Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Thái Nguyên: Nhiều giải pháp giúp công tác cai nghiện vượt chỉ tiêu

Thái Nguyên là tỉnh có khá nhiều người nghiện ma túy. Mỗi năm tỉnh tổ chức cai nghiện cho trên 1.000 lượt người. Trong 5 năm (2016 – 2020), tỉnh đã tổ chức cai nghiện cho 7.153/ 5.670 lượt người, đạt 126,1% kế hoạch.

Kết quả vượt chỉ tiêu kế hoạch

Trong 5 năm qua, đặc biệt là 2 năm gần đây tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp song công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên vẫn được duy trì theo hướng tích cực và đã vượt chỉ tiêu đề ra. Cụ thể: Năm 2016 cai nghiện 1.210/1.000 người, đạt 121% kế hoạch (cai nghiện bắt buộc 74; cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở 595; cai nghiện tại gia đình 541). Năm 2017 cai nghiện 1.602/1.570 người, đạt 102% kế hoạch; Năm 2018 cai nghiện 1504/1.100 người, đạt 136,77% kế hoạch; Năm 2019, cai nghiện 1415/1.000 người đạt 141,5 kế hoạch; Năm 2020 cai nghiện 1.422 người, đạt 142,2% kế hoạch. Tổng số đối tượng đã lập hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là 1.927 người, đã áp dụng biện pháp đưa vào Cơ sở cai nghiện bắt buộc là 1.486 người.

Công tác hướng nghiệp, dạy nghề cho học viên điều trị cai nghiện ma túy luôn được quan tâm.

Công tác hướng nghiệp, dạy nghề cho học viên điều trị cai nghiện ma túy luôn được quan tâm.

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Có được kết quả trên là nhờ sự quan tâm của cả hệ thống chính trị cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Để công tác cai nghiện đạt kết quả, Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu với UBND, HĐND tỉnh ban hành các quyết định, nghị quyết về tổ chức, chỉ đạo thực hiện công tác cai nghiện và quản lý sau cai; chế độ chính sách đối với người làm làm công tác cai nghiện tại cơ sở cai nghiện và tại cộng đồng; chính sách hỗ trợ đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập; Kế hoạch thực hiện đổi mới công tác cai nghiện và mô hình chuyển đổi Trung tâm Chữa bệnh – giáo dục – Lao động xã hội, Trung tâm Quản lý sau cai nghiện trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh, hằng năm, đều giao chỉ tiêu cai nghiện để các địa phương triển khai thực hiện. Các Sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Sở LĐ-TB&XH triển khai thực hiện hiệu quả công tác tổ chức cai nghiện theo chỉ đạo, hướng dẫn của HĐND, UBND tỉnh về chính sách cai nghiện tự nguyện; hướng dẫn thủ tục, quy trình đưa người vào Cơ sở điều trị nghiện ma túy theo đúng quy định; mở rộng mô hình cai nghiện dựa vào cộng đồng, từng bước thực hiện xã hội hóa công tác cai nghiện.

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã hằng năm đã chủ động triển khai các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn  của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành về công tác tổ chức cai nghiện ma túy. Giao chỉ tiêu cai nghiện đến các xã, phường, thị trấn; thành lập Đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã, xây dựng quy chế hoạt động phối hợp của các tổ, đội theo quy định; chủ động phối hợp với các Sở, ban ngành của tỉnh tiến hành thanh kiểm tra, đôn đốc các đơn vị trên địa bàn thực hiện hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch giao. Ủy ban nhân dân các xã, phường, trị trấn xây dựng, giao chỉ tiêu kế hoạch cai nghiện đến các thôn, xóm, tổ dân phố và giao nhiệm vụ cụ thể cho Tổ công tác cai nghiện thực hiện nhiệm vụ tổ chức cai nghiện; kiện toàn Tổ công tác cai nghiện cấp xã, phân công các thành viên Đội công tác xã hội tình nguyện thường xuyên vận động, giúp đỡ, hỗ trợ người nghiện tham gia điều trị, cai nghiện tự nguyện tại gia đình. Quản lý, tiếp nhận, hỗ trợ người sau cai tái hòa nhập cộng đồng; Tổ chức xét nghiệm định kỳ, đột xuất xác định tình trạng nghiện, phát hiện các đối tượng sử dụng ma túy để lập hồ sơ áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc, đồng thời đưa người cai nghiện thành công ra khỏi danh sách quản lý người nghiện.

