Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tất cả các huyện đã tiếp cận điện lưới quốc gia

Hội Điện lực Việt Nam cho biết, sau 15 năm thực hiện điện khí hóa nông thôn giai đoạn 1998 – 2013, cả nước đã có 100% số huyện, 99,8% số xã, 97,94% số hộ dân (24,06/24,4 triệu người) nông thôn đã tiếp cận điện lưới quốc gia.

 

Theo ông Lê Nhân Vĩnh, Trưởng Ban tổ chức Hội Điện lực Việt Nam, trong hai năm 2014 - 2015, hàng nghìn hộ dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo đã được sử dụng điện, dù chi phí đầu tư kéo điện lên tới vài chục triệu đồng/hộ. Ngoài ra, Chính phủ còn nhiều chính sách như hỗ trợ tiền cho 30 kWh đầu tiên cho hộ nghèo, gia đình chính sách, giá bán điện bậc 1 bằng 75% chi phí giá thành; giá điện cho nông nghiệp bằng 50% chi phí sản xuất điện... hay áp chung một biểu giá điện thống nhất trên toàn quốc.

Quyết định 2081/QĐ-TTg ngày 8/11/2013 của Chính phủ nêu rõ: Giai đoạn 2015 - 2020 sẽ cung cấp điện cho 57 xã, 12.140 thôn, bản và 1.288.900 hộ gia đình sinh sống tại các bản, làng cực kỳ khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi và hải đảo từ lưới điện quốc gia, năng lượng tái tạo và nguồn khác. Đây là thách thức không nhỏ và áp lực lớn về tài chính của Việt Nam. Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, đi đôi với số lượng cần phải đặt ra vấn đề chất lượng của điện khí hóa. Do đó, cần huy động các nguồn lực ngoài nhà nước phục vụ công tác nghiên cứu, đầu tư về năng lượng cho các hộ dân còn lại, giảm áp lực cho Chính phủ. Đối với những hộ dân chưa được cấp điện, cần nghiên cứu các giải pháp tại chỗ như thủy điện nhỏ, sinh khối, biogas, điện gió, điện mặt trời...để tránh lãnh phí nguồn lực và tính hiệu quả kinh tế của dự án.

Ông Hoàng Thành, cán bộ Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) cho rằng, Việt Nam cần tận dụng sự hỗ trợ từ các chính phủ, tổ chức phi chính phủ trong vấn đề phát triển năng lượng xanh, bền vững, trong đó có điện cho vùng nông thôn. Đơn cử, chương trình hỗ trợ đối tác 3 bên của EU tại Việt Nam với số tiền khoảng 400 triệu Euro khởi động từ năm 2015 sẽ giúp Chính phủ xây dựng bản đồ, chính sách và các tiêu chí, nhóm đối tác về năng lượng... Việc xây dựng hạ tầng điện đã giúp người dân các địa phương thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục; từng bước xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần bảo đảm an ninh trật tự - xã hội; bảo vệ chủ quyền đất nước.