Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tết ở chung cư nhớ Tết quê

 
 Trang trí nhà đón Tết ở chung cư. Ảnh: KT
 
Quê em, nơi cách trung tâm Hà Nội chưa đến 100 cây số, đón Tết cũng bình dị như bao vùng quê khác. Khoảng từ ngày Tết ông Công ông Táo, ông nội thắp một cái đèn lồng đỏ thật to trước cổng nhà, treo như vậy đến hết ngày mùng 7 - gọi là Tết Khai hạ thì mới kéo xuống. Ở chung cư nhà em, chẳng nhà ai có cái đèn lồng nào, các dãy hành lang luôn bật đèn tuýp sáng trưng. Quê em nhà nào cũng mua 2 cây mía buộc ở 2 bên bàn thờ, tượng trưng cho hai cây nêu, còn ở chung cư, không thấy nhà ai sắm “cây nêu” như vậy.
 
Khoảng ngày 26 Âm lịch, bà nội mua lá dong về gói bánh chưng, mua nhiều thịt về làm nem và gói giò, công việc bận rộn và huyên náo lắm. Ngày 30 Tết, bố bắt gà để thịt. Chú gà trống được bố buộc chân và cánh cẩn thận rồi luộc sao cho khéo để cúng Giao thừa. Ở chung cư, đến sát ngày 28, 29 Tết, các gia đình mới đi mua sắm ở siêu thị. Sắm một buổi chiều là xong hết tất cả mọi thứ như bánh chưng, nem, giò và các loại trái cây, bánh mứt kẹo. Có bác hàng xóm gói 100 cái nem cho vào tủ đá, khi nào có khách lấy ra rán cho tiện. Ngẫm lại cái Tết ở chung cư năm ngoái, thấy cứ thiếu vắng cái gì đấy mà không cắt nghĩa được. Chị em bảo: “Ngốc ạ, ở quê cái gì cũng tự làm vì người nhà quê có thời gian rỗi, họ tự chủ về thời gian của mình. Người thành phố bận đến tận sát Tết, mua đồ làm sẵn cho nhanh, thời gian đâu mà tự làm. Thời gian sát Tết, người thành phố còn tranh thủ kiếm thêm tiền, tranh thủ đi chúc Tết, biếu xén nhau để gây dựng các mối quan hệ”. 
 
Em nghe cũng hiểu phần nào nhưng cái đầu óc ấm ớ lứa tuổi dậy thì của em không chịu chung ý nghĩ với chị. Em thấy nhớ không khí tất bật ở quê, nhớ cái dáng khom khom của ông nội khi thổi lửa nồi bánh chưng, bà nội kho cá bằng bếp trấu, đun sình sịch từ sáng đến tối, nồi cá âm ỉ sôi, mùi riềng xả bay thơm khắp làng. Bà bảo: “Bông ơi, cháu đi ra ngoài cho bà thổi bếp, kẻo bụi lên tóc và quần áo bây giờ…”. Em chạy ra ngoài không quên nói vọng lại: “Bà nhớ ủ hộ cháu củ khoai nướng nhé”. Bà cười “Ừ, bà nhớ rồi, bà còn nướng cả sắn cho bố cháu đấy, bố cháu ngày xưa thích ăn sắn nướng lắm”.
 
 
Niềm vui gói bánh chưng ăn Tết ở quê. Ảnh: KT
 
Bây giờ, ở chung cư, không khí rộn ràng kiểu như thế không có. Ngày 29 Tết, bố mẹ đi chúc Tết các sếp, rồi tranh thủ buổi tối đi siêu thị. Mua sắm xong, mẹ tần ngần: “Thế là hết tiền Tết rồi”. Bố cười tủm, bảo: “Thì phải tiêu cho nó đàng hoàng chứ, năm nay nhà mình có nhà mới mà…”. Nhưng chị em lại cho rằng nên sắm ít thôi, đỡ lãng phí, ăn hết lại mua cho nó tươi ngon, thực phẩm không nên để lưu cữu trong tủ lạnh. Chị nói: “Ở thành phố nhẹ chuyện ăn, quan trọng là nghỉ ngơi và đi chơi, nhà nào có điều kiện thì đi du lịch. Ở quê quan trọng chuyện ăn, cầu kỳ chuyện lễ nghĩa, thăm hỏi”.
 
