Tết xưa
Trước cả tháng, khắp nơi đã chộn rộn đón tết. Bắt đầu từ lễ tiễn ông Táo về trời với phong tục thả cá phóng sinh. Không khí tết ùa về tận hang cùng ngõ hẻm. Tết là phải có “Thịt mỡ, dưa hành câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Nơi nơi rộn ràng gói bánh, làm mứt, chưng hoa, bày quả và chế biến các món ăn tết... Tết có bánh chưng, bánh dầy (miền Bắc), bánh tét (miền Trung, miền Nam). Tết, không thiếu câu đối, tranh và hoa; Bắc hoa đào, Nam hoa mai. Phải có dưa hành, củ kiệu và mâm ngũ quả, ứng với ngũ hành và 5 màu riêng biệt. Bắc thường là chuối, bưởi, đào, hồng, quít. Nam thì mãng cầu (cầu), sung, dừa (vừa), đu đủ (đủ), xoài (xài); nghĩa là “Cầu cho sung túc, vừa đủ xài”, chứ không cầu giàu có. Nam bộ kỵ chưng các loại trái như sầu riêng, cam (khổ), lựu (đạn), táo (bom), bánh cốm (nổ)…
Người người nhộn nhịp sắm sửa, đi chợ mua hoa trái, vật dụng, may sắm. Trẻ con thì náo nức đợi quần áo mới. Sáng 30, nhà nhà dựng nêu. Từ già đến trẻ đều tổng vệ sinh thân thể, tắm rửa sạch sẽ. Mọi việc chuẩn bị phải hoàn tất sau bữa tối. Gần nửa thế kỷ xa quê, vẫn nhớ mãi không khí rộn ràng tết. Nhớ nhất là tập gói bánh tét. Bánh tét của bố tôi hồi đó nổi tiếng cả làng vì nhiều lá, ít mỡ, lạt chặt nên cả tháng vẫn chưa hỏng. Tối 30, lũ trẻ háo hức đợi bánh chín, mỗi đứa được xí phần quà là chiếc bánh tét trẻ con xinh xắn. Khoảng 23 giờ, cả nhà quây quần sum họp, cúng giao thừa tạ ơn trời đất và tổ tiên đã độ trì cho gia đình suốt năm qua. Dù tha phương lập nghiệp hoặc cầu thực đâu đâu, tối giao thừa phải có mặt ở nhà. Giây phút giao thoa trời đất trang nghiêm tĩnh lặng. Cả nhà tề tựu trước bàn thờ tổ tiên, cầu xin một năm mới an vui, thịnh đạt. Mọi người chúc tết nhau và người lớn lì xì cho con cháu.
Sau giao thừa có tục xông đất, xuất hành, hái lộc. Sáng mồng 1 mừng tuổi và lì xì; thăm viếng họ hàng thân thích; ăn chơi và cuối cùng là khai hạ (hạ nêu) vào mồng 6. Đầu năm mới có lễ Tịch điền, ngày xưa vua ra cày ruộng cầu mùa màng ấm no. Đây cũng là dịp các vua đổi niên hiệu, thiết triều ân đức, ghi nhớ công ơn tiên tổ, mở đại yến khen thưởng, thăng chức, ban luật, cử sứ và cả xuất quân. Tết cũng khởi đầu mùa lễ hội như ném chài ở Phú Thọ, chùa Hương, Đống Đa ở Hà Nội, chợ Chuộng ở Thanh Hóa, chợ Âm Dương ở Ninh Bình…
Tết nay
Có lẽ nhờ kinh tế phát triển nên cái ăn không còn quan trọng và cầu kỳ như xưa. Rất ít nhà còn giữ được nếp quê: gói bánh chưng, bánh tét; làm mứt, làm dưa; kết mâm ngũ quả, dựng nêu, mổ thịt… Mọi thứ được xã hội phân công thành dịch vụ, mọi lúc, mọi nơi; kể cả chuyện dọn dẹp và trang trí nhà cửa. Bánh mứt, hoa quả, rau quả, thịt thà… đều có sẵn trong siêu thị và các dịch vụ tiện lợi. Nhấc máy điện thoại là “Toàn quốc và cả quốc tế phục vụ cho mình”. Xưa, chỉ “tẩy trần” ở nhà, nay ra tiệm “tút body” toàn tập. Tất niên cũng là mùa từ thiện với các chương trình “Cây mùa xuân”, “Đưa công nhân về quê ăn tết”, các đoàn công tác xã hội tỏa khắp vùng sâu vùng xa, san sẻ nghĩa tình.
