Như Thanh Niên đã thông tin, tàu cá Sang Fish 01 chuyên hành nghề lưới vây rút chì kiêm dịch vụ hậu cần.
Ngư dân Lê Văn Sang và anh vợ là ngư dân Phan Bé (ngụ huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) góp vốn 4 tỉ đồng, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC) ứng vốn 7 tỉ đồng theo chương trình thí điểm đóng tàu vỏ thép cho ngư dân của Chính phủ.
SBIC cho ngư dân trả dần trong 6 - 7 năm không lãi suất, sau đó bàn giao tàu cho ngư dân làm chủ.
Hệ thống tời, lưới kéo thiết kế không hiệu quả khiến tời liên tục bị đứt - Ảnh: Nguyễn Tú |
Thế nhưng, theo ngư dân Sang, ban đầu thử nghiệm tàu tiết kiệm 25% nhiên liệu so với tàu gỗ cùng công suất, kích thước.
“Tuy nhiên, thời điểm bàn giao vào mùa hè, tàu chạy bình thường, nhưng vào mùa đông, gió cấp 6 - 7 là tàu lắc qua lắc lại ghê lắm, không “đầm” như tàu gỗ thông thường, lắc đến nỗi anh em không ngủ được thì làm sao mà đánh bắt hiệu quả”, anh Sang than thở.
“Tuy nhiên, thời điểm bàn giao vào mùa hè, tàu chạy bình thường, nhưng vào mùa đông, gió cấp 6 - 7 là tàu lắc qua lắc lại ghê lắm, không “đầm” như tàu gỗ thông thường, lắc đến nỗi anh em không ngủ được thì làm sao mà đánh bắt hiệu quả”, anh Sang than thở.
Theo ngư dân Sang, tàu đóng đáy khá nhỏ, điều này giúp tàu lướt sóng, chạy nhanh như tàu cảnh sát biển, nhưng cũng vì đáy không “bằng” nên không “đầm”, mà nguyên nhân chính là ngư dân không được tham gia vào khâu thiết kế.
“Tàu lắp máy cũ, ban đầu tàu chạy được tốc độ 12 hải lý/giờ, nhưng nay bị mất tải, chỉ còn chạy được 5 hải lý/giờ, hiện thì đang bị hư luôn máy chính”, anh Sang nói.
|
Theo hồ sơ, đây là tàu mẫu đánh cá lưới vây số 2, mẫu tàu V013 của SBIC, ngư dân Sang cho hay trước đó cũng chưa có kinh nghiệm vận hành tàu vỏ thép nên nếu muốn góp ý vào thời điểm đóng tàu cũng không được.
Do đó, từ khi nhận tàu vào tháng 7/2014 đến nay, ngư dân Sang, Bé đi được 10 chuyến biển, trong đó 6 chuyến hiệu quả thu về 2,2 tỉ đồng, lãi hơn 700 triệu đồng.
Tuy nhiên, tàu Sang Fish 01 bị sự cố 4 chuyến, gồm 2 lần hư tời đều do nhà máy thiết kế tời yếu, 2 lần mất tải máy chính, chi phí sửa chữa hơn 900 triệu đồng.
Trong đó, nặng nhất là chuyến biển đầu tiên bị hư tời mất giàn lưới mới cứng, thiệt hại hơn 500 triệu đồng.
“Chưa kể mỗi chuyến biển thất bại, dù không đánh bắt được gì, lỗ tiền nhu yếu phẩm trang bị cho chuyến biển, nhưng mình vẫn phải chi cho 20 bạn chài 5 triệu đồng/người, gọi là cho có tiền họ đưa về cho vợ con, như vậy họ mới gắn bó với mình”, ngư dân Sang kể.
Do đó, mới đây, Sang với anh Bé đã quyết định vào Nha Trang đàm phán để trả tàu, số tiền 4 tỉ đồng dự kiến góp vốn trước đó, Sang và anh Bé chỉ mới đặt cọc 100 triệu đồng, gia đình chấp nhận mất tiền cọc này và đã được chấp nhận.
Riêng ngư lưới cụ, giàn đèn, máy tầm ngư hiện đại, quét đường kính 2 hải lý, sâu 1.000 mét tìm luồng cá… trị giá gần 4 tỉ đồng mà gia đình Sang mua sắm thêm sau khi nhận tàu thì gia đình Sang được thu hồi lại để sử dụng cho tàu khác.
Đối với số phận tàu cá vỏ thép đầu tiên của ngư dân Đà Nẵng Sang Fish 01 mang tên chính mình, Sang tiếc nuối cho hay sau khi trả về nhà máy, con tàu rất khó được cải tạo vì không thể rã hết tàu ra đóng lại, hoặc chỉ có thể làm tàu chở dầu.
“Đây không chỉ là bài học xương máu cho chính mình mà còn cho nhiều ngư dân khác, do kinh nghiệm đóng tàu cá vỏ thép còn ít, nên ngư dân cần tham khảo nhiều nguồn, tham gia vào thiết kế, hợp đồng rõ ràng và có bảo hành khi có sự cố, từ bài học này, mình cũng đã vay được 20 tỉ đồng từ vốn Nghị định 67 và đang đóng tàu dịch vụ hậu cần kiêm lưới vây tại Nhà máy cơ khí thủy sản TP.Hồ Chí Minh rút kinh nghiệm đóng sao cho tàu không lắc, mặt boong phù hợp, sử dụng máy mới của Mỹ, tời kéo nghiêm chỉnh, đúng theo ngư lưới cụ của mình, dự kiến tháng 6 này hạ thủy”, ngư dân Sang bày tỏ.