Mặc dù ở riêng, nhưng đã thành lệ, Tết năm nào gia đình tôi cũng rồng rắn kéo cả vào ăn Tết với bố mẹ chồng. Chúng tôi gọi đó là “về làng”.
Không khí Tết rậm rịch từ dịp cúng ông Công, ông Táo - 23 tháng Chạp. Mẹ chồng tôi sắp đồ cúng trong làng, thường tiện thể mua luôn ít hoa quả và vàng mã cho con dâu. Tôi chỉ phải làm một mâm cơm cúng đơn giản và đi mua 3 chú cá chép vàng nữa là đủ lễ. Chiều 23, các anh chị em trong gia đình nhà chồng tôi đều về làng ăn cơm với bố mẹ. Cảm giác như Tết đang đến rất gần.
Bố chồng tôi không phải con trưởng nhưng được phân công thờ cúng tổ tiên, nên từ 23 trở ra, mẹ chồng tôi đã rục rịch chuẩn bị Tết. Con cháu trong nhà được huy động để dọn dẹp nhà cửa. Mỗi người một việc, trong nhà chỗ nào hỏng hóc thì lập tức sửa chữa, rồi người quét nhà, quét sân, dọn vườn, người rửa sẵn bát đĩa phơi khô để trong rổ, người lau chùi ban thờ, người lau từng ô cửa…
Mẹ chồng tôi tranh thủ mỗi lần đi chợ mua dần ít măng khô, bánh kẹo, hạt dưa, cành đào, cây quất, vài bộ quần áo mới cho các cháu, có lúc con dâu cũng được hưởng phần… Vợ chồng tôi được biếu mấy con gà, mấy thùng bia, mấy giỏ quà và chai rượu vang đều mang cả vào làng góp Tết. Tôi cũng lăng xăng mua thêm ít đồ khô: măng, miến, nấm hương, mấy loại mứt…
Giai đoạn quan trọng nhất trong khâu chuẩn bị Tết chính là tiết mục gói bánh chưng. Không phải mẹ chồng tôi, chị dâu trưởng hay tôi “đạo diễn”, mà bố chồng tôi mới chính là “bếp trưởng”, năm nào cũng đích thân ông ngồi gói bánh chưng. Chúng tôi người rửa lá, lau lá, người ngâm gạo, đãi đỗ, người ướp thịt… Tất cả chuẩn bị sẵn ra, ông ngồi trên một chiếc chiếu cũ bên thềm nhà và bắt đầu gói bánh, các cháu nhỏ vây quanh tò mò, thích thú. Năm nào, nhà tôi cũng làm chục bánh mặn, chục bánh ngọt. Với bánh ngọt, chị em tôi thêm công đoạn khuấy đường phên (đường mật). Công đoạn này khá công phu và tỷ mỉ, vì chúng tôi phải khuấy đường liên tục không đường sẽ cháy, khuấy đều tay đến khi đường se lại là được.
Mùng 5 Tết, con cháu nô nức tổ chức lễ khao lão cho các cụ.
Bố chồng tôi gói bánh chưng không dùng khuôn nhưng cái nào cũng vuông vức và chắc chắn. Bánh gói xong được xếp chồng lên nhau và phía trên cùng thường được chặn thêm bằng một khúc gỗ nặng để bánh nén chặt hơn. Sau đó, tất cả bánh sẽ được cho vào nồi gang và luộc bằng củi. Công đoạn luộc bánh, đàn ông trong nhà sẽ lĩnh phần. Luộc bánh khá đơn giản, chỉ là nhớ tiếp củi liên tục để bếp cháy đều. Năm nào không luộc bánh chưng bằng củi, nhà tôi sẽ luộc bằng bếp than tổ ong, nhưng cảm giác luộc bằng củi, nhìn thấy ánh lửa từ những thanh gỗ luôn ấm áp và thích thú hơn rất nhiều.
Bữa trưa tất niên trong làng được mấy anh chị em chúng tôi cùng xúm vào chuẩn bị. Nhưng bếp trưởng vẫn thuộc về bố chồng tôi. Mẹ chồng tôi đi chợ lo chuyện mua bán, tôi vụng về nhất nhà cứ làm chân nhặt rau, rửa rau với sắp mâm, rửa bát. Chị dâu trưởng phụ bố chuyện nấu nướng.
