Đối với bà con Vân Kiều, Pa Kô nơi núi rừng Trường Sơn này, điện chiếu sáng được ví như “ánh bình minh” chiếu rọi khắp các ngõ ngách của bản làng, xua đi cảnh tối tăm ảm đạm để mang đến một nguồn vui lớn, một cuộc sống mới tươi đẹp hơn trong tương lai.
Đường dây điện lưới được kéo về bản nghèo
Ánh điện thắp sáng vùng khó
Chúng tôi vẫn chưa thể quên được nét mặt vui tươi của bà con tại bản Cu Pua, Chân Rò (xã Đakrông, huyện Đakrông) trong ngày vui có điện, cả những ánh mắt long lanh, vui sướng của những đứa trẻ nơi đây khi nhìn những người bạn đồng trang lứa đang nhảy múa, hát hò trên ti vi. Những cảm giác, cử chỉ đơn giản đó dù có thể được coi là “chuyện nhỏ nhặt” đối với một số người, nhưng nó đã để lại ấn tượng sâu đậm, khiến chúng tôi cũng phải suy ngẫm. Chính bản thân người viết và chắc hẳn rất nhiều người khác cũng đã từng trải qua cảm giác này, có điều là sớm hơn một chút. Còn đối với bà con và trẻ em tại các bản làng xa xôi, đó không hề là “chuyện nhỏ” mà đã trở thành “niềm vui lớn” của biết bao con người chưa từng một lần thấy ánh điện.
Trẻ em tại bản Cu Pua, Chân Rò vui sướng xem truyền hình trong ngày đóng điện
Gìa làng Hồ Ốt (SN 1941, thôn Cu Pua, xã Đakrông) xúc động, chia sẻ: “Bà con miềng vui cái bụng lắm nhà báo ơi. Lần đầu tiên được thấy ánh điện soi rọi khắp nhà. Bà con được xem ti vi, xem các chương trình, được nghe tiếng nói của mọi người khắp cả nước. Trước đây cả bản không có điện, đời sống dân bản vô cùng khó khăn. Để có nguồn sáng, bà con miềng phải mua dầu thắp, quay máy nổ nên rất tốn kém. Và, để tiết kiệm tiền bạc nên phần lớn mọi hoạt động đều diễn ra trong bóng tối. Được Đảng, Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện đưa mạng lưới điện về từng thôn bản, việc học hành của các cháu được đảm bảo hơn, sinh hoạt cũng thuận lợi…dân bản ai cũng vui và phấn khởi lắm”.
Cán bộ ngành điện kiểm tra lại các thiết bị dẫn điện, công tắc trong nhà dân
Những cảm xúc đó của già Ốt có lẽ cũng là tâm trạng chung của bà con Vân Kiều bản Ku Pua, Chân Rò và nhiều địa phương khác ở huyện nghèo này. Bởi hàng chục năm qua, bà con phải sống trong điều kiện hết sức thiếu thốn, không có điện chiếu sáng nên không tiếp cận được thông tin xảy ra bên ngoài, tội nhất là các em học sinh khi học bài ban đêm cũng phải thắp đèn dầu. Hơn nữa, thiếu điện chiếu sáng cũng đã phần nào ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội ở khu vực miền núi.
Chị Hồ Thị Cưm, ở thôn Tà Lao, xã Tà Long, phấn khởi nói: “Mấy chục năm nay rồi bà con mới có điện sáng, không cần phải sử dụng đèn dầu, nến nữa rồi. Hôm cán bộ đóng điện vào nhà, mấy đứa trẻ con nhà mình nó vui lắm, thấy mấy đứa trẻ trên truyền hình múa hát, chúng nó cũng nhảy múa theo. Có điện thì bà con mình sẽ tiếp cận được thông tin bên ngoài, chứ không phải sống mù mờ như trước nữa. Miềng thấy vui sướng lắm!”
Người nhà chị Cưm quây quần bên chiếc ti vi mới sắm
Sau hơn 7 tháng triển khai, Công trình cấp điện cho 15 thôn, bản chưa có điện tại 3 xã Tà Long, Đakrông và Hướng Hiệp của huyện Đakrông với quy mô dự tính gồm 39,87km đường dây trung áp; 31,44km đường dây hạ áp; 17 trạm biến áp; lắp mới 743 công tơ; phổ cập điện cho trên 700 hộ dân với tổng mức đầu tư 71,16 tỷ đồng thì hiện tại bước đầu đã mang đến nguồn sáng cho 225 hộ đồng bào dân tộc tại 5 thôn bản gồm: Tà Lao, Khe Hiên, Chân Rò, Cu Pua 1 và Cu Pua 2. Đây là công trình trọng điểm có ý nghĩa thiết thực, tạo bước đột phá tích cực trong việc đưa điện đến địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, góp phần “phủ sóng” lưới điện khắp các vùng miền trên toàn tỉnh Quảng Trị.