Xưa, tết là dịp ăn thiệt, bù cho cả năm thiếu thốn. Nay, đúng nghĩa ăn chơi. Lớp trẻ thì sợ mập; người lớn ngán đường, sợ mỡ, hãi cholesterol… nên phần ăn phải tinh túy. Cái uống thì phức tạp hơn, đủ bia rượu nội ngoại. Thiên hạ có phần sợ ăn chứ ít ai sợ uống. Tết là dịp thả dàn, chẳng sợ ai cằn nhằn, ngăn cản. Có gì cứ “đổ cho” tết. Kiêng ăn nhưng nhậu “líp ba ga” nên cũng như không! Chợ tết xưa được thay bằng chợ hoa (trước tết), đường hoa, hội hoa xuân (cả trước và sau Tết).
Các nghi thức tiễn ông Táo, cúng giao thừa cũng được giản lược tối đa. Xưa, giao thừa phải ở nhà quây quần. Bữa cơm cuối năm và đầu năm đều phải đủ mặt với những lời cầu chúc xuân mới tốt đẹp. Nay, giao thừa còn rong chơi ngoài phố, hàng quán phục vụ liên thông từ năm cũ sang năm mới. Các tỉnh miền Trung và Bắc bộ còn cố giữ nếp nhà đoàn tụ đón tết. Đi đâu tha phương lập nghiệp nhưng còn sống là phải về quê. Nam bộ thì xuề xòa hơn, nhất là những người kinh doanh dịch vụ.
Tết của những người lớn tha hương hải ngoại thường đầy đủ nghi thức và phong tục truyền thống thuần Việt tết. Nay nhờ điện thoại internet nên xa hóa gần, thấy rõ cả hình hài và mùi vị thân thuộc của quê nhà.
Từ năm 1994, Việt Nam cấm đốt pháo nổ mà thay bằng pháo hoa. Giao thừa, dân quê cũng lên phố tụ tập xem pháo hoa và văn nghệ đón xuân. Chỉ sáng mồng 1, mồng 2 là đường phố thênh thang và tĩnh lặng vì 2/3 dân thành phố tỏa về quê hoặc đi chơi tết. Với những người Sài Gòn không có quê thì đó là những ngày đẹp nhất quanh năm. Có thể thong dong dạo chơi và nhẩn nha thư giãn. “Mồng 1 tết cha, mồng 2 tết mẹ, mồng 3 tết thầy”, thăm thú bà con cũng chỉ còn tượng trưng và phiên phiến. Nhiều quán xá sau mồng 6 mới khai trương. Chẳng hề hấn gì vì nhà nào cũng có cả kho lương thực thực phẩm, đủ dùng trong cả tháng. Lì xì xưa là nét văn hóa; nay là dịp “kinh doanh quan hệ”, trẻ con cũng biết tính toán.
Tết đồng nghĩa với mùa du lịch cao điểm. Thăm thú người thân, nhiều lắm là vài bữa. Thời gian còn lại, rủ nhau đi hành hương và nghỉ dưỡng. Nhiều nhà còn tranh thủ “trốn” tết, đi chơi từ năm cũ sang năm mới.
Tết giờ đơn giản gấp mấy lần xưa mà nhiều người lớn vẫn ngán. Có người còn đề nghị bỏ Tết Nguyên đán, chỉ đón tết Tây như Nhật Bản. Việc này thì cá nhân tôi kịch liệt phản đối. Dù có phôi pha nhiều hương vị, Tết Việt Nam vẫn mang đậm nét văn hóa đặc trưng của dân tộc và độc đáo so với nhiều nước khác. Là dịp để những người Việt xa quê nhớ về tổ tiên nguồn cội. Nghi thức có thể giản lược, nhưng cần trân trọng. Ăn chơi sao cho hợp lý, còn uống thì chỉ hương hoa, đặc biệt phải đoạn tuyệt với kiểu nhậu xả láng và cờ bạc trá hình lộng hành như hiện nay.