Noi theo tấm gương người đi trước
Tôi đã may mắn được gặp biết bao người trẻ mà tư duy, khối óc, việc làm của họ đã có đóng góp rất lớn cho sự phát triển của một ngành nghề, lĩnh vực, đất nước. Đó là “người hùng” Nguyễn Ngọc Mạnh (xã Vĩnh Ngọc, Đông Anh, Hà Nội) đã bất chấp nguy hiểm, dũng cảm cứu cháu bé rơi từ tầng 12A của tòa nhà chung cư tại quận Thanh Xuân (Hà Nội). Đó là bác sĩ Nguyễn Việt Quang, Bí thư Đoàn Thanh niên Bệnh viện Phụ sản Trung ương - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia. Anh được mệnh danh là bác sĩ trẻ mang "mùa xuân" đến hàng ngàn cặp vợ chồng hiếm muộn.
Hay TS Nguyễn Trọng Hiếu (35 tuổi), giảng viên cao cấp ngành năng lượng điện mặt trời tại Đại học Quốc gia Australia mới được xướng tên là gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học - sáng tạo. Hiếu sở hữu 75 công bố trên tập san quốc tế, sáng lập và quản lý 2 phòng thí nghiệm quang học, có 7 công trình đã được vinh danh trên hơn 100 mặt báo toàn cầu. Anh là trưởng - đồng trưởng của 8 dự án nghiên cứu cấp nhà nước và cấp bộ, thu hút tiền tài trợ nghiên cứu hơn 5 triệu USD, nhận nhiều giải thưởng xuất sắc trong việc giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu của trường. Trường hợp khác là Lưu Đức Phong (33 tuổi, Trưởng phòng Nền tảng số, Trung tâm Chuyển đổi số, Tổng công ty Mạng lưới Viettel) là gương mặt trẻ trên lĩnh vực lao động sản xuất. Phong là người trực tiếp nghiên cứu, phát triển nền tảng chuyển đổi số nBox được tập đoàn đánh giá cao, xuất sắc đoạt giải thưởng “Make in Vietnam” và giải thưởng Sao Khuê…
Hàng trăm, hàng nghìn bạn trẻ có cách làm, cách phấn đấu và cống hiến riêng. Ở thời bình hôm nay, không ít người trẻ noi theo tấm gương các thế hệ đi trước đã tự dặn lòng: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”… Họ tự đặt cho mình nhiệm vụ ra sức học tập, trau dồi kiến thức; rèn luyện, tích cực tiếp cận những tiến bộ của thời đại, đem hết tinh thần và nhiệt huyết cống hiến cho quê hương, đất nước ngày một “sánh vai cùng các cường quốc năm châu”. Nên tự hào lắm khi có nhiều người trẻ là những giáo sư, tiến sĩ, nhà sáng chế… ở tuổi thanh niên. Chúng ta cũng có những nhà lãnh đạo trẻ tài năng, những nhà kinh doanh vươn tầm quốc tế. Trong họ luôn mang đến tư duy mới, cách mạng, sáng tạo không ngừng và luôn khát vọng, hoài bão để thúc đẩy sự tiến bộ, văn minh xã hội.
Là lá thì phải xanh, là chim thì phải hót
Những ngày mùa thu tháng Tám, Ngày Tết Độc lập là dịp để mỗi người, nhất là tuổi trẻ lắng sâu hơn, hiểu hơn về cội nguồn dân tộc, bề dày văn hóa, văn minh, ghi nhớ công ơn tiền nhân đã ra sức chiến đấu, hy sinh để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, bờ cõi đất nước và có được nền hòa bình như hôm nay. Hơn thế, cần phải hiểu biết nguồn cội để định hướng tương lai, làm việc, cống hiến, chung tay vì tiến bộ xã hội, phát triển kinh tế, vì nền văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc. Ai cũng biết, tuổi trẻ hôm nay có lợi thế được học hành đầy đủ, thừa hưởng cuộc sống hòa bình, no ấm, công nghệ khoa học phát triển. Tuổi trẻ đã khắc phục khó khăn, góp mặt vào hầu hết lĩnh vực của kinh tế, văn hóa, xã hội, nhiều thanh niên con em dân tộc thiểu số đã nô nức làm giàu trên chính mảnh đất cha ông mình vẫn cày cấy. Nhưng cùng với đó, vẫn còn những bạn trẻ ỷ lại, đua đòi, thích hưởng thụ, bị động trong vô vàn trào lưu sáng tạo mới của thế giới.
