Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tây Nguyên: Nổi lo cà phê được giá mất mùa

Tây Nguyên, thủ phủ cà phê đang vào mùa thu hoạch. Năm nay liên tiếp đây là niên vụ thứ 4 cây trồng này mất mùa, đồng thời nạn đạo chích lại hoành hành khi giá cà phê đầu mùa tăng hơn so cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên cũng có nơi chăm sóc đúng quy trình, kỹ thuật hợp khí hậu, thổ nhưỡng cho một mùa bội thu.

Nhộn nhịp vào mùa

Công ty TNHH MTV Cà phê 15 (xã Cư Dliê M’nông, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk) là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong xây dựng thương hiệu cà phê Việt Nam. Nhờ chăm sóc đúng quy trình, kỹ thuật, áp dụng nhiều biện pháp kéo dài chu kỳ kinh doanh của vườn cây nên năng suất cà phê của công ty luôn thuộc tốp dẫn đầu vùng Tây Nguyên. Chúng tôi đến công ty vào sáng sớm đã nghe loa phóng thanh điểm tin thu hoạch của tổ đội hôm qua, phát thông báo biểu dương của chỉ huy công ty đối với các công nhân có vườn cây cho năng suất cao. Vào mùa thu hoạch, công ty vắng hoe, hỏi ra mới biết lãnh đạo và cán bộ các phòng, ban đều xuống cơ sở, các đội sản xuất theo dõi, chỉ đạo đôn đốc thu hái cà phê. Không khí thu hoạch rộn ràng, hàng ngàn công nhân vui vẻ, hào hứng vào lô. Tất cả như chạy đua với thời gian, hứa hẹn một vụ mùa bội thu.

Theo Đại tá Phạm Xuân Thảnh, Giám đốc công ty Cà phê 15: Giá cà phê đang có chiều hướng tăng, dao động trên dưới 9.000 đồng/kg quả tươi và 45.000 đồng/kg cà phê nhân. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho ngành sản xuất cà phê Việt Nam nói chung và toàn thể cán bộ, công nhân lao động công ty Cà phê 15 nói riêng. Niên vụ 2016 toàn công ty có hơn 753 ha cà phê đang trong giai đoạn sản xuất kinh doanh với tổng sản lượng dự kiến đạt hơn 9.700 tấn quả tươi. Công ty đã chuẩn bị gần 10 ha sân phơi, sửa chữa, bảo dưỡng toàn bộ dây chuyền chế biến đồng thời bố trí lực lượng bảo vệ sản phẩm, tránh thất thoát và nhất là bảo đảm cho sự sinh trưởng của vườn cây vụ sau.

Công nhân Công ty cà phê 15 thu hoạch cà phê

 Niềm vui từ giá cà phê

 Tín hiệu cà phê tăng giá trở lại đã giúp nhiều hộ gia đình gắn bó với cây cà phê thêm vững tin và mạnh dạn đầu tư vốn để duy trì, chăm bón tốt cho vườn cây trong thời gian tới. Hiện giá cà phê tươi dao động trong khoảng 8.000 - 9.500 đồng/kg, cà phê nhân 42.000 - 45.000 đồng/kg, cao hơn khoảng 5.000 - 8.000 đồng/kg so với thời điểm này năm trước. Theo người dân, thông thường giá đầu vụ thấp, giữa đến cuối vụ mới tăng nhưng năm nay mới chớm thu hoạch đã tăng cao nên người dân thu hoạch đến đâu bán ngay đến đó, tránh tình trạng rớt giá về sau. Có hơn 5 sào cà phê trúng mùa, anh Nguyễn Kim Tuấn (xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột) hào hứng: Năm trước, cà phê tươi chỉ 7.000/kg, nhân 33.000 - 34.000/kg nhưng năm nay lên đến 9.200/kg cà tươi, 45.000/kg cà phê nhân. Gắn bó với nó đã nhiều năm nhưng chưa năm nào tôi thấy giá cao như năm nay. Tôi đã hái một đợt và bán ngay vì được giá. Dù diện tích và năng suất đều giảm 30 - 40% do hạn hán khốc liệt nhưng gia đình bà Nguyễn Thị Nga (xã Ea Kao, Tp Buôn Ma Thuột) vẫn cảm thấy may mắn: Nhà tôi có 1,4 ha cà phê, nếu giá như mấy năm trước chắc chắn lỗ nặng, may mà giá tăng nên vẫn có lời.

