Cơ sở sản xuất mây tre đan xuất khẩu Tây An ( xã Tây An, huyện Tiền Hải) do bà Phạm Thị Ngắn làm chủ, từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội hơn 630 triệu đồng vay từ Quỹ quốc gia về giải quyết việc làm, đến nay cơ sở đã tạo việc làm cho hơn 7.000 lao động nông thôn với thu nhập bình quân ba triệu đồng/người/tháng. Bà Ngắn cho biết, với số vốn vay nêu trên, bà đã đầu tư máy móc, nguyên liệu và mở rộng sản xuất. Hiện tại, sản phẩm của cơ sở đã có mặt khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhiều mặt hàng đã xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản... tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động.
Năm 2003 để mở rộng hoạt động sản xuất, Công ty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ người tàn tật (xã Vũ Ninh, huyện Kiến Xương) do anh Lại Văn Điệp làm chủ doanh nghiệp cũng đã vay 300 triệu đồng từ quỹ vay vốn quốc gia giải quyết việc làm thông qua tổ chức Đoàn Thanh niên xã. Từ nguồn vốn vay ban đầu, sau nhiều năm hoạt động đến nay doanh thu của Công ty đạt trên 5 tỷ đồng/năm, trừ chi phí mỗi năm lợi nhuận Công ty đạt 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 30 lao động, trong đó có 14 lao động là người khuyết tật với thu nhập bình quân 6-7 triệu đồng/người/tháng. Anh Điệp tâm sự, là người tàn tật nên việc kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn, nhất là nguồn vốn. May mắn với Công ty, nhờ nguồn vốn quốc gia giải quyết việc làm Công ty đã đầu tư máy móc, nguyên liệu và mở rộng sản xuất. Hiện tại các mặt hàng đồ gỗ của Công ty đã có mặt khắp các tỉnh thành trong cả nước, tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động, trong đó có người khuyết tật…
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Bìn cho biết, với đặc thù là tỉnh có diện tích hẹp nhưng mật độ dân cư đông đúc đem lại nguồn nhân lực tương đối dồi dào với hơn 33 nghìn lao động/năm. Do đó, nhu cầu về việc làm của người lao động trên địa bàn là tương đối lớn, đây là một bài toán khó đối với tỉnh Thái Bình.Nhất là trong năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế – xã hội cũng như việc làm của người dân. Chính vì thế công tác giải quyết việc làm cho người lao động đã và đang được các cấp, các ngành và tỉnh Thái Bình đặc biệt quan tâm, chú trọng.
Nhiều giải pháp đồng bộ đã được tỉnh Thái Bình đưa ra như: Đẩy mạnh việc kết nối với nhiều tỉnh thành lân cận như Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh…vv trong việc thu hút lao động vào các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh; tổ chức nhiều hội nghị giới thiệu Luật lao động, chính sách việc làm; các phiên giao dịch giới thiệu việc làm được tổ chức ngày một nhiều và hiệu quả, góp phần tạo nên một lượng lớn việc làm cho người lao động.
Đặc biệt phải kể đến, nguồn việc làm được tạo ra từ vốn vay Quỹ về việc làm tại Thái Bình là rất lớn. Thời gian qua, hoạt động cho vay của Quỹ quốc gia về giải quyết việc làm đã góp phần quan trọng hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động. Hiệu quả từ thực tế thực hiện chương trình đã được khẳng định, trong đó các dự án nổi bật, trở thành mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu tại địa phương như: Hợp tác xã thủy tinh Hồng Quang của bà Nguyễn Thị Hòa vay vốn với số tiền 1 tỷ đồng đã tạo việc làm cho 20 lao động; cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi của bà Phạm Thị Hồng Oanh vay vốn với số tiền là 195 triệu đồng đã tạo việc làm cho 02 lao động. Công tác thu hồi nợ được quan tâm và chú trọng thực hiện tương đối hiệu quả. Tỷ lệ nợ quá hạn hiện nay là 0,57%.
Với nguồn vốn bổ sung và thu hồi hằng năm, các ngành chức năng của tỉnh như Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và các địa phương phối hợp với các hội đoàn thể (Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn thanh niên Cộng sản HCM, Hội Cựu chiến binh, Liên minh Hợp tác xã) xây dựng kế hoạch, triển khai, giám sát việc sử dụng vốn vay có hiệu quả, đúng quy định và mục tiêu của Chương trình; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh có nhu cầu vay vốn đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, thu hút và tạo việc làm cho người lao động.