Tinh thần hiếu học, uống nước nhớ nguồn, lòng tự tôn dân tộc nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay biết chớp thời cơ, cơ hội của tình hình mới, khi khoa học phát triển. Nhất là bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến cho mỗi người và đất nước nói chung những cơ hội và thách thức mới. Đó là sự nỗ lực hoàn thiện mình trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là làm chủ công nghệ, khoa học, giỏi ngoại ngữ, hiểu biết thế giới… để có thêm nhiều công dân toàn cầu - những công dân làm chủ các đô thị thông minh, là thành tố tạo nên cộng đồng, xã hội thông minh.
Cha ông ta ngày xưa không ít người có cơ hội được đi du học ở ở Nga nhưng đã tạm gác giấc mơ của riêng mình để đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ra chiến trường cầm súng, đối mặt quân thù. Chẳng ít người hy sinh, đến giờ chưa tìm thấy mộ. Thời đó như thế và chẳng ai than vãn. Bởi họ thấy mình đã làm đúng. Bây giờ còn một bộ phận thanh niên sinh sống trong hòa bình nhưng giảm sút niềm tin, phai nhạt lý tưởng cách mạng, ít say mê lao động, sống còn thực dụng, xa rời truyền thống của dân tộc. Và ở một khía cạnh nào đó, chính những người đang cống hiến là đóa hoa tỏa hương, góp phần khiến những người phai nhạt lý tưởng phải nghĩ lại để sống tích cực hơn.
Những năm qua, biết bao sự hối thúc, nhiều diễn đàn dành cho thanh niên Việt Nam đã được tổ chức, trong đó có Diễn đàn “Khát vọng cống hiến - Lẽ sống thanh niên” được tổ chức vào năm 2022. Rất nhiều người đã trả lời cho câu hỏi “khát vọng, lẽ sống của thanh niên Việt Nam hiện nay là gì?”. Có người bảo rằng, khi đất nước bước vào thời kỳ hội nhập và đổi mới, kỷ nguyên của khoa học và công nghệ thì khát vọng, lẽ sống của thế hệ trẻ, những công dân số trong thời đại là đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp vì đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc.
Dân tộc ta đã trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, với bao phen giặc giã, nhiều mất mát, lắm nỗi chia lìa xót xa. Có những khi nước mắt nhiều như nước biển nhưng nụ cười cũng nhiều như lá cây trên rừng. Chúng ta tự hào là người Việt Nam, được sống trong bầu không khí hòa bình, tắm dòng nước mát quê hương. Rồi được tự do làm việc, hưởng hạnh phúc. Những điều đó thì chỉ mấy dòng chữ cũng có thể diễn đạt nhưng trong đó gói gọn cả một chiều dài lịch sử đằng đẵng. Chúng ta yêu nước, yêu quê, chúng ta cũng tự nhận thấy trách nhiệm phải làm việc, phải cống hiến dù là nhỏ nhất cho sự phồn vinh của dân tộc mình. Nhất là với thế hệ trẻ, thế hệ có tài năng, giàu kiến thức, làm chủ công nghệ, có khát vọng và hoài bão. Bởi trong tuổi trẻ, chúng ta nhìn thấy tiềm năng, nội lực.
Có người nói, những thầy giáo trẻ tình nguyện xa gia đình, xa thành phố, khắc phục khó khăn, dạy học ở vùng biên giới, hải đảo là cống hiến; những thanh niên làm thiện nguyện, quyên góp, đi đến tận những bản làng xa xôi, ủng hộ người nghèo, người cô đơn không nơi nương tựa là cống hiến; những học sinh, sinh viên tích cực học tập, đạt thành tích cao trong các kỳ thi quốc tế, trở về nước làm việc, phục vụ cho đất nước là cống hiến; những nam nữ cầu thủ tích cực rèn luyện, thi đấu, chinh phục đỉnh cao trong các giải thi đấu, mang về vinh quang cho Tổ quốc là cống hiến.
Hay hàng triệu thanh niên Việt Nam với khát vọng, lẽ sống của mình đang tích cực lao động, sản xuất, tạo ra của cải cho xã hội, làm giàu cho bản thân, gia đình cũng là sự cống hiến. Khát vọng cống hiến của tuổi trẻ là tiềm năng phát triển của quốc gia. Khát vọng đó có sức lay động, lan tỏa và khẳng định bản lĩnh của tuổi thanh xuân. Chúng ta cũng ngẫm về tinh thần cống hiến trong bài “Một khúc ca xuân” của Tố Hữu chia sẻ: “Nếu là con chim, chiếc lá/ Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh/ Lẽ nào vay mà không trả/ Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”. Nhà thơ Tố Hữu mượn hai thực thể chiếc lá và tiếng chim để minh họa cho quan niệm của mình: Tạo hóa đã tạo ra loài chim và ban cho chúng giọng hót tuyệt vời thì cũng có nghĩa rằng đã là chim thì phải hót và lá thì phải xanh. Con người chúng ta cũng phải làm gì để cho xã hội, cho Tổ quốc.