* Hiện nay, việc triển khai Luật ATVSLĐ như thế nào, thưa ông?
- Sau khi Luật ATVSLĐ được ban hành, Bộ LĐ-TB&XH được Thủ tướng Chính phủ giao xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các điều quy định trong Luật. Đến nay, Bộ đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiến hành xây dựng 3 dự thảo của 3 Nghị định (Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật ATVSLĐ; Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều về bảo hiểm TNLĐ, BNN bắt buộc; Nghị định quy định hoạt động kiểm định kỹ thuật ATLĐ, huấn luyện ATVSLĐ và quan trắc môi trường lao động) và một Quyết định của Thủ tướng về việc thành lập Hội đồng Quốc gia ATVSLĐ và Hội đồng ATVSLĐ cấp tỉnh. Còn dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm TNLĐ theo hình thức tự nguyện sẽ được xây dựng và trình trong giai đoạn từ nay đến năm 2018. Cùng với việc triển khai xây dựng văn bản, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức các khóa tập huấn, hội nghị phổ biến, triển khai để sớm đưa Luật ATVSLĐ vào cuộc sống...
Ông Nguyễn Anh Thơ.
* Quá trình triển khai Luật có những thuận lợi, khó khăn gì, thưa ông?
- Luật ATVSLĐ ban hành, được các Hiệp hội doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài, các tổ chức quốc tế quan tâm việc phổ biến, triển khai Luật. Rất nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm hiểu Luật ATVSLĐ trong quá trình thực thi sắp tới sẽ có những điều chỉnh, thay đổi như thế nào để kịp thời thực hiện, đáp ứng được các yêu cầu đề ra. Bên cạnh thuận lợi, hiện việc triển khai Luật cũng gặp một số khó khăn như: Hệ thống văn bản hướng dẫn rất nhiều, trong đó phải đảm bảo tính thống nhất giữa các văn bản luật có liên quan. Bên cạnh đó, có nhiều cơ quan, ban, ngành cùng tham gia xây dựng Luật, do đó cần phải phân công rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành trong việc xây dựng các thông tư, văn bản hướng dẫn thi hành...
Đối tượng và phạm vi điều chỉnh của Luật ATVSLĐ mở rộng đến các khu vực không có quan hệ lao động - hiện số lượng lao động chiếm tới 35 triệu người.
Do vậy, đối với khu vực không có quan hệ lao động, cần lựa chọn những hoạt động ưu tiên để hỗ trợ và đầu tư, cũng như phải xây dựng chính sách để các đối tượng có thể thụ hưởng các quy định trong Luật đề ra. Đây là những vấn đề không thể giải quyết ngay, mà cần có lộ trình. Ví dụ: Vấn đề bảo hiểm TNLĐ, BNN cần có lộ trình đến năm 2018, cũng như các quy định về linh hoạt trong quá trình đóng, hưởng, tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN đều phải nghiên cứu kỹ, mới có thể đưa ra những chính sách đảm bảo tính thực thi, hiệu quả khi áp dụng vào cuộc sống...
* Vậy, các quy định về Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN như thế nào, thưa ông?
-Trong Luật ATVSLĐ, tất cả các điều khoản quy định về bảo hiểm TNLĐ, BNN đều được chuyển từ Luật Bảo hiểm xã hội sang, đặc biệt chú trọng đến việc chi hỗ trợ từ Quỹ này cho các hoạt động phòng ngừa TNLĐ, BNN. Với mức chi phí 10% từ việc khám, chữa bệnh nghề nghiệp, công tác huấn luyện an toàn, việc đào tạo, chuyển đổi nghề cho những người bị TNLĐ, BNN sau khi phục hồi chức năng... Hiện tại, những chính sách này đang được triển khai xây dựng với tinh thần khẩn trương, sát thực tiễn...
Huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động tại KCN Nội Bài.
Đối với khu vực không có quan hệ lao động, lao động hoạt động trong khu vực này đã được tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm TNLĐ, chính sách được triển khai từ lâu. Tuy nhiên, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, số lao động tham gia còn rất hạn chế. Việc khuyến khích lao động tham gia các loại hình bảo hiểm, có sự chia sẻ trách nhiệm từ Nhà nước cũng được chú trọng, đang được tính toán theo lộ trình quy định mốc vào năm 2018. Đến thời điểm đó, Bộ LĐ-TB&XH và các bộ, ngành liên quan sẽ hoàn thiện các chính sách theo hướng phù hợp nhất.
* Hiện nay, việc vi phạm pháp luật về ATVSLĐ vẫn rất phổ biến.Vậy, Luật khi vào cuộc sống, các chế tài có đủ sức răn đe?
- Hiện nay, hệ thống văn bản hướng dẫn, các nghị định, thông tư quy định về xử phạt hành chính, phạt tiền, khen thưởng, kỷ luật đảm bảo ATVSLĐ... đã tương đối đầy đủ. Bên cạnh đó, trong Luật ATVSLĐ cũng quy định các hành vi nghiêm cấm từ việc tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn, các nội quy, quy trình đến báo cáo tham gia vào quá trình khắc phục sự cố, việc cung cấp dịch vụ huấn luyện, kiểm định, quan trắc môi trường... Sắp tới, quá trình sửa đổi, bổ sung các nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động và ATVSLĐ sẽ tiếp tục bổ sung nhiều hành vi, đề xuất những hình thức xử lý nghiêm khắc hơn. Thực hiện Luật ATVSLĐ, ngoài lực lượng thanh tra lao động, còn bổ sung thêm thanh tra chuyên ngành, lực lượng này sẽ cùng với thanh tra lao động hiện có tăng cường hoạt động thanh, kiểm tra và xử lý các vi phạm ATVSLĐ.
Với hệ thống văn bản chặt chẽ cùng với tổ chức bộ máy hoàn chỉnh, hy vọng trong thời gian tới các vi phạm về ATVSLĐ sẽ giảm và được kiểm soát tốt hơn...
* Cảm ơn ông!