Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thái Bình: Khai hội chùa Keo - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Tối ngày 24/10 (ngày 10/9 năm Quý Mão), tại di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo, Huyện Vũ Thư đã long trọng tổ chức khai mạc lễ hội chùa Keo mùa thu năm 2023, chương trình khai mạc được truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình tỉnh Thái Bình và 35 Đài Phát thanh và Truyền hình các tỉnh, thành phố tiếp sóng.

Điểm nhấn đặc sắc của lễ khai mạc năm nay là chương trình nghệ thuật mang âm hưởng sử thi “Chùa keo – linh thiêng đất phật”. Đây là chương trình nghệ thuật tổng hợp, được dàn dựng công phu phác họa lại quá trình xây dựng và hình thành chùa Keo trong hơn 900 năm qua gắn với vị Thiền sư nổi tiếng thời Lý Dương Không Lộ - người đã có công dựng chùa.

Chương trình nghệ thuật

Chương trình nghệ thuật "Linh thiêng đất Phật".

 Ngay sau tiếng trống khai hội, đông đảo nhân dân cùng du khách thập phương đã được theo dõi chương trình nghệ thuật đặc sắc mang đậm sắc thái văn hóa dân gian, với sự tham gia, trình diễn của trên 300 nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên đến từ các đoàn nghệ thuật trong và ngoài tỉnh.

Các đại biểu và du khách tham dự lễ hội.

Các đại biểu và du khách tham dự lễ hội.

Chương trình nghệ thuật có 3 chương. Chương I: Huyền tích chùa Keo; Chương II: Về miền di sản; Chương III: Vẻ đẹp bất tận, chương trình được lên kịch bản bởi nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thanh, Bùi Gia Huân; được cố vấn lịch sử bởi Giáo sư sử học Lê Văn Lan. Chương trình không chỉ là điểm nhấn của ngày hội văn hóa tâm linh, mà còn góp phần thắp sáng thêm những giá trị truyền thống văn hóa, truyền thống yêu nước và cách mạng của miền quê Thái Bình nói chung, Vũ Thư nói riêng.

Lễ hội chùa Keo mùa thu diễn ra trong 6 ngày, từ ngày 24-29/10 (tức từ ngày 10 đến hết ngày 15/9 âm lịch). Trong những ngày diễn ra lễ hội, sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa, tâm linh, thể dục thể thao đặc sắc như: Du thuyền hát giao duyên; các hoạt động tế lễ Phật, Thánh; rước kiệu Thánh; liên hoan các câu lạc bộ chèo; biểu diễn múa rối nước; đêm hội hoa đăng…

Hát du thuyền giao duyên trên hồ ở lễ hội chùa Keo.

Hát du thuyền giao duyên trên hồ ở lễ hội chùa Keo.

Nằm trong chương trình lễ hội, vào lúc 7h30 ngày 24/10, tại tòa Giá Roi, với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo huyện Vũ Thư, lãnh đạo một số địa phương, cùng đông đảo tín đồ phật tử, du khách thập phương và nhân dân xã Duy Nhất. Ban tổ chức lễ hội đã thực hiện nghi thức khai chỉ và mở cửa đền thánh.

Lãnh đạo huyện Vũ Thư dâng hương, tại Lễ khai chỉ mở cửa đền thánh.

Lãnh đạo huyện Vũ Thư dâng hương, tại Lễ khai chỉ mở cửa đền thánh.

Cũng trong sáng ngày 24/10, Ban tổ chức lễ hội đã khai mạc Hội chợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP năm 2023. Hội chợ có 20 gian hàng, trưng bày, giới thiệu các mặt hàng, chủng loại sản phẩm đa dạng, phong phú mang đặc trưng của các vùng miền (các huyện, thành phố trong tỉnh Thái Bình, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên.

Các gian hàng giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP.

Các gian hàng giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP.

Đây là lần đầu tiên huyện Vũ Thư kết hợp lễ hội để tổ chức hội chợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP nhằm tạo sự gắn kết giữa các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội và du lịch của huyện, giữa các huyện trong tỉnh Thái Bình và tỉnh bạn (Thái Nguyên).

Chùa Keo tên chữ là Thần Quang Tự, tọa lạc tại làng Keo, xã Duy Nhất (Vũ Thư). Gần 400 năm đã trôi qua, chùa Keo đã nhiều lần được tu bổ, tôn tạo nhưng vẫn giữ nguyên bản sắc kiến trúc độc đáo từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII).

Năm 2012, chùa Keo được công nhận di tích quốc gia đặc biệt. Năm 2017, lễ hội chùa Keo được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2021, hương án chùa Keo được công nhận bảo vật quốc gia.

Lễ hội chùa Keo được duy trì đều đặn hàng năm nhằm tưởng nhớ công đức của Quốc sư Dương Không Lộ - vương triều nhà Lý, cũng như tri ân công lao của những người đã có công xây dựng chùa.

Mỗi năm, chùa Keo đều tổ chức 2 mùa lễ hội, trong đó, lễ hội mùa thu là hội chính với những nghi thức tế lễ và trò chơi mang đậm sắc thái văn hóa dân gian, gần gũi với nét sinh hoạt của cư dân đồng bằng châu thổ sông Hồng.