Chiều 31/10, Bệnh viện E thông tin, tại đây vừa cứu sống thành công một cháu bé sơ sinh bị mắc bệnh đảo gốc động mạch.
Đây là bệnh nặng nhất trong các loại dị tật tim bẩm sinh, chiếm khoảng 5-7% số trẻ bị dị tật tim và khoảng 20-30/100.000 trẻ sinh ra. Trẻ tử vong rất cao nếu không được can thiệp phẫu thuật sớm.
Chị Nguyễn Thị Huyền (31 tuổi, ở Liên Chiểu, Đà Nẵng) mang thai lần 2. Khi thai được 21 tuần, đi khám, siêu âm định kỳ, các bác sĩ tại Đà Nẵng phát hiện thai nhi mắc bệnh tim bẩm sinh, nhưng chưa xác định được dị tật mắc phải là gì.
Bé Hải A mắc bệnh lý tim mạch phức tạp, nặng nề đã được các bác sĩ Bệnh viện E cứu sống.
Chị Huyền cho biết, gia đình chị không ai mắc bệnh tim. Các bác sĩ giải thích, bệnh không có yếu tố di truyền mà thường gặp do lỗi trong quá trình người mẹ mang thai (như mẹ bị sốt virus, mang thai khi tuổi đã cao...).
May mắn, trẻ có cơ hội sống cao nếu được can thiệp phẫu thuật kịp thời ngay sau sinh.
Khi thai được 37 tuần, chị Huyền đã ra Hà Nội, nhập viện Bệnh viện E để khám và theo dõi thai sản. Ngày 29/9, con trai Hải A của chị chào đời ở tuần thai thứ 39, nặng 3kg.
Ca mổ đặc biệt này, bên cạnh kíp bác sĩ sản khoa do PGS.TS Trần Quốc Tuấn – Trưởng khoa Sản phụ (Bệnh viện E) là người trực tiếp thực hiện ca mổ đẻ thì có thêm một kíp bác sĩ tim mạch do ThS Trần Đắc Đại - Trưởng khoa Tim trẻ em, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E trực cấp cứu ngay bên cạnh.
Do cháu bé mắc tim bẩm sinh nặng nên vừa mới chào đời đã rơi vào tình trạng toàn thân tím tái, chân tay trắng bệch, hơi thở khó khăn… ThS Đại đã ngay lập tức cấp cứu và truyền thuốc đặc trị cho bé khiến bé dần hồng hào trở lại.
ThS Đại cho biết, đảo gốc động mạch có thể khiến trẻ tử vong ngay sau sinh nếu không có sự cấp cứu kịp thời. Do vậy việc phát hiện trước khi sinh và sinh tại Bệnh viện E – một cơ sở y tế có đủ khả năng cấp cứu và can thiệp cũng như phẫu thuật tim mạch là yếu tố quan trọng quyết định của trẻ mắc tim bẩm sinh ngay trong bào thai.
Bé Hải A được bác sĩ nội tim nhi hồi sức ngay sau sinh,chăm sóc đặc biệt duy trì sự sống đến ngày 13/10, khi cháu bé được 14 ngày tuổi, sức khỏe dần ổn định, TS Đỗ Anh Tiến – Phó khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực đã tiến hành chuyển gốc động mạch.
Ca mổ diễn ra gần 5 giờ, các bác sĩ phải đồng thời chuyển hai động mạch vành và vá lại lỗ thông giữa hai tâm nhĩ. Theo TS Tiến kỹ thuật này đặc biệt khó, do đường kính của động mạch vành ở trẻ nhỏ chỉ khoảng 1-1,5mm. Các bác sĩ phải phẫu thuật trong điều kiện khó khăn, với độ di lệch cho phép từ 0,2-0,5mm.
Trong quá trình phẫu thuật, nhất là đối với bệnh nhi trong quá trình sơ sinh như bé Hải A, gây mê và chạy tim phổi nhân tạo là vô cùng khó khăn, thời gian mổ thường kéo dài 4 giờ, chỉ cần một chỉ số tuần hoàn thay đổi cũng có thể khiến trẻ tử vong ngay trên bàn mổ. Do đó đòi hỏi phải có thiết bị gây mê hồi sức chuyên dụng cho phẫu thuật này.
Được biết, dù là kỹ thuật phẫu thuật tim bẩm sinh khó nhất, nhưng Trung tâm tim mạch – Bệnh viện E đã làm chủ được, tiến hành mổ thường quy, nhằm mang lại cơ hội sống cho nhiều trẻ sơ sinh mắc căn bệnh hiểm nghèo này.
GS.TS Lê Ngọc Thành – Giám đốc Bệnh viện E khẳng định, với các tật về tim bẩm sinh, hoàn toàn có thể được phát hiện bằng siêu âm chẩn đoán trước sinh và sau sinh.
Do vậy khi đi khám thai định kỳ, cần chú ý đến tim thai xem có gì bất thường (nếu cần thiết phải có một đợt kiểm tra tim thai bởi các bác sĩ tim mạch nhi khi thai được 18-22 tuần tuổi). Nếu được phát hiện và can thiệp sớm, 98% bệnh nhân tim bẩm sinh có thể chữa được và trở về cuộc sống như người bình thường.
Với những dị tật tim thai được bác sĩ sản khoa phát hiện cần phải có sự kết hợp với bác sĩ tim bẩm sinh, theo dõi chặt chẽ tại những cơ sở y tế có hội đủ 2 yếu tố sản khoa và tim mạch nhằm điều trị, cấp cứu kịp thời các dị tật tim bẩm sinh ngay sau khi chào đời.
Theo Võ Thu/Giadinhnet