Trẻ em ngày càng được bảo vệ, chăm sóc tốt hơn
Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 03/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, trình tự đánh giá và công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Nguyên đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố, thị xã về việc triển khai thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg. Đồng thời, Sở LĐ-TB&XH cũng ban hành văn bản về việc hướng dẫn một số nội dung thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg và hướng dẫn thu thập thông tin, đánh giá và công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em.
Bên cạnh đó, UBND, Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thành phố, thị xã cũng đều ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các xã, phường, thị trấn để triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 06 trên địa bàn. UBND các xã, phường, thị trấn căn cứ chỉ đạo đã xây dựng kế hoạch, thực hiện tuyên truyền về các nội dung của Quyết định số 06 đến cộng đồng dân cư.
Công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nhiều năm qua đã được triển khai trên địa bản tỉnh Thái Nguyên theo Luật Bảo vệ chăm sóc trẻ em (nay là Luật Trẻ em 2016), Công ước quốc tế về quyền trẻ em, các chương trình/kế hoạch hành động vì trẻ em… Rồi việc xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em theo Quyết định số 37/2010/QĐ-TTg ngày 22/4/2010; Quyết định số 34/2014/QĐ-TTg ngày 30/5/2014 và tới năm 2019 là Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 03/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, trình tự đánh giá và công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em.
Tính đến cuối năm 2020, sau một năm thực hiện việc xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em theo Quyết định số 06/QĐ-TTg, cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị - xã hội, các tổ chức trong và ngoài nước, các doanh nghiệp và cá nhân các nhà hảo tâm, công tác bào vệ và chăm sóc trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm, chú trọng. Đã có nhiều chủ trương, chính sách được triển khai như hỗ trợ gạo, hỗ trợ tiền ăn, tiền học... cho trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số. Đã có hàng trăm nghìn suất học bổng, suất quà, quần áo, xe đạp, chăn ấm, đồ dùng học tập và thực phẩm... được trao tặng nhằm hỗ trợ, khuyến khích học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên trong học tập. Nhiều mái ấm tình thương được trao tặng cho trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Nhiều trẻ em khuyết tật được trao xe lăn và hỗ trợ phẫu thuật phục hồi chức năng. Nhiều trẻ mồ côi được nhận nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em tỉnh. Nhiều công trình trường, lớp học, nhà bán trú, trang thiết bị vui chơi giải trí cho trẻ em tại cộng đồng được nâng cấp, xây dựng khang trang góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Trẻ em được thụ hưởng quyền lợi chính đáng, được tham gia các chương trình chăm sóc sức khỏe như tiêm chủng mở rộng, uống vitamin A, hỗ trợ giáo dục, vui chơi, giải trí; phòng, chống tai nạn thương tích; phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.v.v…
Kết quả đánh giá theo các tiêu chí XPPHVTE sau 1 năm triển khai
Đánh giá các tiêu chí đạt tiêu chuẩn XPPHVTE theo Quyết định số 06/QĐ-TTg, UBND các huyện, thành phố, thị xã đã tiến hành kiện toàn lại Hội đồng xét duyệt cấp huyện, chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thành lập hoặc kiện toàn Hội đồng đánh giá cấp xã và thực hiện việc đánh giá theo quy định.
Các tiêu chí của xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em được lồng ghép với các chương trình về chăm sóc, bảo vệ trẻ em và gắn với các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhìn chung, cơ bản các xã đều đạt tiêu chí xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em. Tuy nhiên, do tiêu chí số 3 (xâm hại trẻ em) và số 5 (tai nạn thương tích trẻ em) tính điểm liệt nên vẫn còn khá nhiều xã không đạt do có trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích hoặc có trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Toàn tỉnh có 142 xã phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em. trên tổng số 180 xã phường, thị trấn của tỉnh (đạt tỉ lệ 78,9%). Số xã không đạt tiêu chuẩn là 38 xã phường, thị trấn (chiếm tỉ lệ 21,1%).
Có được kết quả ban đầu khá cao này, trước hết phải thấy rằng trong quá trình triển khai thực hiện chương trình xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở. Tiếp đến là Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thành phố, thị xã đã tham mưu, triển khai thực hiện tốt, kịp thời hướng dẫn các xã, phường, thị trấn tổ chức đánh giá và hoàn thiện hồ sơ. Tiếp theo là có sự phân công nhiệm vụ cho các ngành trong việc thu thập, chấm điểm và thẩm định các tiêu chí. Hội đồng đánh giá cấp xã, Hội đồng xét duyệt cấp huyện tổ chức họp đánh giá, thẩm định theo đúng quy trình và gửi hồ sơ về tỉnh theo quy định.
Bên cạnh những thuận lợi ở trên, Chương trình cũng gặp một số khó khăn trở ngại, như: Nguồn lực về kinh phí thực hiện quyền trẻ em của các xã cơ bản còn thấp, chưa đáp ứng được với yêu cầu; Công tác phối hợp giữa các ban, ngành cấp xã liên quan đến các tiêu chí chưa chặt chẽ dẫn đến việc báo cáo một số tiêu chí còn chưa thống nhất; Việc quy định điểm liệt đối với tiêu chí số 3 (trẻ em bị xâm hại), tiêu chí số 5 (trẻ em bị tai nạn thương tích) dẫn đến nhiều xã, phường, thị trấn không đạt tiêu chuẩn. Cách xác định và chấm điểm đối với tiêu chí số 3, số 5 không đồng nhất dẫn đến nhiều xã bị trừ điểm không rõ ràng; Nhà văn hóa ở một số thôn, xóm chưa thực sự đáp ứng được so với nhu cầu vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao của trẻ em.
Để thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em, sau khi được đánh giá xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em năm 2020; các xã, phường, thị trấn đã đạt tiêu chuẩn tiếp tục duy trì và phát huy những thế mạnh để làm tốt hơn nữa công tác Bảo vệ chăm sóc trẻ em; những xã, phường chưa đạt tiêu chuẩn sẽ củng cố, khắc phục những yếu điểm, tìm kiếm giải pháp để tháo gỡ khó khăn, phấn đấu để trong khoảng thời gian ngắn nhất sẽ vươn lên đạt tiêu chuẩn xã phường phù hợp với trẻ em.