Ảnh minh họa.
Không đồng tình khi dân mạng muốn tuyển dụng hết số người trượt
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, xung quanh việc 30 thạc sỹ, thủ khoa học ở nước ngoài trượt công chức Hà Nội, tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 7/5.
Ông Tuấn cho biết: “Sau khi báo chí phản ánh, tôi có trao đổi với Hà Nội thì được biết, những người chưa được tuyển dụng lần này do chưa đáp ứng được yêu cầu công việc.
Tôi nghĩ rằng dù anh tốt nghiệp trong nước hay nước ngoài thì chúng ta cũng không nên phân biệt là cứ tốt nghiệp nước ngoài về là giỏi, còn trong nước không giỏi”.
Theo ông Tuấn, một khi mọi người đều đã tốt nghiệp ở trình độ đại học thì cũng cần nhìn nhận họ một cách công bằng. Ví như bây giờ mình tuyển dụng thì pháp luật cũng đâu cho phép phân biệt chính quy với không chính quy? Hà Nội cũng thế, qua kiểm tra chúng tôi thấy Hà Nội đã làm đúng quy trình, quy định thủ tục và đảm bảo nguyên tắc công bằng khách quan.
Ông Tuấn cũng bày tỏ quan điểm không đồng tình khi đọc trên mạng thấy nhiều bình luận trên mạng thiên về phản cảm và tỏ ý không đồng tình với việc để những trường hợp này bị trượt, tức là dư luận muốn những người đó phải được tuyển dụng hết.
“Vấn đề tuyển dụng là phải phù hợp với công việc. Ví dụ như một người tốt nghiệp toán học loại giỏi nhưng đưa về làm công tác tổ chức cán bộ, trái ngành thì rất khó. Nên cái đầu tiên là lĩnh vực anh đào tạo phải phù hợp với lĩnh vực anh công tác, mới gắn với chuyên môn nghiệp vụ. Do đó, có thể Hội đồng sát hạch Hà Nội khi xem xét thấy không phù hợp nên chưa tuyển dụng”, ông Tuấn lý giải.
Phải thêm quay phim, ghi âm kì thi đảm bảo công bằng, khách quan
Mặt khác, theo ông Tuấn để việc xét tuyển được công bằng, khách quan, trong quá trình sát hạch cần bổ sung quy định về quay phim, ghi âm lại nội dung phỏng vấn, sát hạch để sau này khi có ý kiến khiếu nại thì các cấp có thẩm quyền sẽ trực tiếp xem lại để đối chiếu.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh thêm thực tế không phải chỉ có một con đường duy nhất làm công chức mà còn rất nhiều công việc khác có thể cống hiến cho xã hội. Vì vậy nếu những người có tài thật sự không làm công chức thì làm những ngành khác đều có thể giúp cho xã hội và chúng ta không bên nặng bên nào hay nhẹ bên nào.
“Điều quan trọng là tuyển được người giỏi nhưng phải phù hợp với công việc. Còn khi nào có sai phạm, chúng tôi sẽ kiểm tra ngay”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 23/4, Sở Nội vụ Hà Nội đã công bố kết quả kiểm tra, sát hạch tiếp nhận công chức không qua thi tuyển tại kỳ tuyển dụng công chức thành phố Hà Nội năm 2015 với 4.500 thí sinh, dự thi sát hạch để vào 560 vị trí trong bộ máy hành chính của thủ đô. Theo đó, có đến gần 50% tổng số thí sinh tham dự sát hạch không đạt.
Cụ thể, trong tổng số 63 thí sinh thuộc đối tượng là thủ khoa đại học trong nước, bằng giỏi nước ngoài, có đến 30 người bị đánh trượt (5 thí sinh có bằng thạc sỹ loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài và 25 thí sinh là thủ khoa, thủ khoa xuất sắc trong nước, cử nhân bằng giỏi nước ngoài).
50% phải lót tay để xin làm công chức?
Trong khi đó, ngày 21/4, chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) cũng đã chỉ rõ hiện tượng phải đưa "lót tay" thì mới xin được việc làm trong cơ quan nhà nước. Cụ thể, có tới 49% số người được hỏi trên toàn quốc cho rằng có hiện tượng đó ở địa phương nơi họ sinh sống. Gần 50% số người được hỏi cho biết phải "lót tay" mới xin được việc vào cơ quan Nhà nước.
Trao đổi với Đất Việt về con số này, GS.TS Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, ông tin kết quả của các chỉ số này.