Mùng 1 đến mùng 3 Tết ở quê em, mọi người đi chúc Tết nhau rất đông. Ai cũng hoan hỷ chúc mừng nhau những câu tốt đẹp như: “Làm ăn phát đạt bằng năm bằng mười năm ngoái”. Trẻ con thì được “mở hàng” cho những tờ tiền mới tinh nhưng không cho vào phong bao lì xì như ở thành phố. Ở chung cư, việc chúc Tết giữa mọi người cũng diễn ra vui vẻ, nhà nào cũng mở nhạc, nổi nhất là bài “Happy new year” của ban nhạc ABBA. Mẹ thường nhờ một người được tuổi sang chúc Tết, xông nhà. Ngày Tết, mẹ trang điểm nhẹ nhàng, mặc váy đẹp, trông mẹ duyên dáng hơn mọi ngày. Mấy cô bác hàng xóm và mẹ thường nói với nhau: “Bận quanh năm, mấy ngày Tết, dung nhan phải đẹp và đàng hoàng, như thế mới có cuộc sống đàng hoàng và may mắn…”.
 
Tết ở chung cư cũng vui là thế, nhưng em và chị gái vẫn luôn chờ đợi một cái Tết mà bố không phải đi trực, cả nhà về quê sum vầy bên ông bà từ ngày 27, 28. Chị em sẽ căn dặn: “Chị em mình về phải giúp đỡ ông bà và bố mẹ. Chị sẽ cọ lá dong giúp mẹ, em nhớ quét dọn sân vườn giúp ông bà nhé”. 
 
Nghĩ đến đây, em lại nhớ nồi bánh chưng đun bằng củi và gộc tre. Ông nội luôn gói cho hai chị em hai chiếc bánh chưng con. Bên nồi bánh chưng nghi ngút khói thơm, lại nhớ lời rì rầm của bà nội kể những chuyện ngày xưa. Lạ thay, năm nào bà cũng kể mà em nghe mãi không chán. Bố thì tỉ mẩn lau chùi từng cái lá của cây trà và vui mừng vì hoa trà nở đúng dịp…
 
Cứ tượng tượng, trên đường về quê, bố nói chuyện với cả nhà: “Năm nay nhà mình về quê ăn Tết với ông bà, nhưng mẹ cũng sắm đủ đồ lễ cho bàn thờ nhà mình, báo cáo thần linh xin về quê ăn Tết. Mùng 4 nhà mình lên mới làm bữa cơm đầu tiên của năm mới, lúc ấy, nhiều nhà về quê như mình cũng sẽ lên. Cả tòa nhà mình sẽ rất vui, sẽ đón Tết thêm hai ngày nữa”.
 
Hai chị em khấp khởi mừng thầm. Dù sao, đón Tết ở chung cư có khác với không khí ở quê, nhưng vẫn rất vui và yên bình, lãng mạn, thoải mái. Cứ một năm ăn Tết quê, một năm ở lại thành phố, rồi ngồi nghĩ về những điểm giống nhau, những sự khác nhau, cũng thấy thú vị. Nhưng chẳng hiểu sao cứ nhớ nhất cái dáng tất tưởi khi bà chạy ra đầu ngõ đón xe con cháu. Rồi thể nào bà cũng sẽ nói: “Cháu bà đã về đây rồi. Cái gì cũng có, có tất cả chúng nó…”. Và cả nhà cười vui.

Vũ Thị Hồng Khanh/Tạp chí GĐ&TE