Công trình thuộc Tiểu Dự án Nâng cấp và mở rộng lưới điện phân phối nông thôn - phần mở rộng tỉnh Quảng Trị, được đầu tư bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) theo Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 – 2020 của Chính phủ, nhằm tạo điều kiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất của người dân khu vực nông thôn, miền núi, thực hiện mục tiêu xoá đói, giảm nghèo tại khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Ông Phạm Sỹ Hùng, Phó Giám đốc Tổng Công ty điện lực miền Trung cho biết, nhờ UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức thực hiện và chịu kinh phí về công tác đền bù giải phóng mặt bằng, nên việc đưa điện về các thôn, bản hẻo lánh được thuận lợi hơn. Do khu vực triển khai xây dựng công trình có địa hình tương đối phức tạp, công tác vận chuyển vật tư, thiết bị thi công gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực của Ban Quản lý dự án Điện nông thôn miền Trung, các nhà thầu thi công, sự phối hợp chặt chẽ của Công ty điện lực Quảng Trị và công tác chỉ đạo sâu sát của UBND tỉnh Quảng Trị đối với các ban, ngành địa phương trong việc đẩy nhanh công tác đền bù giải phóng mặt bằng cũng là một yếu tố góp phần đẩy nhanh tiến độ công trình.
Ông Trần Văn Chạy, Chủ tịch UBND xã Đakrông, huyện Đakrông cho biết, mấy chục năm qua, do không có điện nên cuộc sống của bà con hết sức khó khăn, người dân không có thông tin, không xem được ti vi, nghe nhạc, nghe đài, trẻ em không có điện sáng để học hành, muốn khoan giếng cũng không có điện để bơm, mùa hè nóng không có máy quạt, người dân phải thắp đèn dầu sinh hoạt, lấy ánh sáng cho con học bài. Thiếu điện cũng là một trong những trở ngại to lớn đối với việc phát triển kinh tế, áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Tuy nhiên, hiện nay bà con tại các bản Chân Rò và thôn Cu Pua (gồm có 3 bản: A Tơng, A Tơi và Cu Pua) đã được sử dụng lưới điện quốc gia. Hiện nay, chỉ còn 24 hộ dân thôn Pa Tầng tại Km 3 đường Hồ Chí Minh, tuy đã có điện nhưng chưa có trụ điện hạ thế, người dân tự kéo điện từ Km 4 ra nên điện rất yếu, đường dây không đảm bảo.
“Mùa Xuân này bà con trong xã sẽ được đón Tết đầm ấm vui tươi hơn trước rồi. Có điện lưới, bà con sẽ tiếp cận được nhiều thông tin hữu ích để ứng dụng trong sản xuất, phát triển kinh tế và nâng cao đời sống tinh thần” – ông Chạy bày tỏ.
“Có điện rồi, làm ăn phải khác”
Men theo con đường dẫn vào thôn Tà Lao, xã Tà Long, chúng tôi nhiều lần cảm thấy “thót tim” vì sau mấy ngày mưa dầm dề nên đường sá hết sức trơn trượt. Mặc dù cũng có nhiều đoạn được đổ bê tông, nhưng chủ yếu vẫn là đường đất đá lởm chởm. Chật vật mãi mới đến được Tà Lao, cách trung tâm xã hơn chục km. Vừa mới đặt chân xuống đầu bản, chúng tôi đã nghe thấy tiếng nhạc cùng tiếng loa công suất lớn đập ầm ầm. Ngạc nhiên trước sự thay đổi quá bất ngờ này, chúng tôi rẽ vào nhà Bí thư chi bộ thôn Hồ Văn Quyền để nắm bắt thông tin. Là một thanh niên trẻ nhưng anh Quyền đã trải qua 2 nhiệm kỳ làm bí thư ở bản này.
