi vì nhiều tường hợp đột tử cũng liên quan đến rối loạn điện giải, kali giảm hoặc tăng quá mức. Kali giảm gây yếu cơ, người mệt oải do mất mồ hôi, điện giải, nếu giảm quá mức thì nguy cơ ngừng tim cao. Những người có tiền sử bệnh suy thận mạn nếu ăn quá nhiều đồ ngọt, socola, chuối… dẫn đến tăng kali cũng có thể gây ngừng tim.

Sau khi tập luyện xong phải nghỉ ngơi, rồi mới tắm. Nên tắm nước ấm, không nên tắm nước lạnh ngay bởi có thể gây ra hiện tượng mạch đang giãn ra đột nhiên co thắt lại, nhất là ở những người lớn tuổi rất nguy hiểm.

Khi đang tập luyện ngoài môi trường nhiệt độ cao cũng không nên vào luôn phòng điều hòa với nhiệt độ thấp 20-21oC bởi có thể gây nguy cơ co thắt với những người lớn tuổi, khả năng thích nghi với sự thay đổi kém.