Gia đình ông Nguyễn Văn Vĩnh (xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) có hơn một ha cà phê chè, hiện đang hái quả chín đầu mùa. Ông Vĩnh vui mừng cho biết: Sau mấy mùa cà phê rớt giá, năm nay tăng cao chúng tôi mừng lắm. Mấy năm trước, thu hoạch xong chỉ đủ tiền trả cho công nhân, còn tiền phân, tiền thuê người làm cỏ, bẻ chồi, công chăm sóc đành chịu lỗ. Cùng chung niềm vui, anh Bùi Văn Hải (cùng xã) hồ hởi khoe: Lâu lắm rồi dân trồng cà chúng tôi mới thấy vui khi đến mùa thu hoạch. Trước giá cà chỉ khoảng 37.000 đến 38.000 đồng/kg, năm nay lên đến 45.000/kg. Gia đình tôi có hơn 5 sào, với giá hiện tại trừ chi phí chắc cũng lãi được kha khá.

Anh Phạm Tấn Thọ, chủ đại lý thu mua cà phê (phường Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột) cho biết: Hơn 10 ngày nay, rất nhiều nông dân trên địa bàn đến bán cà phê tươi. Do giá cà năm nay cao hơn nhiều so với mọi năm nên hầu hết bà con đã thu hoạch là bán ngay chứ không chốt hàng chờ được giá như mọi năm. Để tiết kiệm thời gian, công sức, nhiều người còn liên hệ đại lý đến tận vườn thu mua, hái đến đâu cân bán đến đó. Trung bình mỗi ngày, tôi mua được 5 - 7 tấn cà phê tươi.

 Chưa kịp mừng đã lo sợ trộm

 Chúng tôi được người dân cho biết, vì bị trộm hớt tay trên sau cả năm trời dày công chăm sóc. Kẻ gian lẻn vào vườn, cắt trụi cành cà phê khiến người dân không chỉ lo lắng trong vụ này mà còn sợ mất mùa vụ sau. Hiện số lao động từ các tỉnh thành khác đổ lên Tây Nguyên hái cà phê thuê tăng đột biến, công an các huyện phải tăng cường kiểm tra tình hình đăng ký tạm trú. Từ đầu tháng 11 tới nay, đã có hàng trăm vụ kẻ gian đột nhập trộm cà phê tại nhiều xã trên khắp tỉnh.

Tại tỉnh Kon Tum, ông Vũ Văn Trường, ngụ thị trấn Plei kần, huyện Ngọc Hồi chưa hết rầu rĩ: “Rẫy cà phê bị trộm lựa hơn 20 cây sai quả nhất cắt hết cành mang đi nơi khác tuốt hạt. Trộm táo tợn quá, thà mang bao vào hái thì năm sau còn có quả, chứ cắt cả cành thì phải mất 3 năm sau mới có thể phục hồi, cho quả được”. Gia đình ông Bốn còn đang ngủ thì bị một số đối tượng chốt cửa ngoài, mang bao vào tận sân phơi hốt cà phê. Rất may, khi các đối tượng đang xúc dở bao thứ hai thì bị người dân phát hiện, tri hô nên bỏ chạy.

Theo UBND huyện Di Linh tỉnh Lâm Đồng, tình trạng trộm cà phê đã xảy ra ở nhiều xã. Riêng xã Đinh Trang Hòa, tệ nạn này đã gây thiệt hại mấy trăm triệu đồng. Ông K’Tim, ở thôn 6 than thở : Lợi dụng đêm tối, kẻ gian đã đột nhập tuốt sạch 60 cây cà phê, ước hơn 5 tạ quả trong vườn nhà. Cán bộ nông nghiệp huyện Di Linh lo lắng khi kẻ trộm không chỉ hái quả, mà còn cắt cành mang đi nơi khác để tuốt. Cây bị cắt cành, phải mất vài năm mới có thể phục hồi và ra hoa, kết trái trở lại. Không chỉ Di Linh mà ở những huyện trồng nhiều cà phê như Đức Trọng, Lâm Hà và Bảo Lâm, người trồng cà phê cũng bất an. Tại huyện Lâm Hà, kẻ trộm còn táo tợn mò vào tận nhà.

