Kết quả phòng, chống mại dâm 6 tháng đầu năm
Ngày 16/5 mới đây, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Thái Nguyên đã tạm giữ hình sự đối với Ngô Thu Hằng, sinh năm 1994, trú tại tổ 2, phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên về hành vi “Môi giới mại dâm”.
Trước đó, thực hiện kế hoạch triệt phá đường dây môi giới mại dâm do Hằng điều hành, các trinh sát đã bắt quả tang 3 đôi nam nữ đang thực hiện hành vi mua bán dâm tại một nhà nghỉ. Qua khai thác, các gái bán dâm khai nhận, được Hằng dẫn dắt, mỗi lần đi khách được trả 700 đến 800 nghìn đồng. Đường dây này hoạt động được gần 1 năm, khi có khách, Hằng gọi điện cho gái, điều đến địa điểm khách đợi, mỗi lần mua dâm khách phải trả cho Hằng 1,1 triệu đồng, Hằng giữ lại 200 đến 300 nghìn còn lại trả cho gái bán dâm.
Vụ việc trên chỉ là một trong 5 vụ (27 đối tượng vi phạm pháp luật về mại dâm) được lực lượng Công an toàn tỉnh phát hiện, bắt giữ từ 15/12/2020 đến 10/6/2021; hiện đã khởi tố 3 vụ, 4 bị can về tội chứa mại dâm (01 vụ, 02 bị can từ kỳ trước chuyển sang). Xử phạt hành chính 22 đối tượng mua, bán dâm, phạt tiền 10.450.000 đồng, xử lý vi phạm 02 chủ cơ sở massage về hành vi thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra hoạt động mua bán dâm ở cơ sở mình quản lý, số tiền phạt là 36.900.000 đồng nộp ngân sách nhà nước.
Hiện, toàn tỉnh có 1.102 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện dễ dẫn đến phát sinh tệ nạn mại dâm. Trong đó: Cơ sở lưu trú 642; nhà hàng karaoke và cơ sở massage 396; vũ trường: 03; loại hình khác như cà phê giải khát, cắt tóc gội đầu thư giãn 61, có 3.705 nhân viên làm việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ.
Số người bán dâm trên địa bàn tỉnh có hồ sơ quản lý 6 tháng đầu năm 2021 là 11 người (trong tỉnh: 5 người, ngoài tỉnh: 6 người); ước tính có khoảng 250 người nghi hoạt động mại dâm trá hình trên địa bàn tỉnh.
Nhiều hoạt động phòng, chống mại dâm được triển khai
Để công tác phòng, chống mại dâm đạt kết quả, Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến nhiệm vụ trọng tâm phòng, chống mại dâm như kiện toàn Đội kiểm tra liên ngành 178 về phòng, chống tệ nạn mại dâm tỉnh; Kế hoạch tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ; Quyết định về kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Đồng thời, Sở LĐ-TB&XH cũng xây dựng các kế hoạch, công văn phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh. Các Sở, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị đã ban hành các kế hoạch, công văn triển khai thực hiện công tác phòng, chống mại dâm. Bố trí nguồn lực thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm.
Việc tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về phòng, chống mại dâm đến người dân được chú trọng. Trong 6 tháng đầu năm 2021, các sở, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội cấp tỉnh đã phối hợp với cấp huyện, cấp xã triển khai hoạt động thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về phòng, chống tội phạm và phòng, chống tệ nạn xã hội theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị. Toàn tỉnh đã tổ chức 1.869 cuộc tuyên truyền phòng, chống mại dâm lồng ghép với công tác phòng, chống tội phạm và phòng, chống tệ nạn xã hội, thu hút trên 160.000 lượt người tham dự; làm 20 băng zôn tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội treo tại trục đường chính địa bàn thành phố; cấp phát 18.000 tờ rơi, 3.000 cuốn sách, viết 11 tin bài về công tác phòng, chống tội phạm, phòng, chống tệ nạn xã hội; xây dựng 51 phóng sự về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và chuyên mục Văn hóa nhằm mục tiêu xây dựng con người và cộng đồng văn hóa, bài trừ tệ nạn xã hội, ma túy, mại dâm.