Bình thường, ở nhà, tôi mà nấu cơm thì chồng đương nhiên rửa bát, nhưng mỗi lần vào làng, chồng tôi lại được vợ cho phép “gia trưởng” một tí. Dâu út mà, tôi không rửa thì ai rửa. Tôi biết chắc chắn một điều là chẳng có bố mẹ chồng nào thích nhìn con giai nhà mình ngồi rửa đống bát đâu. Rồi họ hàng, các bà, các bác sang chơi Tết mà nhìn thấy chồng tôi rửa bát thì không khéo tôi còn bị mắng là bắt nạt chồng, là lười nhác. Có 3 ngày Tết, nấu thì lâu chứ rửa thì mấy, làm quàng một tí là xong. 365 ngày mà phải rửa bát có 3 ngày, có bõ bèn gì chứ. Tôi luôn nghĩ mình đi làm quanh năm suốt tháng, có mấy ngày Tết để được làm dâu, phải cố mà hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
So với nhà đẻ, nhà chồng tôi thủ tục cúng lễ 3 ngày Tết đơn giản hơn rất nhiều. Ngày 30 Tết có cúng Tất niên và cúng Giao thừa, sáng mùng 1 làm mâm cơm cúng mời các cụ, rồi đến hôm hóa vàng (thường là ngày mùng 2 hoặc mùng 3) làm mâm cúng nữa. Còn ở nhà bố mẹ tôi, anh em tôi phải chuẩn bị ngày 2 mâm cúng (trưa và tối) có ít nhất 6 món trở lên, phải cúng đủ cho đến ngày làm lễ hóa vàng. Thế nên, năm nào hóa vàng sớm, mùng 2 hay mùng 3 thì anh em chúng tôi được rảnh rang đi chơi với bạn, chứ năm nào mà mùng 4, mùng 5 mới hóa vàng thì phải thay ca nhau trực ở nhà chuẩn bị mâm cúng.
Vì không nặng nề chuyện cúng kiếng và làm cỗ, nên mấy ngày Tết nhà chồng, làm dâu như tôi thấy cái Tết cũng khá nhẹ nhàng.
Chị em Phù Lưu xúng xính bên cành hoa đào ngày Tết.
Cứ sáng mùng 1, cả nhà tôi vào chúc Tết bố mẹ chồng. Năm nào chồng tôi cũng xông nhà, có năm tôi nhanh nhẹn quá lại chạy vào trước thành ra bất đắc dĩ là người xông nhà. Sau khi hỏi thăm bố mẹ và bác trưởng, bố mẹ chồng tôi lại dẫn tất cả con cháu cùng đi nhà thờ họ và chúc Tết họ hàng. Chúng tôi làm một tour đi bộ từ đầu làng đến cuối làng, đến tầm 3-4h chiều mới xong. Sau đó, cả nhà ra đền và chùa Phù Lưu rồi quay về nhà chuẩn bị bữa tối. Lũ bạn thân tôi ở ngoài Hà Nội thì ngày mùng 1 hầu như chẳng đi đâu. Nếu nhà nào không về quê thì mùng 1 chỉ quanh quẩn ăn với ngủ trong nhà. Ngày Tết quê tôi ngày mùng 1 là đông vui nhất, đi thăm họ hàng, tiếng nói tiếng cười rộn rã, tíu tít.
Ngày mùng 2, mùng 3, không khí Tết vẫn náo nhiệt, tưng bừng lắm. Ngày mùng 5 con cháu rước các cụ 60, 70, 80, 90, 100… ra đền làm lễ mừng thọ, sau đó sẽ về nhà ăn cỗ khao lão. Thích nhất là ở đình hoặc thủy đình giữa ao làng cũng tầm ngày này, người ta tổ chức thi đấu vật cổ truyền. Trên sân đình, các câu lạc bộ thể thao cũng khai xuân thi đấu giao hữu. Cạnh đình, một sân chơi mini di động được dựng lên để đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí cho trẻ em những ngày Tết. Từ người già đến trẻ em, ai cũng hân hoan mừng xuân, đón Tết. Tết rộn ràng khắp làng phố quê tôi.
Bình Yên/GĐTE