Còn nhiều ngày nữa mới đến tết nhưng Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội Phước Bình (huyện Long Thành, Đồng Nai) thuộc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã rực rỡ cờ hoa, tiểu cảnh trang trí bắt mắt. Tại khu hội trường, tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” và lớp chuyên đề về văn hóa ngày tết thu hút sự tham gia bàn luận sôi nổi.
Mong về nghe con gọi ba
Mỗi lần nhìn người thân của các học viên vào thăm, anh Thảo không khỏi chạnh lòng. Nếu không vướng vào ma túy thì giờ này có lẽ anh đang tất bật sắm sửa cho vợ con vài bộ quần áo mới, mừng tuổi ông bà nội ngoại. Hơn 15 tháng trước, Thảo bị bắt khi chơi heroin trong lần từ quê Thanh Hóa vào thành phố làm công trình xây dựng. Ngày bị bắt, con của Thảo chỉ mới hơn hai tháng tuổi, nay đã chập chững biết đi và bập bẹ mà Thảo chỉ nghe qua điện thoại. “Ngày trước đi làm mình còn đưa vợ mỗi tháng 4 triệu, từ ngày vào đây thì vợ con đành sống nhờ vào ông bà nội. Tết đến, các thầy cô biết hoàn cảnh của mình nên hay hỏi thăm, sắm cho đôi dép mới. Vào đây, mình hối hận nhiều lắm. Mình mong sao ra ngoài đi làm kiếm tiền, sếp cũ có hứa là mình cố gắng cai nghiện rồi ra sẽ sắp xếp cho công việc mà làm” - Thảo đếm từng ngày để về nghe con gọi tiếng ba.
Tại Trường Giáo dục Đào tạo và Giải quyết việc làm số 2 (Trường 2, Lâm Đồng) do lực lượng thanh niên xung phong TP.HCM quản lý, vào những ngày cuối tuần các học viên lại được gặp người thân. Riêng anh Phương đành giấu nỗi nhớ vào trong. Dịp tết này vợ anh từ Quảng Nam muốn vào thăm nhưng anh bảo vợ ở nhà tranh thủ làm mà nuôi hai đứa con. Biết ba mẹ lo lắng, anh căn dặn hai đứa em trai nói là anh đi làm việc tận bên Lào, không có sóng điện thoại chứ mỗi lần gọi về là ba anh lại khóc. Cũng từ những lần đi đào vàng mà anh dính vào ma túy. “Cũng may mình là dân bãi bờ nên xa gia đình quen rồi. Tết ở trong này cũng có gian hàng hội chợ, thi gói bánh chưng, bánh tét, anh em giao lưu, karaoke… nên nguôi ngoai nhiều. Đợi khi ra rồi thì mình sẽ thú thật cho ba mẹ biết và cố gắng làm lụng cho vợ con không phải xấu hổ” - anh Phương chia sẻ.
Các học viên cơ sở cai nghiện Phước Bình đang hào hứng trang trí hoa mai, hoa đào trong khuôn viên. Ảnh: H.LAN
Cô trò cùng khóc
Nếu như học viên chỉ đón vài ba cái tết xa gia đình thì các thầy cô giáo nhiều năm liền phải túc trực ở cơ sở. “Mong ăn tết ở nhà lắm nhưng hòa cùng niềm vui các em cũng quen rồi. Khi tổ chức và cùng chơi với học viên thì mình cũng không còn cảm giác thiếu thốn và chạnh lòng, hụt hẫng nữa” - chị Bùi Thị Sen, giáo dục viên tại Trung tâm Phước Bình, chia sẻ đã đón tám cái tết tại trung tâm.
Chị Sen nhớ lại dịp sắp tết năm 2008 khi mới vào làm, chị chỉ muốn bỏ việc về quê khi tiếp xúc với các học viên tâm lý không ổn định. Dần dà chị nhận thấy học viên mỗi người một mảnh đời bất hạnh, muốn được chia sẻ nên chị dần đồng cảm. Vào đêm giao thừa, khi chuẩn bị thi gói bánh tét, trang trí khu ở thì chị bắt gặp học viên tên Trang trốn ra đằng sau khóc. “Hỏi ra sự tình, Trang nói nhớ nhà vì bố mẹ giận không lên thăm từ lúc đi cai. Hai cô trò đồng cảm vì cùng ăn tết đầu tiên xa nhà trong này, cùng ôm nhau khóc. Khóc đã rồi nhìn nhau cười” - chị Sen kể.
Thấm thoát đã 14 năm cán bộ quản lý dạy nghề Phan Văn Tám đón tết ở trung tâm Phước Bình. Nhớ những cái tết đầu tiên, ba mẹ già ở quê Nam Định vì chỉ có mình anh là con trai nên hay gọi hỏi chừng nào con về tết. Giờ đây, dường như đã quen với việc thiếu vắng con trai trong dịp lễ nên ông bà chỉ hỏi bao giờ con về chứ không nhắc nữa. Đêm 30 tết, cơ sở lại đốt lửa trại, hái hoa dân chủ, thi thời trang… nên thời gian nhanh chóng qua.
Tết xa nhà nên tình cảm của cán bộ và học viên cai nghiện như xích lại gần nhau hơn. Có tết các học viên ở Trường 2 còn tặng anh Nguyễn Gia Thành, Trưởng phòng Tư vấn giáo dục của trường, một ngôi nhà xếp bằng que kem với lời tri ân: “Đây là ngôi nhà hạnh phúc, trong đó được các thầy săn sóc, tụi em rất hạnh phúc”.
Cho vợ con ở lại qua đêm với học viên cai nghiện Trong dịp tết Nguyên đán 2017, các cơ sở đều chú ý tổ chức nhiều hoạt động chăm lo cho học viên. Học viên được tăng khẩu phần ăn, được lì xì, tặng quà nếu có hoàn cảnh khó khăn. Các trung tâm đều tăng số lượng ngày, thời lượng giờ thăm gặp của thân nhân, khen thưởng, giảm thời gian cai nghiện nếu học viên học tập và rèn luyện tốt... Theo lực lượng thanh niên xung phong TP.HCM, các đơn vị đã lên kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động như thi đấu bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, cờ tướng, bóng bàn, điền kinh..., nhiều trò chơi dân gian, lễ hội ẩm thực vui xuân, quà tặng âm nhạc, thi táo quân, hái hoa xuân, đố vui, thi viết cảm nhận tâm tình ngày xuân, trang trí bàn thờ Tổ quốc, cổng chào, câu đối tết. Đặc biệt Trường số 3 còn tạo điều kiện cho thân nhân học viên là vợ, con được ở lại qua đêm với học viên... Còn tại Trung tâm Phú Văn do Sở LĐ-TB&XH TP.HCM quản lý, 25 gia đình có hoàn cảnh khó khăn sẽ được trung tâm tặng vé xe khứ hồi lên thăm con em. ___________________________ 11.400 học viên đang được quản lý tại 12 cơ sở cai nghiện của TP.HCM, hầu hết là người lang thang, không có nơi cư trú ổn định. |