Các đơn vị đã tích cực triển khai công tác tuyên truyền phòng, chống mại dâm như: Ngành Công an tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; Sở Tư pháp thực hiện phòng, chống mại dâm thông qua công tác trợ giúp pháp lý, in và phát hành sách, tờ gấp phổ biến, giáo dục pháp luật; Sở Giáo dục và Đào tạo tuyên truyền phòng, chống mại dâm qua phát thanh nội bộ trường học, nói chuyện chuyên đề, tích hợp giáo dục phòng, chống mại dâm trong các giờ nội khóa; Hội Liên hiệp Phụ nữ đổi mới hình thức tuyên truyền để phù hợp với điều kiện thực tiễn, đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện tuyên truyền trên mạng xã hội (zalo, facebook), qua trang thông tin điện tử của Hội.
Lực lượng Công an toàn tỉnh đã tổ chức kiểm tra 200 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, massage, karaoke. Qua kiểm tra có 02 cơ sở vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm bị xử lý vi phạm rút giấy phép kinh doanh và phạt tiền.
Các cấp Hội liên hiệp phụ nữ tiếp tục duy trì hoạt động của 2.660 mô hình câu lạc bộ “5 không, 3 sạch”, 141 mô hình phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, 1.262 mô hình “địa chỉ tin cậy” ở cộng đồng nhằm giúp đỡ, tư vấn pháp luật và hỗ trợ nạn nhân giảm thiểu rủi ro bảo đảm trật tự an ninh tại địa phương.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc duy trì mô hình về tham gia thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng, chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS ở khu dân cư tại 02 địa bàn (Thị trấn Bãi Bông, thị xã Phổ Yên; xã Phúc Xuân, thành phố Thái Nguyên.
Trong quá trình phòng, chống mại dâm, tỉnh còn gặp phải một số khó khăn, hạn chế như: Hoạt động mại dâm thường núp bóng, trá hình nên hoạt động này vẫn còn xảy ra trên địa bàn. Hoạt động phòng, ngừa mại dâm thông qua lồng ghép các chương trình kinh tế - xã hội và an sinh còn hạn chế, do chế độ hỗ trợ đối với người bán dâm còn chung chung, chưa cụ thể, khó thực hiện như (hỗ trợ về y tế, chăm sóc sức khỏe, dạy nghề, tìm kiếm việc làm, vay vốn…). Chưa thực hiện được các hoạt động hỗ trợ cho người bán dâm, do người bán dâm sau khi bị xử lý vi phạm hành chính đa số không trở về gia đình, địa phương, tiếp tục đi làm ăn xa, khó khăn cho công tác quản lý, giúp đỡ người bán dâm. Đội kiểm tra liên ngành 178 về phòng, chống mại dâm cấp tỉnh, cấp huyện chưa thực hiện kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện trên địa bàn do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tạm dừng hoạt động kiểm tra để phòng, chống dịch Covid -19.
Nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm
Để làm tốt công tác phòng, chống mại dâm 6 tháng cuối năm, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức về phòng, chống mại dâm tới người dân; Đẩy mạnh thực hiện các hoạt động phòng ngừa mại dâm; Tăng cường công tác quản lý địa bàn, thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện, kịp thời phát hiện các tụ điểm, đường dây, đối tượng tổ chức hoạt động mại dâm; Đấu tranh, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm liên quan đến mại dâm; Tiếp tục duy trì các mô hình câu lạc bộ của các tổ chức đoàn thể lồng ghép với công tác phòng, chống tệ nạn xã hội; xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn mại dâm; Tổ chức các lớp tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ cấp huyện, cấp xã; Tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể và các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh trong công tác phòng, chống mại dâm…