Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tây Ninh: Hỗ trợ vốn kịp thời để giảm nghèo

Để thực hiện tốt Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong nhiều năm qua tỉnh Tây Ninh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp xoá đói giảm nghèo, cho vay vốn ưu đãi, tạo cú hích quan trọng giúp hộ nghèo vươn lên làm giàu.

Tây Ninh là tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi. Tuy nhiên ở một số vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số như huyện Tân Châu, Hòa Thành... tỷ lệ hộ nghèo vẫn cao. Những năm gần đây nhờ được sự quan tâm của các cấp, các ngành, tạo mọi điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, an sinh xã hội, cho vay vốn ưu đãi để bà con sản xuất, cuộc sống người dân dần được cải thiện. Tỉnh cũng có chính sách hỗ trợ riêng cho 20 xã biên giới có điều kiện kinh tế khó khăn. Trung bình mỗi xã được cấp kinh phí 1 tỷ đồng, riêng xã Long Khánh, huyện Bến Cầu 2 tỷ đồng để thực hiện các dự án giảm nghèo bền vững.Với nguồn vốn hỗ trợ kể trên, cộng với nguồn kinh phí của huyện, các xã biên giới đã thực hiện 20 dự án đường giao thông nông thôn, nạo vét kênh mương, đào đắp đê bao chống úng... phục vụ đi lại cho người dân và phát triển sản xuất.

Bà Trần Thị Bông, sinh năm 1970, trú tại xã Long Giang, huyện Bến Cầu cho biết: Chỉ mới năm 2013, gia đình bà thuộc diện nghèo nhất xã, do bà và các con đều không có việc làm ổn định. Thế rồi, gia đình bà được duyệt cho vay ưu đãi 8.000.000 đồng, con bà được học nghề cạo mủ cao su và tìm được việc làm. Với nguồn vốn đó, bà Bông đi mua gom hàng hóa bán lại cho các điểm chợ, con bà có việc làm ổn định nên cuộc sống đã đỡ khó khăn hơn. Sau đó, từ Dự án ADRA (Ngân hàng bò) gia đình bà lại được hỗ trợ 1 con bò, năm 2014 bò sinh sản được 1 con, năm 2015 gia đình bà giao lại cho Dự án một con bò con, còn gia đình giữ lại con bò mẹ. Hiện nay gia đình bà Bông đã thoát khỏi diện hộ nghèo với thu nhập bình quân 20 triệu đồng/năm.

Nhờ vay vốn, nhiều hộ nghèo đã mở được trang trại.   (Trong ảnh: Trang trại nuôi cá của một hộ nghèo ở Tây Ninh).

Tân Châu là huyện biên giới của Tây Ninh. Hiện nay, đến đây mọi người sẽ thấy nhưng vườn na xanh mướt, trĩu quả tại khu vực núi Bà Đen. Bên cạnh đó là những cánh đồng mía bạt ngàn, xen vào đó là những cánh rừng cao su xanh mướt. Những điều đó có được là từ nguồn vốn ưu đãi, đưa đến kịp thời từ Ngân hàng Chính sách Xã hội của tỉnh.

Gia đình anh Thay Răng, dân tộc Khmer ở ấp Tầm Phô, xã Tân Đông được vay vốn chương trình hộ nghèo, rồi thoát nghèo. Được vay 30 triệu đồng của chương trình hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, anh đã đầu tư trồng 1ha cao su, 2,8ha mía, hiện vườn cao su đã cho thu hoạch.Cùng hoàn cảnh như nhà anh Thay Răng, gia đình anh Chhua Phên, 53 tuổi, nghèo vì không có vốn đầu tư, không biết cách canh tác vườn rừng, nhưng rồi nhờ vốn vay ưu đãi, lại được Hội Nông dân hướng dẫn cách làm ăn, anh đã đầu tư trồng mía, sắn và 1ha cao su. Nhờ có vườn mía, sắn và cao su, gia đình anh đã có thu nhập ổn định và hiện gia đình đã thoát nghèo.

Cho đến nay, tổng dư nợ các chương trình cho vay của NHCSXH tỉnh Tây Ninh đạt trên 1.400 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở các chương trình: Cho vay hộ nghèo, học sinh, sinh viên, giải quyết việc làm và cho vay xuất khẩu lao động. Nhờ vốn vay ưu đãi đã giúp hàng nghìn hộ thoát nghèo, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động, góp phần không nhỏ cho việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo tại địa phương.

Các chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh tỉnh Tây Ninh đã đáp ứng được đến từng đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo. Riêng các đối tượng chính sách tại 20 xã biên giới của tỉnh này luôn được ưu tiên hơn so với các nơi khác. Khi vay vốn, các hộ nghèo không phải thế chấp tài sản, thủ tục cho vay đơn giản. Phần lớn số hộ dân được vay vốn ưu đãi đều sử dụng nguồn vốn đạt hiệu quả cao. Một số hộ đã trả hoàn tất nợ vay trước đó và còn lại số vốn mua sắm phương tiện, công cụ sản xuất để phục vụ sản xuất nông nghiệp, vươn lên làm giàu.

Năm 2015, Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh tỉnh Tây Ninh tiếp tục giải ngân mức vốn cho vay bổ sung thêm 100 tỷ đồng từ nguồn ngân sách, để giải quyết những khó khăn về vốn cho các hộ nghèo, cận nghèo, nước sạch vệ sinh môi trường, giải quyết việc làm và cho vay vốn các hộ sản xuất kinh doanh vùng kinh tế đặc biệt khó khăn để giúp bà con vươn lên làm giàu chính đáng.