Để tự cứu, một số xã đã thành lập các tổ tự quản tuần tra vào ban đêm, hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, dân cử, có bồi dưỡng công lao động. Khi phát hiện bị trộm, người dân hô hoán để tổ tự quản chốt chặn các ngả đường bắt kẻ gian. Nhiều hộ còn tăng cường nuôi chó cảnh giác trộm, gắn đèn chiếu sáng sân phơi cà phê, các thành viên trong gia đình luân phiên vác gậy đi tuần tra suốt đêm để canh giữ vườn. Nhiều gia đình phải làm chòi giữa vườn trắng đêm canh giữ. Một số hộ neo người đành hái cà phê xanh, dẫu phải bán với giá rẻ và bị hụt sản lượng, thậm chí biết điều này tác động tiêu cực đến giá trị cà phê xuất khẩu của toàn vùng.

Huyện Lâm Hà đã vận động các đại lý, doanh nghiệp thu mua cà phê trên địa bàn không mua cà phê quá xanh. Nếu phát hiện người bán quả cà phê có biểu hiện không bình thường thì báo ngay cho cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ.

 Nơi thiên nhiên không ưu đãi

 Năm 2016, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino mưa ít nắng nóng kéo dài khiến nhiều ha cây cà phê bị thiếu nước tưới mất trắng. Trong đó, tỉnh Đắk Lắk là địa phương bị thiệt hại nặng nhất với 56.138 ha cà phê bị khô hạn, mất trắng gần 4.399 ha; Đắk Nông có 22.000 ha bị thiếu nước tưới, mất trắng 4.977 ha; Gia Lai có 399 ha mất trắng; Lâm Đồng có khoảng 161 ha bị mất trắng.

Gia đình anh Lê Quang Quận, ở huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk, có gần 5 sào cây cà phê. Những năm trước, năng suất cà phê đạt khoảng 1-1,2 tấn. Đợt hạn hán vừa qua mặc dù vẫn duy trì được nước tưới tuy nhiên do hạn nặng nên sản lượng cà phê mùa này sụt giảm khoảng 30-40. Còn gia đình anh Han Jiung, ở thị xã A Yun Pa, tỉnh Gia Lai. Nhà anh trồng 1.000 cây cà phê, mọi năm năng suất đạt khoảng 10 tấn cà phê tươi. sau đợt hạn hán vừa qua, sản lượng vụ mùa năm 2016 giảm 80%. Anh Jiung cho biết: năm nay không chỉ riêng gia đình anh mà rất nhiều hộ ở Gia Lai đều chung tình trạng cây cà phê chết hàng loạt. Do vậy mà lượng cà phê thu về chắc chắn không đủ trang trải chi phí và thuê nhân công.

Bà Trần Thị B,  ở tổ dân phố 7, thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar buồn bã nói : Vụ cà phê năm trước, nữa ha cà phê của tôi thu được gần 2 tấn nhân, năm nay ước chỉ được khoảng 7 tạ. Từ đầu mùa khô, gia đình tôi đã vay ngân hàng 100 triệu đồng, cộng với tiền dành giụm vài chục triệu để đầu tư phân bón, nước tưới. Mất mùa do nắng hạn kéo dài nên cà phê rất ít trái và hạt nhỏ, nhiều cành khô mục, lá xác xơ. Sắp đến kỳ đáo hạn ngân hàng, tôi chưa biết lấy tiền đâu để trả !

Cà phê gặp hạn ít trái 

Cách vườn bà B vài trăm mét, vợ chồng ông Nguyễn Văn Vĩnh liên tục xay cà phê khô. Vẻ rầu rầu, ông Vĩnh cho biết: Gia đình tôi đã hái nhanh gần hết 8 sào cà phê, phơi khô tới đâu xay lấy hạt bán tới đó, được 44 nghìn đồng/1kg là mức giá cao nhất trong mấy năm gần đây. Vụ năm ngoái vườn nhà tôi đạt 3,5 tấn, năm nay chỉ được hơn 2 tấn, giảm 1/3 sản lượng, không đủ tiền xây nhà như dự định.  

Một chủ đại lý thu mua cà phê lớn tại trung tâm huyện Cư M’gar, bà Nguyễn Thị Long băn khoăn : Vụ cà phê năm ngoái bình quân mỗi tháng tôi thu mua được trên 300 tấn. Năm nay bà con hầu hết mất mùa, sản lượng tôi thu mua được giảm chỉ còn một nửa. Số vốn tôi đầu tư cho bà con ứng trước chăm sóc cà phê, sợ bà con không trả nổi.