Đẩy mạnh tập huấn, tuyên truyền

Giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã tổ chức 158 hội nghị tuyên truyền cho 14.235 cán bộ các cấp kiến thức cơ bản về nghiện ma túy, các biện pháp, mô hình dự phòng và điều trị nghiện, 79 lớp tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho 4.327 cán bộ làm công tác cai nghiện về kiến thức cai nghiện, điều trị ma túy; 100% cán bộ tham gia công tác dự phòng và điều trị nghiện được đào tạo kiến thức cơ bản về điều trị nghiện; dự kiến 100% cán bộ làm công tác tư vấn về dự phòng và điều trị nghiện được đào tạo và được cấp chứng chỉ trong năm 2021. 100% cán bộ y tế công tác tại các cơ sở điều trị nghiện có đầy đủ văn bằng, chứng chỉ về điều trị nghiện so với mục tiêu đề án đổi mới công tác cai nghiện. Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã phối hợp với Đài PT-TH, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, các báo trung ương xây dựng trên 50 tin, bài, phóng sự tuyên truyền về công tác cai nghiện ma túy, phổ biến những gương điển hình cai nghiện thành công…

Khám và điều trị cắt cơn cho bệnh nhân tại Cơ sở tư vấn và điều trị nghiện tự nguyện huyện Phú Bình (ảnh chụp trước ngày 27/4/2021).

Khám và điều trị cắt cơn cho bệnh nhân tại Cơ sở tư vấn và điều trị nghiện tự nguyện huyện Phú Bình (ảnh chụp trước ngày 27/4/2021).

Triển khai mạnh mẽ công tác cai nghiện

Việc cai nghiện bắt buộc được các xã, phường, thị trấn thực hiện đúng quy trình theo các bước quy định. Trong 5 năm, từ 2016-2020, tỉnh đã đưa 1.468 người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện.

Việc cai nghiện cho người tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện cũng được chú trọng quan tâm. Sau khi tiếp nhận, học viên được cắt cơn giải độc, phục hồi sức khỏe, theo phác đồ điều trị cụ thể đối với từng học viên. Tại đây, học viên còn được  tư vấn tạo động lực, được sinh hoạt nhóm để thay đổi hành vi, nâng cao kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết tình huống gặp phải trong quá trình cai nghiện. Khi chuẩn bị hết thời giai cai, học viên được hướng dẫn xây dựng kế hoạch hòa nhập cộng đồng, phòng chống tái nghiện.

Những đối tượng nghiện không có nơi cư trú ổn định cũng được đưa vào quản lý tại Cơ sở Tư vấn và điều trị, cai nghiện ma túy tỉnh; được khám sức khỏe, phân loại đối tượng điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Cơ sở xã hội phối hợp với cơ quan chức năng, hoàn thiện hồ sơ đối với đối tượng này và thực hiện áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định. Trong 5 năm, từ 2016-2020 tỉnh đã quản lý đối tượng người nghiện không nơi cư trú là 642 người. Các đối tượng này sau khi vào cơ sở đã được hoàn thiện hồ sơ và Tòa án nhân dân các huyện, thành phố, thị xã đến cơ sở họp xét đưa vào cai nghiện bắt buộc.

Từ năm 2019, Hội đồng nhân dân tỉnh có quy định chính sách hỗ trợ đối với người cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập của tỉnh, với chính sách hỗ trợ tốt cho người cai nghiện tự nguyện. Giai đoạn 2016-2020 toàn tỉnh có 2.733 học viên vào cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở cai nghiện.

Tỉnh cũng đã triển khai các mô hình cai nghiện tại gia đình, cộng đồng phù hợp tình hình thực tế của địa phương. Trong giai đoạn 2015-2020, toàn tỉnh đã tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng được 2.952 người.

Việc quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm. Từ 2016 đến 2020, tỉnh đã thực hiện các hình thức quản lý sau cai tại nơi cư trú được 683 người.

Gần gũi với thiên nhiên là một trong những hoạt động tổ chức lao động trị liệu của Cơ sở Tư vấn và Điều trị cai nghiện ma túy tỉnh Thái Nguyên (ảnh chụp trước ngày 27/4/2021).

Gần gũi với thiên nhiên là một trong những hoạt động tổ chức lao động trị liệu của Cơ sở Tư vấn và Điều trị cai nghiện ma túy tỉnh Thái Nguyên (ảnh chụp trước ngày 27/4/2021).

5 năm nhìn lại

Công tác cai nghiện ma túy từ trước đến giờ luôn được coi là một việc gian khó đối với bản thân người nghiện và với những người làm công tác cai nghiện. Cai nghiện xong, trở về gia đình họ sống thế nào, có việc làm không? Có bị tái nghiện trở lại không? Đây là bài toán cần nhiều lời giải trong thời gian dài.

Tuy nhiên, nhìn chung công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai trong 5 năm gần đây của tỉnh Thái Nguyên đã được được các Sở, ban ngành của tỉnh, các cấp chính quyền địa phương quan tâm, chỉ đạo thực hiện đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, hạn chế số người nghiện phát sinh mới. Kết quả thực hiện chỉ tiêu cai nghiện hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch. Trong 5 năm, từ 2016-2020, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức cai nghiện cho 7.153 lượt người/ 5.670 lượt người đạt 126,1% kế hoạch.