Cũng phải thôi, xa quê cả năm, mỗi dịp về thăm quê chỉ trong chốc lát, thì mấy ngày Tết nghỉ xả hơi mới thật đúng nghĩa để ông bà, con cháu sum vầy, vui vẻ bên mâm cơm gia đình, quây quần ngồi canh nồi bánh chưng đêm Giao thừa, tụi trẻ tranh nhau ăn vụng những chiếc bánh vụn bị cháy đôi chỗ vừa mới ra lò, được mặc quần áo mới và… được ở bên những người thân thương.
Khi các con còn nhỏ, tôi thường tranh thủ về quê từ rất sớm, ngay sau ngày 23 Âm lịch, cúng xong Ông Công Ông Táo, mấy mẹ con - người xin nghỉ phép, người xin nghỉ học, khăn gói về quê. Tôi thích cảm giác của những ngày bận rộn trước Tết, mỗi ngày lôi ra ít đồ, lau lau, rửa rửa, vệ sinh nhà cửa, đồ dùng nhuốm bụi. Tôi thích được nhìn ngắm những đứa con bé nhỏ reo vang khi được ông công kênh trên vai, được ông dắt ra vườn làm cho những đồ chơi từ cây cối tự nhiên: Đó là cái súng bằng cuống tàu chuối dài, khứa vài nơi và dùng tay gạt mạnh để tạo ra những âm thanh roàn roạt vui tai. Với trò chơi súng chuối ấy, mấy ông cháu chơi hoài không chán. Ông làm cả “súng bốp” từ thân cây trúc nhỏ, làm cho cháu cái xích đu bằng gỗ - giữa hai cái cột tre ngay dưới gốc cây vả.
Tôi thích ngắm các con lem nhem trong bộ quần áo nhuốm màu đất đỏ, leo trèo không biết mệt ở mảnh đồi đang san dở - nơi đất mềm mịn, tơi xốp và còn nguyên độ ẩm. Chúng tranh nhau bò ngược lên trên cao và trượt xuống chân đồi. Chúng lấy mo cau, vỏ bao tải làm miếng lót để trượt cho nhanh. Chúng thi nhau xếp bằng xem ai ngồi được lâu hơn. Chúng hò hét náo loạn khi thấy một con giun bé tí. Chúng tò mò về cái tổ chim trên bụi cây…
Tôi thích yên lặng lắng nghe tụi trẻ con trò chuyện. Đứa ở thành phố kể cho đứa ở quê về những ồn ào náo nhiệt, về những chiếc xe buýt hai tầng, về những trò chơi hiện đại trong trung tâm thương mại hay cảm giác thú vị khi ở trên máy bay. Đứa ở quê chỉ cho đứa thành phố về con nòng nọc, rủ nhau đi bắt giun, bắt dế, đi vặt rau cho gà ăn, đi cuốc đất…
Tôi thích những buổi trưa không ngủ, ngắm bà thảnh thơi ngồi xõa tóc để cháu nhổ cho những sợi tóc bạc li ti. Bà bảo, cả năm, bà chỉ chờ cháu về để nhổ tóc, vừa nhổ, hai bà cháu vừa tâm tình kể chuyện. Trong câu chuyện của bà, cháu hiểu hơn về tuổi thơ nhọc nhằn nhưng hạnh phúc của mẹ, biết hơn về những phong tục quê hương. Cháu cũng hiểu rõ thêm về mối quan hệ của những người họ hàng mà cháu phải gọi bằng cô, cậu, bác… dù chỉ bằng tuổi mình…
Tôi thích dẫn bọn trẻ ra con sông gần nhà, ngụp lội trong làn nước trong vắt, chỉ cho con thấy những con ốc sông dài dài, những con cá bé tẹo óng ánh dưới ánh mặt trời. Cho con cảm nhận cảm giác sờ sợ khi đi trên mấy nhịp cầu treo…
Tôi thả lỏng chính mình và thả lỏng các con khi ở quê, không còn nhắc nhở mỗi khi con nghịch bẩn, không ép con ăn, cũng chẳng nhắc tới chuyện học hành. Tôi muốn các con được sống trọn trong cảm giác vui vẻ, bình yên và hạnh phúc mỗi dịp Tết đến xuân về. Tôi muốn các con hòa mình với thiên nhiên, cây cỏ, với những trò chơi dân gian. Tôi để cho chúng thoải mái theo ông bà lên đồi hái chè, hái hoa quả hoặc đi câu cá. Tôi cho các con về quê của ông bà - nơi vẫn còn những cánh đồng lúa, những chuồng trâu, chuồng lợn. Tôi để cho con say sưa ngắm nghía những chú lợn con bé xíu còn bú mẹ, đếm tới đếm lui mà mỗi lần ra một con số khác nhau vì đang đếm thì lại có con chạy đi chỗ khác.
Tết, sẽ là những kỷ niệm không còn gì đẹp hơn trong ký ức của các con tôi. Nếu ai hỏi, các con thích gì ở Tết quê, bọn trẻ nhà tôi sẽ say sưa kể không biết chán những điều chúng thích. Với đứa nhỏ, đơn giản là không phải học, là được chơi với mấy đứa em, chơi từ sáng đến tối khuya, chơi từ trò nọ sang trò kia không mệt mỏi. Đứa lớn trưởng thành hơn lại thích được gần gũi tâm sự với bà, với mợ để học những món ăn hợp khẩu vị, học cách làm những loại bánh ngon ơi là ngon của người miền núi, được chia sẻ về những điều nó đang quan tâm, để được đi chợ Tết với dì, để thỏa thích ngắm nghía phiên chợ Tết nhiều màu sắc… Còn tôi thì thích gì? Đơn giản thôi - được về quê ăn Tết!!! Tết, hạnh phúc nhất là có gia đình để sum họp. Tết, “dù đi xa ai cũng nhớ, về chung vui bên gia đình”.
Minh Châu/GĐTE