Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tây Nguyên - Những ngày giải phóng miền Nam

Chiến thắng Buôn Ma Thuột năm 1975 là đòn quyết của quân ta trong chiến Dịch Tây Nguyên. Quân và dân Tây Nguyên đã sống trong khí thế sôi sục chiến đấu và chiến thắng, dồn sức tấn công giải phóng Tây Nguyên, tạo ra bước ngoặt quan trọng, từ thế phòng ngự chuyển sang cuộc tổng tiến công giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trận địa pháo của địch ở Buôn Ma Thuật  bị quân ta tấn công tiêu diệt hoàn toàn.

Trở lại Tây Nguyên lần này, chúng tôi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của vùng đất Tây Nguyên. Tháng 4 lại về, trải dọc các tỉnh Tây Nguyên vàng rực màu hoa cúc quỳ, những lô cao su trải dài tít tắp. Thật thú vị khi ngay tại địa danh diễn ra chiến dịch Tây Nguyên lịch sử xưa kia, chúng tôi đã được gặp các vị lão thành cách mạng và nghe họ kể lại không khí sôi sục ở chiến trường Tây Nguyên những ngày giải phóng Miền Nam.

 Tại căn nhà nhỏ ở phường Thành Nhất (TP. Buôn Ma Thuột), chúng tôi được Thiếu tá Trần Duy Nai kể lại những ngày tháng hào hùng của chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột: “Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Buôn Ma Thuột là trận đánh lớn nhất ở khu vực Tây Nguyên. Vì thế, mọi công tác chuẩn bị cho trận đánh này đều hết sức bí mật. Ngay cả đối với bản thân tôi là Chỉ huy trưởng Cơ quan Quân sự thị xã Buôn Ma Thuột lúc bấy giờ cũng không hay biết gì. Ngày 8/3/1975, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Văn Cần trực tiếp điện hỏa tốc, yêu cầu tôi triển khai lực lượng vũ trang địa phương thực hiện một số kế hoạch trong công tác phát động quần chúng nhân dân ở khu vực nội thị (lúc đó chế độ ngụy quyền kiểm soát), đồng thời lập kế hoạch làm công tác dẫn đường, tham mưu khi lực lượng bộ đội chủ lực tấn công vào Buôn Ma Thuột. Đến thời điểm này tôi mới biết đây là một chiến dịch lớn, còn mức độ và quy mô như thế nào thì chưa rõ. Khi lực lượng quân giải phóng tấn công vào Buôn Ma Thuột thì mọi kế hoạch đã được lập chặt chẽ từ trước, các khu căn cứ, khu vực canh gác cũng như mọi động thái của địch đều được quân ta nắm bắt và triển khai các phương án tấn công”.

Cựu chiến binh Y Luyện, nguyên Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk.

Vẫn theo lời Thiếu tá Trần Duy Nai, đến ngày 10/3/1975, tất cả các ngả đường dẫn vào Buôn Ma Thuột đều được bộ đội giải phóng án ngữ. Những khu rừng bạt ngàn ngay sát thị xã bỗng chốc biến thành đường hành quân của bộ đội ta với đông đảo lực lượng bộ binh, đặc công và đoàn xe tăng - thiết giáp, pháo cỡ lớn từ 105-155 mm tấn công vào nội thị Buôn Ma Thuột, khiến lực lượng ngụy quân ngụy quyền bất ngờ không kịp trở tay. Với vai trò là “người dẫn đường”, Thị đội Buôn Ma Thuột đã làm tròn trách nhiệm phối hợp với các cánh quân của bộ đội chủ lực tấn công, xóa sổ nhiều căn cứ, cứ điểm và cơ quan đầu não của địch. Trong ba ngày, từ ngày 10 đến 12-3/3/1975, quân giải phóng đã chiếm được cao điểm Chi Dê, làm chủ kho đạn Mai Hắc Đế, đánh vào sở chỉ huy Sư đoàn 23 của ngụy quân Sài Gòn, bắt sống Đại tá Luật (Tỉnh trưởng tỉnh Đắk Lăk), Đại tá Quang (Sư trưởng Sư đoàn 23) và giải phóng Buôn Ma Thuột. Khi chiếm đánh Buôn Ma Thuột, tất cả ngụy quân đều hoảng loạn, phần lớn đã tháo chạy vào rừng và lẩn trốn trong các thôn, buôn của người dân. Sau chiến thắng Buôn Ma Thuật, quân dân tây nguyên đã nổi dậy giải phóng tất cả các tỉnh: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng, đồng thời truy kich địch trên khắp các mặt trận ở vùng Duyên Hải miền Trung.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan bên lá cờ Tổ quốc do chính tay bà may trong chiến dịch Tây Nguyên.

