Thông tin trên Vietnamplus cho biết, sáng 30/11, Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh thông tin chiếc tàu Nordana Sophie, số hiệu HSCP2, có trọng tải 8.976 tấn (quốc tịch Thái Lan) gặp nạn trên khu vực Cảng Sơn Dương (Hà Tĩnh) vào sáng 28/11 hiện đã bị chìm hẳn và có hiện tượng tràn dầu ra vùng biển của xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh.
Trước tình hình trên các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh, yêu cầu các địa phương có hiện tượng dầu tràn ra biển khẩn trương thu gom số lượng dầu tràn dạt lên bờ biển để đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường.
Đối với việc xử lý lượng dầu lớn còn nằm trong tàu, các đơn vị chức năng sẽ tổ chức dùng các phao quây dầu đặt tại khu vực tàu Nordana Sophie bị chìm, sau đó sẽ cử một số thợ lặn vào trong tàu lắp các ống dẫn, sử dụng máy bơm công suất lớn đưa số lượng dầu còn lại trên tàu ra các xà lan chứa dầu.
Liên quan đến sự cố tàu Nordana Sophie, số hiệu HSCP2 bị chìm, ngày 29/11, Đoàn công tác của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cũng đã vào tỉnh Hà Tĩnh làm việc với đơn vị và địa phương liên quan để đưa ra các giải pháp xử lý sự cố tràn dầu, đồng thời trục vớt tàu Nordana Sophie trong thời gian sớm nhất.
Trao đổi với báo Tiền Phong, ông Phan Duy Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND TX. Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cho biết, đến 16h ngày 29/11, chiếc tàu chở hàng xảy ra sự cố ở cảng Sơn Dương đã bị chìm dưới biển. Hiện lực lượng chức năng đang lên phương án trục vớt con tàu, đồng thời triển khai biện pháp phòng tránh dầu tràn ra biển.
Ông Vĩnh cũng cho hay, hiện có khoảng 3km bờ biển trải dài ở xã Kỳ Lợi có các vệt đen đóng cặn, đây được xác định là do sự cố tràn dầu trong vụ tàu chở hàng bị chìm. Trong sáng nay, lực lượng chức năng đã huy động khoảng 150 người gồm cán bộ biên phòng, chính quyền địa phương, đoàn thanh niên… tổ chức thu gom những vệt cặn dầu loang trải dài trên bờ biển.
“Hiện tại không thể đánh giá việc có gây ảnh hưởng đến môi trường, kinh doanh của các hộ dân hay không. Sở TN&MT tỉnh đang kiểm tra. Trước mắt địa phương huy động thu gom số lượng vệt cặn dầu, ngoài ra thông báo tới các hộ dân nuôi thủy sản đóng các cống lại, không lấy nước biển vào các hồ nuôi để tránh ảnh hưởng, đồng thời kéo bè vào vùng sâu trong đất liền”, ông Vĩnh cho hay.