Bí thư Quyền vui mừng trao đổi với phóng viên về sự thay đổi trong đời sống người dân
Bí thư Hồ Văn Quyền cho biết, thôn Tà Lao có gần 80 hộ dân, chia làm 3 tổ, nhưng có đến gần 50 hộ ở tít tận cùng của bản. Vừa qua, 49 hộ còn lại thuộc khu vực 2,3 được sử dụng lưới điện quốc gia, nâng tổng số hộ dân có điện trong thôn đạt 100%. Giải thích những thắc mắc của chúng tôi, anh Quyền cười bảo: “Mấy ngày qua bản vui nhộn hẳn lên bởi đi nhà nào cũng nghe thấy tiếng ti vi, tiếng nhạc đập rộn ràng. Khi ngành điện tổ chức kéo đường dây vào bản, một số hộ đã đi mua sắm ti vi, chờ điện kéo vào nhà là sử dụng. Sau khi có điện chiếu sáng, khu vực này cũng đã có nhiều hộ dân sắm được ti vi, đầu máy rồi đó. Mấy chục năm nay sống trong bóng tối rồi nên giờ có điện chiếu sáng bà con trong bản vui sướng lắm”.
Nhiều người dân trong bản mua được máy thu hình cỡ lớn
Để kiểm chứng lời anh Quyền, chúng tôi đi về cuối bản và đã tận mắt thấy nhiều nhà gắn thiết bị thu tín hiệu ti vi bên ngoài. Bước vào nhà, chúng tôi càng ngạc nhiên hơn khi thấy nhiều hộ đã có thiết bị để xem truyền hình, nghe các chương trình phát thanh. Điện sáng về bản có thể được xem là một bước ngoặt trong việc thay đổi tập quán của bà con trong bản, góp phần đưa “ánh sáng văn minh” đến với bà con, thu hẹp lại khoảng cách phát triển với những khu vực bên ngoài. Chúng tôi thầm nghĩ, đây chính là động lực to lớn để bà con trong bản tiếp thu, học hỏi kiến thức khoa học để áp dụng vào trong sản xuất và đời sống, bà con tiếp cận được các đường lối tuyên truyền, rồi các quy định của pháp luật...Tiếc là sau mấy chục năm, đến nay thì ước muốn đó của người dân mới thành hiện thực. Nhưng dẫu muộn còn hơn là để người dân cứ loay hoay mãi trong cái đói, cái nghèo mà không biết làm cách nào bứt ra được. Chưa hết, các thế hệ trẻ trong bản khó có thể tiếp cận thông tin để nâng cao nhận thức cho chính mình, chưa nói đến việc “mù tịt” các quy định của luật pháp để rồi sa ngã vào các hành vi phạm tội lúc nào cũng không hay.
Do điều kiện kinh tế khó khăn, lại cách xa trung tâm nhưng nhiều năm qua, người dân ở Tà Lao đã biết trồng rừng, trồng sắn, trồng lúa nước để phát triển kinh tế gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, khu vực Tà Lao nói riêng và xã Tà Long nói chung cũng không nằm ngoài mặt bằng khó khăn chung của cả huyện. Vẫn còn đó những yếu tố cản trở đến sự phát triển kinh tế, xã hội như: đường sá đi lại khó khăn, cách trở; đời sống của bà con còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, vẫn còn sống nhờ vào trợ cấp của nhà nước; trồng trọt, chăn nuôi vẫn còn èo uột, lẫn nhiều đặc điểm về văn hóa, phong tục tập quán lâu đời còn có phần lạc hậu, chưa thể thay đổi trong ngày một, ngày hai; trình độ dân trí chưa cao và nguồn điện chiếu sáng…
Bí thư Hồ Văn Quyền bộc bạch: “Nói đến những khó khăn thì chắc mình kể cả ngày cũng không hết, chắc nhà báo cũng đã phần nào hiểu được rồi. Mình luôn hy vọng rằng, có điện chiếu sáng rồi, nếu được cấp trên quan tâm hơn nữa thì bà con mình sẽ được tiếp cận với các tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bà con có thể học tập các phương pháp thoát nghèo, làm giàu trên truyền hình vào thực tế đời sống. Chắc chắn, việc làm ăn sau này sẽ khác hơn rồi. Mình đã từng xem trên ti vi hướng dẫn các cách thức trồng trọt, chăn nuôi, nếu những kinh nghiệm, kiến thức quý báu đó đến tận tai người dân trong bản sẽ có sự thay đổi tích cực cho mà xem”.
Nghe xong lời anh Quyền, chúng tôi cũng cảm thấy vui như “mở cờ” ở trong bụng. Trước mắt, mùa Xuân này bà con sẽ được đón Tết Bính Thân 2016 trong sự đầm ấm, tươi vui, rộn rã hơn. Bởi, đây là Xuân đầu tiên sau mấy chục năm điện lưới quốc gia mới về đến tận bản. Còn về tương lai, hy vọng cuộc sống của bà con Tà Lao cũng như nhiều địa phương trên dải đất biên cương này sẽ thay đổi như vậy. Tôi tin là bà con nơi đây sẽ từng bước thoát khỏi cảnh đói nghèo đeo đẳng mấy chục năm nay.