Ông Y Luyện từ nhỏ đi theo bộ đội cụ Hồ, tham gia lực lượng vũ trang và chiến đấu trên địa bàn huyện Buôn Hồ, nguyên Bí Thư Tỉnh Uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk bồi hồi khi nói về chiến dịch Tây Nguyên: “Xác định được Tây Nguyên là mắt xích rất quan trọng để phát động Tổng tiến công, nên Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã chọn Buôn Ma Thuột là vị trí chiến lược nằm ở trung tâm Tây Nguyên. Giải phóng được Buôn Ma Thuột là có thể giải phóng được Tây Nguyên. Trong cuộc chiến, ai nắm được Tây Nguyên là nắm được lợi thế lớn trong chiến trường miền Nam. Tháng 3/1975, chúng ta đánh nghi binh ở khắp nơi trên cao nguyên này, địch không biết phải phòng thủ và tập trung ở đâu, chúng tưởng quân ta đánh ở tỉnh Gia Lai - Kon Tum lúc bấy giờ nên đã kéo quân ở Buôn Ma Thuột về chi viện. Sau đó, ta dùng lực lượng vũ trang, xe tăng, pháo binh, súng cối các loại đánh "rát" vào các điểm trọng yếu của ngụy quân làm cho địch hoang mang, dao động, rồi chúng tan vỡ, cùng lúc đó, dân ta đứng lên giành chính quyền từ tay địch... Đây là cuộc chiến rất ác liệt và tàn khốc, một mất một còn nên khi ra trận, không ai nghĩ mình sống sót mà quay trở về, nhưng với sự chỉ đạo khôn khéo, am hiểu chiến lược và địa bàn của Đảng, bộ đội ta đã hạn chế được tối đa tổn thất”.

Trung tâm TP. Buôn Ma Thuột hôm nay.

Nguyên là chính trị viên Huyện đội H5 (gồm các huyện Cư M’gar, Buôn Đôn và Ea Súp, thuộc tỉnh Đăk Lăk), Đại tá Nguyễn Du (sinh 1930) tại xã Tam Phước, nay đã 85 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn. Nói về chiến dịch Tây Nguyên, giọng ông hào sảng: “Đầu năm 1975, lúc quân chủ lực đã tập trung về xung quanh TP. Buôn Ma Thuột, với nhiệm vụ đánh lạc hướng quân địch, khi Trung đoàn 53 của địch đi càn để tìm kiếm dấu vết của ta, chỉ với 1 đại đội, chúng tôi đã chỉ huy chống càn theo kiểu đánh du kích, nhằm làm cho địch tưởng rằng quân chủ lực không còn ở đây, từ đó bảo đảm tính bí mật của chiến dịch. Khoảng 2 giờ sáng ngày 10/3/1975, khi Buôn Ma Thuột bắt đầu nổ súng, ngay lập tức, tôi và đồng đội cũng được lệnh tiến quân giải phóng Quảng Phú, nay là xã Quảng Tiến và Quảng Phú, huyện Cư M’gar, tỉnh Đăk Lăk”.

Không trực tiếp chiến đấu tại chiến trường, nhưng bà Nguyễn Thị Ngọc Lan ở xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước (Bình Định) lại là mắt xích quan trọng trong hậu phương lớn. Ngày đó, bà công tác tại tổ may quân trang cho bộ đội ở huyện H4 (nay thuộc huyện Krông Buk, tỉnh Đăk Lăk). Đầu tháng 2/1975, bà cùng các chị em trong tổ may nhận được mệnh lệnh về việc khẩn cấp may cờ đỏ sao vàng. “Dù khi đó mọi người chưa biết là sẽ có chiến dịch lớn diễn ra trên địa bàn, nhưng chúng tôi vẫn chấp hành lệnh cấp trên để may cờ, đêm đến cũng thắp đèn dầu để làm việc, cứ tầm từ 3 đến 4 ngày thì được khoảng 100 lá cờ, làm được bao nhiêu thì lại có người trong đội công tác đến và mang đi, ai cũng thắc mắc nhưng không ai tưởng tượng được là chính tay mình đang may những lá cờ trong trận đánh quyết định giải phóng Buôn Ma Thuột”, bà Lan kể.

Đèo Phượng Hoàng- nơi địch rút chạy khỏi Buôn Ma Thuột về các tỉnh miền Trung.

Thế rồi, bà Lan và nhiều đồng đội khác vẫn còn giữ nguyên ký ức về những ngày giải phóng Buôn ma Thuột. Giọng xúc động, bà Lan nhỏ nhẹ kể về sự kiện như mới diễn ra hôm qua: “Tôi nhớ đó là đêm 10/3, khi nghe tin qua radio về chiến thắng Buôn Ma Thuột, mọi người không ai bảo ai mà nước mắt cứ tuôn chảy. Hạnh phúc trào dâng khi biết rằng mình đã trực tiếp đóng góp công sức cho chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, song các chị em trong tổ may vẫn nhắc nhau cảnh giác, bảo vệ kho lương thực, thực phẩm. Và, chỉ đến ngày 15/3, khi được lệnh cấp trên về tiếp quản huyện Krông Buk (Đăk Lăk), chúng tôi mới òa vỡ niềm vui chiến thắng, lòng đầy tự hào khi chứng kiến những lá cờ mình may trong bấy lâu giờ đang tung bay trong ngày giải phóng Tây Nguyên”.

Chiến thắng Tây Nguyên năm 1975, đòn then chốt quyết định mở đầu đã tạo thế cho chiến dịch Huế, chiến dịch Đà Nẵng và chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước…