Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Teen và xu hướng du học rồi định cư nước ngoài

Trần Huyền
Trần Huyền

Ngày càng có nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam đi du học và có xu hướng định cư ở nước ngoài. Nhiều chuyên gia cho rằng đó là vấn đề “chảy máu chất xám”, còn đối với một số bậc cha mẹ thì con đi du học không về nước khác nào “mất con”.

Trong thế giới phẳng, mọi quan niệm đều không có gì là tuyệt đối.

Du học sinh Việt Nam ở nước ngoài.

Ngày càng nhiều người trẻ Việt Nam đi du học

Báo cáo kết quả về hợp tác và hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo của Cục Hợp tác quốc tế(Bộ GD&ĐT) ngày 31/10/2023 cho biết, hiện có khoảng gần 200.000 du học sinh Việt Nam đi học nước ngoài ở các bậc học, từ phổ thông đến sau đại học, tương đương khoảng 40.000 người đi du học mỗi năm (tăng khoảng 2,5 lần so với giai đoạn trước 2013).

Riêng nước Mỹ, năm học 2022-2023 đã đón 22.000 sinh viên Việt Nam, tăng 5,7% so với năm học trước, Việt Nam nằm trong top 5 về số lượng du học sinh ở nước này.

Con gái chị Mỹ Hạnh (ở Hà Nội) dù mới học lớp 8 nhưng đã có ý định sau này sẽ đi du học Hàn Quốc. Cô bé đề nghị mẹ cho đi học tiếng Hàn tại trung tâm để chuẩn bị sẵn sàng cho việc thi lấy chứng chỉ Topik. Thậm chí, cô bé cũng đã chọn ngành học và trường đại học mà sau này mình sẽ nộp hồ sơ.

Chị Mỹ Hạnh mừng khi thấy con gái có chí và biết lo xa, nhưng cũng không khỏi lo lắng, chưa yên tâm nếu con đi du học Hàn Quốc, vì đây là một quốc gia có nhiều áp lực về học tập cũng như công việc.

Đặc biệt, khi biết con học xong muốn định cư ở Hàn Quốc, chị Mỹ Hạnh càng thêm lo lắng. Nếu không cho con đi du học thì có thể làm lỡ mất cơ hội phát triển nghề nghiệp trong tương lai của con, nhưng cho con đi du học rồi định cư nước ngoài thì vợ chồng chị lại sợ “mất con”.

Tư vấn du học.

Suy nghĩ của chị Mỹ Hạnh cũng là suy nghĩ của nhiều phụ huynh Việt Nam. Chúng ta sẵn sàng chuẩn bị về tài chính và kiến thức để giúp con có thể đi du học, mở mang đầu óc, tăng cơ hội tìm kiếm việc làm thu nhập cao, nhưng không mấy ai muốn con du học xong ở lại định cư.

Mong muốn của rất nhiều người Việt là được sống gần con để nương tựa, trông cậy lúc tuổi già. Vì vậy, khi con đi du học mà “một đi không trở lại” thì cha mẹ khó mà vui được!

Giới trẻ ngày nay không chỉ có xu hướng du học bậc đại học, sau đại học, nhiều học sinh còn đi du học từ bậc THPT.

Tuy nhiên, việc cho con du học quá sớm (ở độ tuổi 15-16) là khá mạo hiểm, vì không phải đứa trẻ nào cũng thích ứng được với cuộc sống nơi xứ người. Đã có nhiều trẻ khi “du học non” không thích ứng được cuộc sống xa nhà nên phải về nước sớm, bỏ dở việc du học.

Vì vậy, tùy tính cách và kỹ năng xã hội của trẻ mà cha mẹ cân nhắc nên cho con du học ở độ tuổi nào là phù hợp nhất.

Nguyễn Phương Dung (cựu sinh viên trường Đại học Hà Nội và tốt nghiệp MBA tại Nhật Bản) chia sẻ về những khó khăn trong quá trình thích nghi với cuộc sống mới tại Nhật Bản.

Định cư nước ngoài, bài toán không dễ đối với du học sinh

Có lẽ, nhiều phụ huynh đã nghĩ xa quá khi lo lắng con du học xong sẽ ở lại nước ngoài định cư, vì định cư nước ngoài không hề dễ.

Sau khi du học xong, để định cư ở nước ngoài, sinh viên Việt Nam cần có việc làm ổn định, thời gian làm việc phải đáp ứng đủ theo quy định của nước sở tại, thu nhập đạt yêu cầu nhập cư… Và cho dù có một công việc ổn định thì nhiều du học sinh Việt Nam vẫn chỉ được cấp các thị thực ngắn hạn, chứ không phải được ở lại vĩnh viễn.

Để định cư vĩnh viễn, tùy vào quy định của từng quốc gia mà du học sinh Việt Nam phải đáp ứng được một số tiêu chí như: được đề cử ở lại công tác, mua được nhà, có thu nhập ổn định, có thời gian sinh sống trên 5 năm hay 10 năm, có người thân bảo lãnh, kết hôn với người bản xứ, nhập quốc tịch nước sở tại…

Thực tế cho thấy, lượng du học sinh Việt Nam tuy khá cao so với các nước trong khu vực, nhưng tỷ lệ học xong ở lại định cư không nhiều.

 Cho dù con bạn có là một trong những sinh viên đủ điều kiện định cư ở nước ngoài thì không có nghĩa là cha mẹ “mất con”, vì trẻ vẫn có thể về nước thăm gia đình. Việc đi lại giữa các quốc gia ngày càng trở nên thuận tiện, thậm chí nếu trẻ không thể thường xuyên về nước thì cha mẹ cũng có thể sang thăm con.

Về bản chất, câu chuyện giới trẻ đi du học rồi ở lại nước ngoài định cư cũng khá giống chuyện cha mẹ là dân tỉnh lẻ tới các thành phố lớn để học rồi quyết định ở lại lập nghiệp. Vậy nên, đã đến lúc các bậc cha mẹ nên thay đổi suy nghĩ.

Nếu điều kiện là tương đương thì bạn nên khuyên con về nước, nhưng nếu ở lại nước sở tại, con có thể phát huy tối đa năng lực của mình và con cảm thấy hạnh phúc thì hãy ủng hộ quyết định của con. Trên 18 tuổi trẻ đã là một người trưởng thành, vậy nên hãy để chúng tự quyết định cuộc đời của mình.

Thanh Huyền