Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Đời sống

Tây Nguyên vào mùa măng rừng

(Dân sinh) - Mùa mưa Tây Nguyên cũng là lúc những cánh rừng khộp thâm u được hồi sinh, những thân tre già trụi lá vì nắng hạn đã cựa mình nhú lên chồi măng nuột nà như búp tay sơn nữ. Để lấy được chồi non ấy, người đi hái măng phải băng qua nhiều quả đồi, con suối... rất hiểm nguy và cơ cực.

Tây Nguyên vào mùa đi hái măng rừng - Ảnh 1.

Sơ chế măng vừa bẻ được

Về Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk những ngày này chỉ gặp toàn trẻ nhỏ, bởi người lớn số thì đi rẫy, còn lại vào rừng hái măng từ sáng sớm.

 Men theo con đường đất lầy lội dẫn vào cánh rừng sâu, chúng tôi gặp vợ chồng anh Y Rứ Ksơr ở buôn Trí A, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn đang len mình trong những bụi tre lồ ô, le để kiếm măng. Anh Y Rứ cho biết, muốn đi hái măng phải dậy từ sớm nấu cơm ăn rồi đi vì mùa này trời hay mưa chiều, nhanh tối. Vợ chồng anh tranh thủ làm luôn trưa, mệt thì uống nước cầm hơi. Hết bụi le này, anh Y Rứ lại sang bụi khác nhanh như con sóc. Đảo mắt khắp bụi cây anh chia sẻ, búp măng thường có nhiều ở những bụi lồ ô có lá to, gần các con suối. Khi tìm phải nhìn cho kỹ vì bụt măng to hay nằm sâu được thân cây mẹ, nhành lá che chắn. Người đi hái măng ngày càng nhiều nên măng cũng thưa dần. Muốn có măng ngon nhanh đầy gùi chỉ còn cách vào tít rừng sâu.

Không nhanh tay bằng chồng, chị H' Nin Niê chỉ dám lách mình vào bụi lồ ô phía ngoài để lấy những chồi măng mới nhú khỏi mặt đất chừng gang tay. Chị đang mang thai nên theo chồng phụ việc lột vỏ măng là chính. Nhà chị ít đất, quanh năm đi làm thuê, mùa mưa không ai mướn thì vào rừng tìm măng, nấm, lá chua về bán. Đang mải tìm măng thì cơn mưa chiều ập đến, dẫu bị ướt sũng anh chị vẫn không mặc áo mưa. Chị H' Nin bảo áo mưa vướng víu, mang vào người cũng bị cây rừng cào rách hết.

 Anh chị tranh thủ bóc vỏ nhanh số măng còn lại để về, bởi nỗi sợ hãi của người đi rừng không phải là muỗi, vắt, rắn mà là việc vượt suối vào lúc nước lớn. Mưa to kéo dài khiến mực nước tại các suối trong rừng dâng lên cao và chảy xiết rất nguy hiểm. Lúc này, người đi rừng đành phải đợi cho mưa ngớt, nước rút mới về, còn không thì ra khỏi rừng trước khi con nước lớn.

Tây Nguyên vào mùa đi hái măng rừng - Ảnh 2.

Chồi măng non ẩn sâu trong bụi tre

Chứng kiến cảnh anh Y Rứ dìu vợ qua con suối đang ầm ầm chảy, chúng tôi mới thấu hiểu hết nỗi cơ cực hiểm nguy của những người hái măng rừng.

 Mặc cho trời mưa như trút, hai người cứ đội mưa lầm lũi đi. Đôi bàn tay đen nhẻm, gân guốc của họ bỗng trở nên trắng bệch, môi tím tái vì lạnh, những ngón chân cứ cong lại, bám chặt vào mặt đường đất đỏ bazan trơn như bôi mỡ cho khỏi ngã. Cũng như bao người đi hái măng khác, chỗ dừng chân quen thuộc của vợ chồng anh Y Rứ là điểm thu mua măng tươi. 

Thành quả sau gần một ngày băng rừng của vợ chồng anh là hái được gần 20 ký măng tươi, bán giá 6 nghìn đồng/ký. Cầm 120 nghìn đồng từ tiền bán măng, chị H' Nin nở nụ cười nhỏ khoe, chiều nay có tiền mua ít thức ăn cho con rồi, mấy nay ăn miết măng xào bọn nhỏ kêu ngán lắm rồi. Dúi vội tiền vào túi, anh chị phóng xe nhanh để chạy trốn cơn mưa to đang ào ào kéo đến.

Mang về ít măng rừng khi trải nghiệm cùng vợ chồng anh Y Rứ, tôi không khỏi chạnh lòng nghĩ đến nỗi vất vả cực nhọc của người dân nơi đây. Mỗi mùa mưa tới, họ lại lầm lũi giữa âm u rừng già, đối mặt với bao hiểm nguy rình rập như rắn, rết, lũ quét… chỉ sơ sểnh một chút thì chuyến đi ấy có thể sẽ là chuyến cuối cùng.